Vì sao khi thấy người khác ngáp chúng ta lại ngáp theo?
Bạn có bao giờ thắc mắc lý do vì sao mình lại bị “ngáp hùa” khi nhìn thấy người khác đang ngáp không? Nếu có thì hãy cùng tìm hiểu ngay hiện tượng quen thuộc nhưng thú vị này thôi nào!
Vì sao khi đang đi chơi với nhóm bạn, chỉ cần trong đám có 1 đứa ngáp thì những đứa khác cũng đồng loạt ngáp theo? Hãy để Bách Hóa XANH lý giải điều “buồn cười” đó giúp bạn và nói bạn nghe 1 số thông tin bổ ích khác xoay quanh hiện tượng sinh lý này nhé!
1
Vì sao chúng ta ngáp khi thấy người khác ngáp?
Theo New Scientist, trung bình 1 người ngáp khoảng 20 lần/ngày. Thực tế, cơ thể thường ngáp khi đang cảm thấy mệt mỏi hoặc nhàm chán, bởi ngáp khiến nhịp tim tăng cao khoảng 10 - 15 giây sau đó, hiệu quả tỉnh táo gần bằng với một ít cafein trong cơ thể.
Theo báo Thanh Niên, Nguyên nhân của xu hướng ngáp theo người khác là do tác động của yếu tố tâm lý xã hội và thần kinh, gọi là echo phenomena - miêu tả nhóm các hành động ta tự bắt chước người khác trong vô thức, chẳng hạn như lời nói, động tác...
Tuy nhiên, trẻ em dưới 4 tuổi vì có cơ chế thần kinh chưa hoàn thiện, đang phát triển hoặc những người trưởng thành mắc bệnh tự kỷ, tâm thần phân liệt có sự phát triển tâm lý xã hội khác biệt lại không có xu hướng ngáp theo. Bên cạnh đó, nếu người ngáp là người thân thuộc với mình thì ta thường sẽ ngáp theo nhiều hơn so với người lạ.
2
Việc ngáp có ảnh hưởng tới kích thước não?
Theo 1 nghiên cứu của Jorg Massen thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan), các nhà nghiên cứu sau khi thu thập dữ liệu về kiểu ngáp của nhiều loài chim và động vật có vú đã viết rằng: “Kiểu ngáp thì giống nhau, nhưng thời lượng ngáp tương đồng với kích thước não và số lượng tế bào thần kinh của mỗi loài.”
Đồng thời, nhà nghiên cứu hành vi động vật Andrew Gallup thuộc Đại học Bang New York (Mỹ) cho biết: “Thông qua việc hít vào không khí mát và kéo căng của các cơ xung quanh khoang miệng, ngáp sẽ làm tăng lưu lượng máu mát hơn lên não và do đó giúp điều hòa nhiệt”.
Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng: “Ngáp là 1 cách hạ nhiệt cho não bộ.” Chính vì thế, bộ não lớn hơn cần thời lượng ngáp lâu hơn để được làm mát.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không liên hệ việc ngáp hay tần số ngáp của mỗi loài với mức độ thông minh bởi còn cần nhiều nghiên cứu để tìm ra lý do nguồn gốc từ não bộ về việc ngáp. Thế nhưng, các phát hiện mới này sẽ hỗ trợ cho dự đoán trong tương lai.
3
Cách khắc phục tình trạng ngáp dài trong ngày
Theo trang Reader's Digest, 1 số biện pháp sau đây có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng ngáp liên hồi:
Thở bằng mũi
Theo tạp chí Evolutionary Psychology, đây là 1 trong những cách giúp dập tắt cơn ngáp nhanh nhất và cũng ít có khả năng bị ngáp kiểu “hùa theo”. Vì như đã nói ở trên, ngáp xảy ra khi bộ não trở nên quá nóng và thở bằng mũi sẽ giúp làm mát não.
Thư giãn, giảm căng thẳng
Lý do gián tiếp khiến bạn ngáp liên hồi có thể là bởi bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, áp lực và ngủ ít. Để tránh tình huống này, bạn nên nghỉ ngơi, cố gắng giảm khối lượng công việc và có một giấc ngủ ngon mà không cần dùng thuốc ngủ, hoặc bạn có thể tập thiền, đi dạo hay tìm cho mình những cách giải trí phù hợp để kiểm soát căng thẳng.
Hít thở sâu
Thiếu oxy là 1 trong lý do chủ đạo gây ngáp. Để giúp não lấy được nhiều oxy hơn mà không cần phải ngáp liên hồi, bạn hãy hít thở sâu để bơm thêm nhiều oxy, giúp tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Tránh nhìn chằm chằm vào người đang ngáp
Như đã giải thích ở trên, việc ngáp theo người khác có nguyên nhân bắt nguồn từ yếu tố tâm lý. Vì thế, bạn nên đổi tầm mắt mà không nhìn trực diện vào một ai đó đang ngáp để không phải ngáp liên hồi theo họ.
Kiểm tra thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm bạn buồn ngủ như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin hoặc 1 số thuốc giảm đau khác sẽ khiến bạn ngáp nhiều hơn trong ngày. Hãy thử kiểm tra lại và hạn chế sử dụng chúng nếu không cần thiết bạn nhé!
Uống nước
Khi cơ thể bị thiếu nước, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi và dễ dẫn đến ngáp. Lúc đó, bạn hãy uống một cốc nước lọc để bù nước trở lại, giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn và chống lại tâm lý “muốn ngáp”.
Trên đây là lý do về việc chúng ta thường sẽ ngáp theo khi thấy người khác ngáp cùng với những thông tin lý thú về kích thước não cũng như cách khắc phục tình trạng ngáp dài trong ngày. Bách Hóa XANH hy vọng bạn đã được giải đáp thỏa đáng “thắc mắc muôn thuở” trên và sẽ có những ngày mới thật tỉnh táo, năng lượng và khỏe mạnh nhé!
Nguồn: New Scientist, báo Thanh Niên