Viêm nhiễm phụ khoa vì dùng băng vệ sinh sai cách!
Vì thói quen, thiếu tinh ý hay thiếu kiến thức sử dụng băng vệ sinh khiến nhiều bạn gái đối mặt với những bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Đừng để 1 "hiện tượng tự nhiên" của cơ thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhé!
1
Quên việc xem hạn dùng
Mặc dù băng vệ sinh có hạn dùng khá lâu nhưng bạn đâu thể biết được 1 ngày đẹp trời mua nhầm phải túi băng vệ sinh sắp hay đã hết hạn dùng, tại 1 điểm bán lạ hoắc!
Do thói quen và "nhu cầu cấp bách" mà cứ thế "bóc vỏ dùng hàng" không cần kiểm tra. Nếu mới chỉ hết hạn 1 vài ngày chắc còn an toàn, còn không nguy cơ gây tổn thương vùng kín (như ngứa ngáy, kích ứng, viêm nhiễm) là khá cao và khả năng thấm hút cũng như độ bền của nó cũng chẳng đảm bảo.
Một thao tác nhỏ vì lợi ích lớn, nhớ nghía qua hạn dùng trên bao bì trước khi mua hay trước khi dùng sản phẩm nhé!
2
Lười thay băng vệ sinh
Cái này chị em thường gặp nè:
- Trường hợp 1: Tiết kiệm. Băng vệ sinh còn thấm hút tốt, cần gì phải thay cho tốn kém, lại mất thời gian.
- Trường hợp 2: Lười. Ngày đầu hay những ngày cuối máu kinh không nhiều, băng vệ sinh còn khá sạch nên không nhất thiết phải thay, đâu sợ "trào nước".
- Trường hợp 3: Không biết. Cứ nghĩ rằng băng vệ sinh dùng "đầy" mới cần phải thay.
Dù bạn có thuộc diện nào, bạn cũng đang đặt "cô bé" trước nguy cơ viêm nhiễm đấy nhé! Băng vệ sinh và máu kinh đều sạch, nhưng cả 2 khi tiếp xúc với không khí, cộng thêm môi trường ẩm ướt của âm đạo sẽ là nơi trú ngụ và phát triển ồ ạt của vi khuẩn gây bệnh đấy nhé!
Băng vệ sinh khi dùng cần thay mới khoảng 4 tiếng/1 lần, bất kể loại nào và trong ngày nào của kỳ kinh. Chấn chỉnh ngay tư tưởng và thói quen để bảo vệ cô bé, cũng là bảo vệ cô bé của mình nhé.
3
Ưa dùng loại có độ thấm hút cao, có mùi thơm
Nghĩ rằng băng vệ sinh độ thấm hút cao sẽ đảm bảo không gây "rò rỉ", giúp bạn tự tin hơn. Nhưng sẽ khiến âm đạo dễ bị khô rát, và nhất là nếu dùng tampon có độ thấm hút cao, lại không thay băng trong thời gian dài (trên 8 tiếng) sẽ có nguy cơ bị sốc độc (TSS) nguy hiểm đến sức khỏe và cả tính mạng.
Còn về mùi hương, nó đánh bay nỗi lo về mùi trong những ngày đèn đỏ, nhưng hương thơm (mà nhất là hương thơm từ hóa chất) cũng là nhân tố gây dị ứng, kích ứng rất tai hại. Nếu biết giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên thay băng thì bạn gái chẳng lo vùng kín có mùi trong những ngày "mưa" nhé.
4
Bỏ qua các dấu hiệu kích ứng
Không nhiều nhưng cũng không thiếu bạn gái bị dị ứng với mùi hương, chất liệu hay thành phần nào đó của 1 hay nhiều loại, nhãn hiệu băng vệ sinh.
Dấu hiệu dị ứng có thể là ngứa ngáy, nổi mẩn, cơ thể nóng sốt nhẹ, chóng mặt, buồn nôn. Chúng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh thông thường khác nên đôi khi khiến chủ nhân bỏ qua.
Lưu ý nhé, nếu phát hiện mình bị dị ứng với loại băng vệ sinh nào đó, nên dừng ngay việc sử dụng, đổi sang loại khác và theo dõi phản ứng của cơ thể.
5
Lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày
Băng vệ sinh hàng ngày sẽ giải quyết vấn đề cho những ngày ẩm ướt giữa tháng, rất đơn giản, sạch sẽ và tiện lợi.
Nhưng bạn gái có biết, cách tốt nhất nên dùng là thường xuyên vệ sinh và thay quần lót trong những ngày ra nhiều huyết trắng, để vùng tam giác luôn sạch sẽ, khô thoáng, phòng tránh bệnh.
Băng vệ sinh hàng ngày dù giúp "hút sạch" chất nhờn, nhưng duy trì môi trường ẩm ướt cho âm đạo, tạo không gian lý tưởng cho vi khuẩn và mầm bệnh phát triển.
6
Cất giữ "hàng tồn" trong nhà vệ sinh
Bạn gái mua thật nhiều băng vệ sinh để dùng dần, hay những túi băng vệ sinh dùng dở dang, tất cả mang cất giữ trong nhà vệ sinh, để khi cần là tiện có dùng ngay. Cách bảo quản sai và nguy hiểm nhé.
Băng vệ sinh là thứ dễ hút ẩm, cần bảo quản nơi khô thoáng và sạch sẽ. Bạn mang để chúng trong nhà vệ sinh, chẳng khác gì "xây nhà cho vi khuẩn trú ngụ".
Băng vệ sinh sau khi đã xé bao bì, nên được dùng sớm và cất giữ nơi khô thoáng sạch sẽ nhé. Nếu phát hiện miếng băng bị ẩm, nên bỏ đi ngay.
Một chút kiến thức, 1 chút tinh ý và cẩn trọng khi dùng băng vệ sinh sẽ giúp vùng kín luôn sạch, thơm, an toàn, cho cuộc sống bạn gái luôn khỏe và tươi vui nhé!
Bạn sẽ quan tâm:
>>> Bị ngứa do dùng băng vệ sinh, vì sao?
>>> Dị ứng băng vệ sinh, nguy hiểm cần biết!