Video rửa dâu tây bằng máy sục nổi váng đục ngầu, chuyên gia nói gì?
Thực hư thông tin dâu tây rửa bằng máy sục nổi váng đục, nghi chứa chất độc hại gây hoang mang cộng đồng mạng gần đây ra sao? Cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
Hình ảnh lớp váng xanh đục khiến rất nhiều người yêu thích ăn dâu tây hoang mang, lo ngại về chất lượng của loại trái cây này. Vậy dâu tây có thực sự “bẩn” như trong clip chia sẻ? Cùng đi tìm câu trả lời từ những thông tin được chuyên gia chia sẻ nhé!
1
Thực hư việc rửa dâu tây bằng máy sục nổi lớp váng đục ngầu
Những ngày qua cộng đồng mạng lan truyền một clip rửa dâu bằng máy sục từ một tài khoản Tiktok, với hình ảnh nước rửa phủ một lớp váng đục ngầu và đặt nghi vấn đề chất lượng của loại trái cây này.
Sau khi clip được đăng tải đã nhận về vô số bình luận lo ngại, hoang mang từ người dùng mạng xã hội. Theo thông tin từ chủ tài khoản, dâu tây được người này mua bên đường với giá 50.000/hộp và ngâm qua nước muối trước khi cho vào máy sục để rửa, khi đó tình trạng dâu vẫn bình thường.
Song, sau khi trải qua quá trình rửa bằng máy sục thì nước rửa dâu nổi lên một lớp váng màu xanh đục khó hiểu.
2
Lớp váng màu xanh có phải là chất độc hay không?
Việc đoạn clip lan truyền phổ biến trên mạng xã hội đã khiến nhiều người cho rằng nguyên nhân chính đến từ nguồn gốc và chất lượng dâu tây bán bên đường không đảm bảo, chứa nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe.
Vậy đây thực chất có phải chất độc hay không? Câu trả lời được PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho biết rằng, đây là một hiện tượng bình thường. Cụ thể, ông giải thích việc sử dụng máy sục để rửa trái cây, rau củ có thể xảy ra hiện tượng đóng váng do khí và sủi bọt từ máy sục tạo thành.
Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh thông tin thêm rằng tuy sử dụng máy sục rửa thực phẩm mang đến những lợi ích nhất định, nhưng không có chuyện chỉ sản phẩm này mới có thể làm sạch hoàn toàn dâu tây. Ông cảnh báo người tiêu dùng cần tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, hiện nay rất nhiều thành phần dùng chiêu trò để quảng cáo sản phẩm, đánh vào tâm lý lo ngại thực phẩm bẩn của người dùng để làm lợi cho bản thân.
Ông Thịnh chia sẻ chất bảo quản, thuốc trừ sâu độc hại nếu còn tồn dư trong thực phẩm rất khó phát hiện và việc sử dụng máy sục cũng không giúp loại bỏ được. Bên cạnh đó, không chỉ dâu tây, những loại rau như rau muống, mồng tơi cũng xảy ra hiện tượng nổi váng đục tương tự.
3
Cách chọn dâu tây an toàn
Chắc hẳn người Việt Nam đã không còn xa lạ với quả dâu tây - một trong những loại đặc sản nổi tiếng Đà Lạt, Mộc Châu. Dâu tây không chỉ có hình dáng, màu sắc xinh xắn, đáng yêu mà còn rất có lợi cho sức khỏe khi chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa và polyphenol, cùng lượng calo thấp (32 calo/100g dâu tây tươi), dồi dào chất xơ.
Dâu tây là sản phẩm thành công của công nghệ lai tạo thế kỷ 18 và trở thành loại trái cây được yêu thích khắp mọi nơi trên thế giới. Để đảm bảo có thể mua được dâu tây chất lượng, an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần khắt khe hơn trong khâu chọn lựa.
Một số lưu ý quan trọng khi mua dâu tây có thể kể đến như:
- Chọn mua dâu tây tại địa chỉ có nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm cụ thể, nên kiểm tra kỹ thông tin tem nhãn từng lô hàng.
- Khi mua dâu số lượng ít nên chọn mua tại các chuỗi siêu thị lớn, uy tín để đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm.
- Mua dâu cần xem kỹ quả dâu, tránh những quả dập nát bên ngoài, cuống héo úa hoặc có màu sắc lạ.
- Ngâm dâu bằng nước muối và rửa sạch trước khi ăn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thông tin rửa dâu bằng máy sục nổi váng gây hoang mang gần đây. Hãy luôn tỉnh táo trong việc đón nhận tin tức để tránh gặp phải tình trạng lừa đảo bạn nhé!
Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa