Ung thư buồng trứng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Dấu hiệu bệnh ung thư buồng trứng là đau bụng, kinh nguyệt thất thường, giảm cân đột ngột... Cùng tìm hiểu dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bạn nhé
Trong số những bệnh ung thư ở nữ giới, ung thư buồng trứng nằm trong nhóm những bệnh phổ biến và gây tử vong hàng đầu. Dưới đây là những dấu hiệu bạn không nên xem thường bởi đó có thể là biểu hiện của ung thư buồng trứng và cách điều trị.
1
Ung thư buồng trứng là gì?
Buồng trứng là cơ quan sinh sản của nữ, gồm 2 buồng trứng với kích thước như hạt thị. Ung thư buồng trứng là khối u ác tính ở một hay hai buồng trứng, những tế bào ung thư này phát triển một cách bất thường mà cơ thể không thể kiểm soát được, đôi khi xâm lấn hoặc phá hủy cả các cơ, mô xung quanh.
Mặt khác, chúng còn có thể di căn ra những nơi khác trong cơ thể và gây ra ung thư thứ phát. Có các thể ung thư buồng trứng như:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: Tế bào ung thư phát triển ở bề mặt buồng trứng.
- Ung thư tế bào mầm: Xuất phát từ những tế bào sản xuất ra trứng.
- Ung thư buồng trứng: Xuất phát từ những tế bào mô nâng đỡ buồng trứng.
2
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư buồng trứng
Đau vùng bụng và vùng xương chậu
Đừng chủ quan khi thấy xuất hiện những cơn đau kéo dài ở vùng bụng hay vùng xương chậu. Đặc biệt, nếu không phải trong kỳ "đèn đỏ" mà vẫn có dấu hiệu này thì nên đi khám ngay để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe.
Một khi tế bào ung thư đã phát triển thì nó có thể tác động đến các cơ quan, hay bộ phận khác xung quanh vùng có khối u, dễ nhận thấy nhất là chứng đau nhức vùng bụng và vùng xương chậu.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Theo thống kê, ngày một nhiều số lượng phụ nữ trên 55 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, không nhất thiết là sau mãn kinh bạn mới mắc ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi, ngay cả với người chưa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Nếu bạn bị chảy máu âm đạo bất thường kèm theo những triệu chứng đau hoặc gặp một vài sự thay đổi khác thường trong chu kỳ kinh nguyệt thì tốt nhất là nên đi khám ngay, bởi nhiều khả năng là cơ quan sinh dục của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Đi tiểu thường xuyên
Đây quả thật là một triệu chứng rất khó nhận biết. Vì vậy, bạn nên chú ý khi thấy mình có hiện tượng đi tiểu thường xuyên từ 3 - 4 lần trong một giờ đồng hồ. Điều này cho thấy khối u ở buồng trứng đang lớn dần, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới bàng quang trong cơ thể.
Giảm cân đột ngột
Nếu bạn không theo một chế độ ăn kiêng hay phương pháp tập luyện nào mà thấy cân nặng giảm xuống đột ngột thì nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng.
Chướng bụng, đầy hơi, táo bón
Vùng bụng và vùng đường tiêu hóa là hai vùng bị ảnh hưởng nhất khi bạn mắc ung thư, đặc biệt là ở những giai đoạn sớm nhất.
Ngay cả khi bạn chưa ăn gì mà vẫn thấy có hiện tượng chướng bụng, đầy hơi và hay bị táo bón thì điều này có thể là do các khối u đang phát triển nên gây chèn ép vùng bụng.
Mặt khác, triệu chứng này có thể đang ngầm cảnh báo một căn bệnh khác đang xảy ra trong cơ thể chứ không chỉ riêng do ung thư buồng trứng. Do vậy, hãy chủ động đi khám càng sớm để tìm hướng điều trị kịp thời.
Đau khi “yêu”
Rất nhiều trường hợp cảm thấy khó chịu, thậm chí đau khi quan hệ tình dục và thường xuyên có nhu cầu tiểu gấp do những áp lực lên vùng xương chậu. Mức độ đau càng cao thì bệnh ung thư buồng trứng có thể đang phát triển ở giai đoạn nặng.
Mệt mỏi
Khó thở, buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng chính là một trong những biểu hiện tế bào ung thư đang tiến triển.
Nếu bạn liên tục uể oải, mệt mỏi mặc dù không làm việc quá sức có thể đó là một triệu chứng của bệnh ung thư nói chung, trong đó có ung thư buồng trứng.
Tham khảo thêm:
U nang buồng trứng có nguy hiểm không? Cách điều trị ra sao?
Các giai đoạn phát triển của ung thư buồng trứng
- Giai đoạn 1: Ung thư chỉ giới hạn trong buồng trứng.
- Giai đoạn 2: Ung thư ở một hoặc hai buồng trứng đã di căn đến khu vựa ngoài vùng chậu.
- Giai đoạn 3: Ung thư ở một hoặc hai buồng trứng đã di căn phúc mạc ngoài tiểu khung hoặc di căn hạch sau phúc mạc.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến các vị trí xa hoặc các cơ quan khác bên ngoài vùng bụng và vùng chậu.
Ung thư buồng trứng nếu phát hiện sớm điều trị từ giai đoạn 1 thì có cơ hội sống trên 5 năm đến 95%. Tuy nhiên, khi phát hiện bệnh càng muộn thì tỷ lệ sống sẽ giảm dần, nhất là ở giai đoạn 4 tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp. Do đó, bạn không nên lơ là các triệu chứng bất thường mà cần thường xuyên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
3
Nguyên nhân ung thư buồng trứng
Theo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết hiện nay chưa thể xác định rõ nguyên nhân của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên bệnh có liên quan đến một số yếu tố như:
- Tiền sử người trong gia đình: Người có quan hệ huyết thống bậc 1 như mẹ, chị em gái trong nhà bị bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng sẽ dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn từ 2-4 lần.
- Tiền sử bệnh lý: Người có tiền sửa mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng.
- Người lớn tuổi: Bệnh dễ gặp ở phụ nữa trên 50 tuổi.
- Người qua giai đoạn mãn kinh và ít sinh đẻ: Nhiều nghiên cứu nhận ra rằng, phụ nữ từng sinh con thì khả năng bị ung thư buồng trứng thấp hơn người chưa từng sinh con.
- Dùng thuốc kích thích phòng noãn: Các loại thuốc này làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
- Dùng nhiều bột Talcum: Khoáng chất này có nhiều trong mỹ phẩm, nếu cơ quan sinh dục nữ tiếp xúc nhiều thì làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
4
Cách điều trị bệnh ung thư buồng trứng
Tùy vào giai đoạn bệnh, sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh ung thư buồng trứng phù hợp cho bệnh nhân.
Hiện nay có các phương pháp điều trị bệnh ung thư này gồm: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp điều trị đích, điều trị bảo tồn khả năng sinh sản, điều trị miễn dịch và tuân thủ một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
5
Ung thư buồng trứng khác u nang buồng trứng thế nào?
Ung thư buồng trứng là một loại khối u ác tính phát triển bất thường trong buồng trứng hay những mô, cơ quan xung quanh. Loại ung thư này nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể gây tử vong cao.
Trong khi đó, u nang buồng trứng là các túi nang chứa chất dịch lỏng, tế bào sừng, bã đậu được hình thành trên buồng trứng. Hầu hết chúng đều vô hại, nhưng có trường hợp u nang bị vỡ, chảy máu và khiến cơ thể đau.
Tham khảo thêm:
U nang buồng trứng nên kiêng gì, ăn gì? Chế độ ăn ra sao?
Nguồn: Vinmec
Nếu thấy có những biểu hiện trên thì bạn hãy chủ động đi kiểm tra để biết tình trạng sức khỏe bản thân và điều trị kịp thời nhé!