Uống rượu bia ngưỡng nào là an toàn?
Ngày Tết vui chơi nhiều, ăn uống nhiều, và tình trạng say xỉn cũng nhiều. Vậy, nếu bạn cũng đang có mối lo về bia, rượu, xem thử uống rượu bia ngưỡng nào là an toàn?
Uống rượu bia có ngưỡng an toàn không?
Câu trả lời thực tế là không có ngưỡng an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống 1 lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Rượu bia không chỉ gây rối loạn thần kinh, xơ gan và tai nạn giao thông (là những tác hại dễ thấy nhất); mà theo Cục Y tế dự phòng, bia rượu chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Bia rượu ẩn họa những nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến. Theo số liệu thống kê của WHO, số ca tử vong do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46%, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh tiêu hóa (xơ gan).
Không thể có được 1 tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại, bởi nguy cơ do uống bia rượu là khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống.
Nhiều người cho rằng uống bia sẽ đỡ gây hại hơn uống rượu, nhưng không hẳn là thế, bởi tác hại chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua các cơ chế trực tiếp lên cơ thể, không do loại thức uống.
Do đó, quan trọng là ở cách uống, lượng uống và tần suất uống của người dùng.
Uống bia thế nào để giảm tác hại?
- Kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong 1 lần uống. Người uống chỉ nên uống giao tiếp, uống góp vui, không thách đố, không thể hiện, giữ cho mình tinh thần tỉnh táo.
- Nên uống từ từ, kết hợp với ăn (bổ sung thêm tinh bột) và nên uống xen kẽ nước lọc.
- Uống rượu bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
- Không tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn sau khi uống, và không được điều khiển phương tiện giao thông vì dễ va chạm, chấn thương…
Dựa vào các bằng chứng khoa học, năm 2016, cơ quan y tế Vương quốc Anh cảnh báo, mức độ cồn nào cũng làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo không nên uống quá 14 đơn vị cồn trong 1 tuần (với nam giới).
1 đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống (bia, rượu, thức uống có cồn khác…).
Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với ¾ chai/lon bia 330 ml (5%); tương đương 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13.5%); hoặc 1 ly rượu mạnh 30 ml (40%).
Tham khảo thêm:
Cách uống rượu bia không say, nhanh tỉnh trong các buổi tiệc
Một chút thông tin tham khảo, hy vọng ngày Tết sẽ thực sự là ngày vui, thoải mái về tinh thần, mạnh khỏe về thể chất của tất cả mọi người. Chúc mọi người đón Tết Mậu Tuất thật như ý!
Xem thêm:
>> Uống bia rượu ban đêm nhanh say hơn ban ngày, bạn có biết?
>> Uống rượu, bia cùng lúc có tốt không?