Vì sao khi ăn nên kết hợp cả dầu thực vật và mỡ động vật?
Dầu thực vật hay mỡ động vật là nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể được dùng trong chế biến thức ăn hàng ngày. Nhưng lý do mà bạn nên kết hợp cả hai loại này khi nấu ăn thì ít người biết. Cùng Tip Hay đi tìm câu trả lời qua nội dung sau.
1
Vai trò của chất béo đối với cơ thể
- Nguồn cung cấp năng lượng quan trọng: 1gam chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) cung cấp cho cơ thể 9 calo, nhiều hơn so với chất đạm hay đường.
- Là dung môi tốt cho các vitamin tan trong chất béo, chủ yếu là A, D, E, K. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này cần phải có dầu, mỡ.
- Là nguồn quan trọng của nhiều chất cần thiết đối với cơ thể như lecithin, axit béo chưa bão hòa cần thiết và nhiều chất sinh học quan trọng khác.
- Có vai trò điều hòa các hoạt động của cơ thể, tham gia vào màng tế bào, màng nhân và nội quan trong tế bào. Bảo vệ cơ thể tránh được sự thay đổi nhiệt độ của môi trường đặc biệt là lạnh.
- Chất béo còn giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ vì nó giữ vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương của trẻ.
2
Sự khác nhau giữa dầu thực vật và mỡ động vật
Điểm giống:
- Không tan trong nước, chỉ hòa tan trong các dung môi hữu cơ như: ether, benzen, chlorofrom.
- 1g dầu hay mỡ đều cung cấp cho cơ thể 9 calo.
- Được cấu tạo từ các axit béo, những hợp chất hữu cơ gồm carbon, hydro và oxy.
Khác nhau:
- Dầu thực vật chứa nhiều axit béo chưa bão hòa, không có cholesterol. Còn mỡ động vật lại chứa nhiều axit bão hòa, có khả năng tạo ra cholesterol trong máu (ngoài cá).
- Mỡ động vật dễ bị đông đặc trong nhiệt độ bình thường còn dầu thực vật luôn trong trạng thái lỏng.
- Mỡ động vật chứa nhiều vitamin A và D còn dầu thực vật chứa nhiều vitamin E và K.
- Dầu thực vật có thể làm hạ lượng cholesterol xấu trong máu, còn mỡ động vật lại làm tăng lượng cholesterol xấu. Nếu tiêu thụ mỡ động vật quá nhiều dễ dẫn đến xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường.
- Dầu thực vật dễ hấp thu hơn mỡ động vật.
3
Vì sao phải dùng kết hợp cả dầu và mỡ ?
- Tạo ra chất béo có giá trị sinh học cao: khi kết hợp các chất béo động vật và dầu thực vật mới tạo ra được chất béo có giá trị sinh học cao, tốt cho sức khỏe. Cụ thể: trong mỡ động vật có chứa vitamin A và D nhưng ít axit arachidonic (trừ mỡ cá) và nghèo loại axit béo chưa no khác. Ngược lại, dầu thực vật mặc dù không chứa vitamin A hay D nhưng lại chứa nhiều axit béo chưa no linoleic, phosphatid, tocopherol...
- Tỷ lệ chất béo theo nguồn gốc động vật hay thực vật cần được dùng theo đúng lứa tuổi: Ở trẻ em nên cần axit arachidonic – chất béo không no có trong mỡ động vật do đó cần bổ sung 70% chất béo động vật và 30% thực vật. Còn ở người trưởng thành chất béo động vật không quá 60%, còn người ở độ tuổi trung niên hoặc người cao tuổi thì nên ưu tiên dùng dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật từ 30 – 40%.
Xem thêm: Phân biệt dầu thực vật và mỡ động vật
Vì cả dầu thực vật và mỡ động vật đều tốt cho sức khỏe và mang lại sự ngon miệng cho người dùng nên chúng ta cần kết hợp cả hai loại chất béo này trong ăn uống. Nhưng cần lưu ý tránh chế biến ở nhiệt độ cao vì nó sẽ sản sinh ra chất độc hại tăng nguy cơ bị ung thư.
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn