Tip hay

Xử lí đúng cách khi trẻ bị cảm sốt

Xử lí đúng cách khi trẻ bị cảm sốt

Trẻ bị sốt cao có thể là dấu hiệu của một bệnh nào đó như nhiễm khuẩn, viêm họng, tiêu chảy... Ngoài ra, sốt cũng có thể do các bệnh cấp tính khác, nhất là viêm đường hô hấp. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết cách xử trí tại nhà trước khi đưa trẻ tới cơ sở y tế nhé!

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm sốt

Khi thấy trẻ mệt mỏi, quấy khóc, dễ nổi cáu, ngủ lơ mơ, mặt đỏ hoặc tái mét, hay rùng mình hoặc thân nhiệt tăng, thì rất có thể trẻ đang lên cơn sốt.

Thân nhiệt bình thường của trẻ em khoảng 37- 37.5°C, khi lên đến 38°C là sốt. Khi trẻ bị sốt có thể cơ thể đã nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng...), chủ yếu là các bệnh viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy...

Nếu sốt 38 - 38.5°C thì cơ thể trẻ có thể chịu đựng được nhưng khi trẻ bị sốt cao đến 39 - 40°C, trong thời gian dài sẽ gây mất nước, rối loạn thần kinh, gây co giật, thiếu ôxy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể hôn mê hoặc tử vong...

Vì vậy, phải xử lí kịp thời khi trẻ bị sốt cao trước khi đưa đến cơ sở y tế để điều trị để tránh những hậu quả nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm sốt

Cách xử lý khi trẻ bị cảm sốt

- Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ.

- Cặp nhiệt độ (có thể đặt nhiệt kế ở dưới nách hoặc ở hậu môn của trẻ). Nhiệt kế phải được giữ ít nhất 3 phút.

- Nếu thân nhiệt không quá 38°C, cởi bớt quần áo, không đắp chăn, chỉ cho trẻ mặc quần áo mỏng và theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, khoảng 1 giờ đo 1 lần.

- Nếu thân nhiệt khoảng 38 – 38.5°C, pha nước ấm như nước tắm em bé, dùng khăn mềm nhúng vào chậu nước, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp mình trẻ, nhất là các vị trí như nách, bẹn. Lau đến khi thân nhiệt hạ xuống khoảng 37.5°C rồi mặc lại quần áo cho trẻ. Cần theo dõi nếu thân nhiệt lại tăng thì thực hiện tiếp.

- Nếu thân nhiệt 38.5°C trở lên, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữ hai lần uống theo hướng dẫn sử dụng.

- Theo Vinmec, cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước đỗ, nước cam, chanh...), nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều hơn hoặc cho trẻ uống Oresol ( dụng dịch bù nước và các chất điện giải) theo đúng hướng dẫn sử dụng.

- Cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp…

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Cách xử lý khi trẻ bị cảm sốt

Những lưu ý cần tránh khi trẻ sốt cao

- Mặc nhiều quần áo ấm hoặc đắp chăn khi thấy trẻ sốt cao vì sẽ càng làm tăng thân nhiệt, rất nguy hiểm nếu trẻ sẽ sốt cao hơn gây co giật, thiếu ô xy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể hôn mê và tử vong.

- Tuyệt đối không dùng nước đá để chườm cho trẻ vì sẽ khiến trẻ sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.

- Không xát chanh hay để trẻ ra gió.

- Không dùng nhiều loại thuốc có chung một thành phần để hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều có thể gây ngộ độc.

Những lưu ý cần tránh khi trẻ sốt cao

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị cảm nhiệt. Trẻ bị cảm nhiệt nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn do hậu quả của rối loạn điều hòa thân nhiệt. Do đó, cha mẹ tránh để trẻ chơi ngoài trời nắng gắt quá lâu và nhắc trẻ uống đủ nước để tránh bị cảm sốt.

Xem thêm Cách giảm sốt nhanh cho trẻ

Nguồn: Vinmec

Từ khóa: Xử lí đúng cách khi trẻ bị cảm sốtxử lí đúng cách khi trẻ bị cảm sốtdấu hiệu trẻ bị cảm sốtcách giảm sốt nhanh cho trẻcảm sốtsốt