Virus Nipah là gì? Con đường lây nhiễm của virus Nipah nguy hiểm
Virus Nipah là loại virus rất hiếm gặp nhưng lại gây ra tỷ lệ tử vong cao. Vậy virus Nipah là gì và chúng lây nhiễm qua những đường nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Hiện nay, virus Nipah được biết đến là nguyên nhân gây ra nhiều đợt dịch với tỷ lệ tử vong rất cao ở một số nước ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Loại virus này thuộc chi Henipavirus rất nguy hiểm. Vậy virus Nipah thường lây lan qua những con đường nào và cách phòng ngừa loại virus này ra sao? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu chi tiết ngay tại bài viết dưới đây nhé.
1
Virus Nipah là gì?
Virus Nipah là loại virus được phát hiện lần đầu vào năm 1998, sau đó được chính thức công bố vào năm 1999 sau khi gây ra đợt dịch tại Malaysia và Singapore khiến hơn 100 tử vong. Virus Nipah thuộc họ Paramyxoviridae, chi Henipavirus.
Đây là loại virus có khả năng lây truyền bệnh từ động vật sang người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, loại virus này có nguy cơ sẽ gây ra đợt dịch quy mô lớn trong tương lai nếu chưa tìm được vắc xin phòng ngừa hoặc các loại thuốc đặc trị.
2
Vật chủ mang bệnh của virus Nipah
Vật chủ mang bệnh của virus Nipah được xác định là một loài dơi ăn quả có tên khoa học là Pteropus. Virus có trong loài dơi này có thể lây truyền sang một số loại động vật như chó, mèo, dê, ngựa, cừu,...
3
Con đường lây lan của virus Nipah
Theo các nhà khoa học, virus Nipah lây nhiễm từ động vật sang người được xác định thông qua những con đường chủ yếu sau:
- Những người thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm chứa chất dịch của cơ thể động vật bị nhiễm virus, chẳng hạn như ăn trái cây bị nhiễm độc, sử dụng nhựa của cây chà là,...
- Con người có tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, nước dãi, máu của động vật nhiễm bệnh,...
4
Các triệu chứng khi nhiễm virus Nipah
Khi nhiễm virus Nipah, người bệnh thường có những triệu chứng cụ thể như sau:
- Ở giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng nhẹ như đau họng, khó thở, ho kèm theo các cơn sốt, nôn mửa, nhức đầu.
- Khi bệnh ngày càng nặng hơn, người bệnh sẽ có thể bị rối loạn tâm thần, lú lẫn, hôn mê, co giật, suy hô hấp, mất phương hướng,...
5
Cách chẩn đoán và điều trị nhiễm virus Nipah hiện nay
Việc chẩn đoán virus Nipah sớm sẽ giúp hạn chế bệnh trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, vì những triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus thường không rõ ràng, do đó chúng ta có thể chẩn đoán dựa trên việc người bệnh có từng tiếp xúc với virus gây bệnh hoặc sống ở vùng dịch hay không.
Bên cạnh đó, khi nhiễm virus ở giai đoạn đầu, bạn nên tiến hành xét nghiệm RT-PCR bằng cách lấy dịch mũi họng, máu hoặc nước tiểu. Sau đó thường xuyên theo dõi và kiểm tra hàng tháng để đánh giá được tình trạng bệnh cũng như khả năng phục hồi.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bị nhiễm virus Nipah mà chủ yếu là chăm sóc kết hợp với việc nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, những bệnh nhân tại Malaysia trong đợt dịch đã được chỉ định sử dụng thuốc Ribavirin để điều trị. Tuy nhiên hiệu quả mà thuốc này mang lại là chưa rõ ràng và cụ thể.
6
Cách phòng ngừa lây nhiễm virus Nipah
Đối với những vùng đã từng có dịch do virus Nipah gây ra cần thực hiện những phương pháp phòng ngừa sau:
- Hạn chế tiếp xúc với những loài động vật có khả năng lây nhiễm cao như dơi, lợn ốm,...
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng cũng như các dung dịch sát khuẩn.
- Tránh xa những vùng có dơi sinh sống, trú ngụ.
- Không nên ăn trái cây mọc hoang hoặc rụng rơi trên mặt đất, không sử dụng những sản phẩm bị nhiễm khuẩn như như nhựa cây chà là,...
- Khi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm virus, cần bảo hộ cơ thể kỹ lưỡng để tránh bị nhiễm bệnh.
Đối với những quốc gia bị có nguy cơ bùng dịch, cần chú trọng một số biện pháp như:
- Hạn chế việc phát triển du lịch ở những khu vực có loài dơi này sinh sống.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng về những nguy hiểm mà virus Nipah gây ra.
- Tăng cường nghiên cứu tập tính, đặc điểm của loài dơi ăn quả để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
- Giám sát và theo dõi kỹ càng người và động vật sinh sống, trú ngụ ở những nơi có nguy cơ xuất hiện virus cao.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh.
- Từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã.
- Chấp hành các quy định, hướng dẫn của các cơ quan y tế, chính quyền địa phương nghiêm túc trong việc phòng ngừa bệnh.
Bài viết trên đây Tip Hay đã cùng các bạn tìm hiểu virus Nipah là gì cũng như những con đường lây lan của loại virus này. Hy vọng qua những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tham khảo và biết cách phòng ngừa virus Nipah, bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Nguồn: Medlatec.vn