Vì sao trẻ cần tiêm vắc xin?
Từ giai đoạn 0-2 tuổi trẻ cần được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng phác đồ, đúng lịch. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin với trẻ.
Tiêm chủng vắc xin chính là cách để giúp bé chống lại một cách tối đa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm đồng thời giảm nguy cơ đối với các biến chứng nguy hiểm liên quan đến nội tạng, mắt, tứ chi…
1
Vắc xin là gì?
Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.
Cơ chế hoạt động của vắc xin: Hệ miễn dịch nhận diện vắc xin như một vật lạ nên hủy diệt chúng và ghi nhớ chúng. Vì vậy, khi có tác nhân gây bệnh thực thụ xâm nhập vào cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ nhận ra ngay và tạo ra kháng thể để chống lại tác nhân đó giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
2
Vắc xin có những loại nào?
Vắc xin được phân loại chủ yếu dựa trên thành phần cấu thành gồm:
Vắc xin sống giảm độc lực: là loại vắc xin được sản xuất từ virus hoặc vi khuẩn gây bệnh nhưng đã bị làm yếu đi và không có khả năng gây bệnh khi đưa vào cơ thể gồm các loại như: Vắc xin phòng sởi- quai bị- rubella, vắc xin phòng thủy đậu, vắc xin phòng lao… với loại vắc xin này có khả năng miễn dịch lâu dài và ít phải tiêm nhắc lại tuy nhiên những người có hệ miễn dịch yếu, phụ nữ có thai được khuyên là không nên tiêm loại vắc xin này.
Vắc xin chết (bất hoạt): là loại vắc xin được sản xuất từ vi sinh vật độc hại đã bị giết chết bằng hóa chất như vắc xin cúm, vắc xin tả, vắc xin viêm gan siêu vi A…. loại vắc xin này chỉ đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn, ngắn hạn phải tiêm nhắc lại nhiều lần.
Vắc xin tách chiết: là loại vắc xin chỉ tách lấy một phần vỏ chứa kháng nguyên của vi khuẩn hoặc vi rút như vắc xin phòng bệnh: phế cầu, phòng não mô cầu…
Vắc xin tái tổ hợp: Là vắc xin được sản xuất dựa vào kỹ thuật di truyền và công nghệ gen, ví dụ như vắc xin viêm gan B tái tổ hợp.
3
Vì sao cần tiêm chủng vắc xin cho trẻ?
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu ẩm ướt quanh năm nên tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, rất dễ phát sinh bệnh dịch, trong khi đó trẻ dưới 5 tuổi hệ miễn dịch kém, chưa hoàn chỉnh nên dễ bị nhiễm bệnh vì vậy việc tiêm phòng cho trẻ là việc mà cha mẹ nên làm.
Những nơi đông người như môi trường nhà trẻ, trường học là nơi dễ lây truyền bệnh nhất đặc biệt là những bệnh lây qua đường hô hấp vì vậy trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh.
Khi đã được tiêm vắc xin có thể trẻ vẫn sẽ bị nhiễm bệnh tuy nhiên bệnh sẽ nhẹ hơn hoặc không bị biến chứng.
Một số bệnh lý một khi đã mắc thì không thể hoặc rất khó điều trị dứt điểm (như bệnh viêm gan B), do đó tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Khả năng điều trị bệnh của Y học hiện đại vẫn còn hạn chế, một số bệnh một khi đã mắc phải mặc dù điều trị nhưng có thể để lại di chứng hoặc có nguy cơ tử vong cao
Từ khi vắc xin xuất hiện, nước ta đã bảo vệ được hơn 3 triệu trẻ em và phụ nữ có thai hằng năm khỏi gần 30 bệnh lý nguy hiểm; thanh toán được bệnh thủy đậu từ năm 1979, bệnh bại liệt từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005; tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí chăm sóc y tế. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cần được tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, cha mẹ hãy lưu tâm đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đúng phác đồ để bảo vệ an toàn sức khỏe cho trẻ.