Viễn thị đeo kính gì? Cách chọn kính đeo phù hợp cho người viễn thị
Viễn thị là gì? Viễn thị có phải chỉ xuất hiện ở người già? Viễn thị thì đeo kính gì? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp tất cả thông tin bạn cần biết về tật viễn thị.
Xã hội ngày càng phát triển, con người dành thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy tính, smartphone ngày càng nhiều. Hệ lụy đi theo đó là tỷ lệ mắc các tật khúc xạ gia tăng nhanh chóng.
Trong đó, viễn thị chiếm một tỷ lệ khá cao. Vậy bạn đã biết viễn thị là gì và cách khắc phục tật này chưa? Hãy đọc hết bài viết sau đây của Bách Hóa XANH để tìm kiếm đáp án chính xác nhất nha!
1
Viễn thị là gì?
Viễn thị là một tật của mắt, khi mà bạn có thể nhìn rõ được các vật ở xa nhưng lại không thể nhìn thấy rõ các vật ở gần, do trục trước sau của mắt ngắn hơn so với người bình thường hoặc có thể là do độ cong giác mạc dẹt khiến ảnh của vật không hiện lên võng mạc của mắt được, thay vào đó thì ảnh của vật lại hiện ra phía sau võng mạc.
Độ viễn thị được thể hiện là (+) a, trong đó a càng lớn thì độ viễn càng cao.
Viễn thị được chia thành 3 loại:
- Viễn thị đơn thuần: Gây ra do sự thay đổi trục quang học (trục quá ngắn) hay giác mạc không đủ cong.
- Viễn thị bệnh lý: Gây ra do giải phẫu, các bệnh lý về mắt như: Bệnh võng mạc, khối u mắt gây ra viễn thị, hoặc có thể do chấn thương.
- Viễn thị chức năng: Gây ra do liệt chức năng điều tiết.
2
Viễn thị đeo kính gì?
Người viễn thị thường đeo loại kính có thấu kính hội tụ làm cho ảnh của vật hiện lên trên võng mạc, để người bị viễn thị có thể nhìn rõ được vật. Giống với việc chọn kính cận, việc chọn kính viễn thị cũng vô cùng quan trọng, lời khuyên cho bạn là hãy tới các bác sĩ chuyên khoa khám tư vấn và chọn kính có độ viễn phù hợp, chính xác nhất đối với mắt của bạn.
Đối với người có độ viễn trên +1.00 diop thì việc đeo kính viễn là bắt buộc, bởi đối với độ viễn này nếu bạn không đeo kính sẽ khiến mắt phải điều tiết rất nhiều sẽ gây ra hiện tượng tăng độ viễn nhanh chóng và kèm theo đó là các triệu chứng như: Đỏ mắt, khô mắt,…
Còn đối với người có độ viễn nhẹ dưới +1.00 diop, có thể không đeo kính viễn nếu thị lực của bạn vẫn có thể đảm bảo cho công việc hàng ngày và mắt bạn không bị khó chịu nhiều khi làm việc.
3
Cách chọn kính viễn thị phù hợp
Việc quan trọng nhất đối với người bị viễn thị là chọn kính viễn cho phù hợp. Các đặc điểm cơ bản khi chọn mắt kính bạn cần chú ý là: Độ viễn, độ chiết suất (kính càng mỏng thì độ chiết suất càng cao và ngược lại), khả năng chống lóa, chống ánh sáng xanh, chống thấm nước của kính...
Bạn nên đến những cơ sở chuyên khoa đầy đủ uy tín để nghe tư vấn và chọn kính đeo cho phù hợp.
Hiện nay, kính cho người viễn thị có 3 loại cơ bản sau: Kính gọng viễn thị, kính áp tròng mềm viễn thị và kính áp tròng cứng viễn thị.
Kính gọng viễn thị
Kính gọng viễn thị cũng giống kính gọng cận thông thường, chỉ khác là có độ “+” là dành cho người viễn thị.
Ưu điểm của kính gọng viễn thị
- Có mức giá rẻ hơn hẳn giá của kính áp tròng. Loại kính này là 1 lựa chọn an toàn, phù hợp và tiết kiệm cho người bị viễn thị.
- Kính gọng không tác động trực tiếp lên mắt, có thể tháo ra đeo vào dễ dàng mà không gây tình trạng khô mắt, hay nhiễm trùng mắt.
Nhược điểm của kính gọng viễn thị
- Vấn đề lớn nhất của loại kính này đối với nhiều người có lẽ là về thẩm mỹ, nhưng trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kính gọng viễn thị có thiết kế mang tính thẩm mỹ cao.
- Khi trời mưa người đeo kính gọng viễn thị có thể gặp khó khăn, bất tiện.
Kính áp tròng mềm viễn thị
Kính áp tròng mềm là loại kính có hình chảo, có độ cong tương ứng với giác mạc từng người và được ôm sát vào giác mạc.
Ưu điểm kính áp tròng mềm viễn thị
- So sánh với kính gọng thì kính áp tròng mềm giúp người đeo thoải mái, gọn gàng hơn và có thể sử dụng trong bất kỳ thời tiết nào mà không gây khó khăn.
- Kính áp tròng hiện nay được chế tạo mang nhiều màu sắc làm tăng thẩm mỹ khi đeo, kính sẽ giúp mắt to, đẹp hơn.
Nhược điểm kính áp tròng mềm viễn thị
- Tương đối khó sử dụng cho người mới sử dụng, chưa quen việc đeo kính áp tròng.
- Việc đeo kính thường xuyên không đúng cách sẽ gây cộm mắt, khó chịu và nặng hơn là gây tổn thương giác mạc.
- Giá thành các loại kính áp tròng thường tương đối cao.
Kính áp tròng cứng viễn thị (Ortho-K)
Ortho-K là kính áp tròng cứng, có khuôn hình cố định, được thiết kế đặc biệt để đeo vào ban đêm, tác dụng chính của kính là điều chỉnh độ cong giác mạc khi ngủ. Do đó khi thức dậy mắt có thể nhìn rõ vật cả ở gần và xa ngay cả khi không đeo kính.
Do kính có thể điều chỉnh độ cong giác mạc về hình dáng chuẩn ban đầu, giúp ảnh của vật nằm ngay trên võng mạc và mắt nhìn rõ được vật. Kính Ortho-K có thể dùng cho cả người bị cận, loạn hay viễn thị.
Ưu điểm kính áp tròng cứng viễn thị (Ortho-K)
- Điều trị được cả 3 tật khúc xạ của mắt là: Cận thị, loạn thị và viễn thị.
- Chỉ đeo vào ban đêm nên hạn chế tình trạng khó chịu, khô mắt, hay nhiễm trùng mắt.
- Giúp mắt lấy lại được thị lực so với các loại kính gọng và kính áp tròng mềm.
Nhược điểm kính áp tròng cứng viễn thị (Ortho-K)
- Giá thành cao, cao hơn nhiều so với hai loại kính nêu trên.
Bên cạnh đó còn có một số loại kính mắt khác như kính râm viễn thị, kính bơi viễn thị phù hợp với từng hoàn cảnh và nhu cầu sử dụng.
4
Cách tập luyện mắt cho người viễn thị
Luyện mắt thường xuyên kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và các phương pháp điều trị viễn thị khác như đeo kính, phẫu thuật sẽ đem lại những hiệu quả khả quan.
Các phương pháp luyện mắt, giữ cho đôi mắt sáng khỏe bạn có thể tham khảo như:
- Luyện tập nhìn xa cho mắt khi không có kính khoảng 10 -15 phút mỗi ngày để mắt tự điều tiết.
- Hạn chế việc làm việc và sử dụng các thiết bị điện tử liên tục như: Máy tính, điện thoại. Để cho mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
- Massage nhẹ nhàng mắt khi nhắm và mỗi sáng thức dậy.
- Nhắm chặt mắt trong vài giây, sau đó mở mắt, lặp lại từ 4-5 lần mỗi ngày để giúp mắt thư giãn hơn.
- Chớp mắt và đảo mắt thường xuyên khi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, tivi hay điện thoại.
Vậy là bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin cần biết về tật viễn thị và cách chọn kính viễn thị sao cho phù hợp nhất rồi. Bạn hãy theo dõi những bài viết mới nhất của Tip Hay để cập nhật thêm những thông tin bổ ích khác nhé!
Nguồn: Nhà thuốc Long Châu