Triệu chứng và cách phòng tránh dị ứng thời tiết hiệu quả
Bạn đã biết đến các triệu chứng cũng như cách phòng tránh dị ứng thời tiết hiệu quả hay chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Tip Hay nhé!
Dị ứng thời tiết là bệnh lý rất thường gặp vào khoảng thời khắc giao mùa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày của nhiều người. Vậy dị ứng thời tiết có các triệu chứng như thế nào, cách phòng tránh dị ứng thời tiết hiệu quả là gì? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
1
Tìm hiểu về bệnh dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết là bệnh gì?
Dị ứng thời tiết thực chất là hiện tượng xảy ra khi cơ thể chúng ta thay đổi theo mùa do nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến sự phát triển và biến đổi của các loại nấm mốc gây dị ứng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn là nguyên nhân chính gây ra dị ứng theo mùa.
Dị ứng thời tiết sinh ra khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với những thay đổi của môi trường. Phản ứng với các chất gây dị ứng theo mùa khác nhau ở mỗi cá nhân và có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ dị ứng. Dị ứng mùa nóng càng làm tình trạng dị ứng trầm trọng hơn do thời gian này cơ thể đổ mồ hôi, khiến da liên tục bị ẩm ướt và viêm nhiễm.
Nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng của bệnh
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra dị ứng thời tiết là việc thời tiết thay đổi tiết đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi, tác động đến hệ miễn dịch. Từ đó, gây ra các rối loạn trong cơ thể. Dị ứng thời tiết thường xảy ra nhiều nhất vào khoảng thời khắc giao mùa.
Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian, giai đoạn nào trong năm và thường được chia làm hai loại là dị ứng thời tiết nóng và dị ứng thời tiết lạnh.
Một nguyên nhân khác cũng có khả năng gây nên tình trạng dị ứng thời tiết là do ô nhiễm, khói bụi, acid và vi khuẩn trong không khí được các cơn mưa đầu mùa mang theo xuống đất. Khi bạn vô tình mắc những cơn mưa này thì da bạn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng dị ứng.
Dấu hiệu
Dấu hiệu để nhận biết cơ thể bị dị ứng thời tiết chính là việc da sẽ trở nên ẩm ướt do tiết nhiều mồ hôi vào những ngày nắng nóng hoặc thô ráp do mất nước vào những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp dưới 20 độ C. Từ đó, dẫn đến việc cơ thể phản ứng lại bằng các tình trạng phù, ngứa, nổi mẩn, mề đay, xung huyết…
Triệu chứng
- Da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khi tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Tình trạng ngứa ngáy này sẽ khiến người bệnh dùng tay gãi theo phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên nếu càng gãi thì trình trạng dị ứng ở da sẽ càng nghiêm trọng hơn.
- Da sưng rộp, phù lên, nghiêm trọng hơn có thể bị xung huyết nếu không điều trị kịp thời.
- Nổi mề đay cấp tính khắp cơ thể. Đặc biệt nếu đi kèm với triệu chứng lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu khẩn trương bởi có thể dẫn đến tử vong.
- Xuất hiện một số biểu hiện của viêm long đường hô hấp như sổ mũi, hắt xì, ho khan, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu.
Đối tượng, vị trí dễ dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết là bệnh lý mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, đối với những đối tượng đã từng bị dị ứng từ trước như dị ứng thuốc, dị ứng phấn hoa… hoặc những người mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm da tiếp xúc, hen phế quản…thì khả năng bị dị ứng thời tiết sẽ cao hơn.
Các vị trí dễ dị ứng thời tiết nhất chính là các vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Dị ứng được đặc trưng bởi các triệu chứng như dị ứng theo mùa, phát ban và sốt cỏ khô. Dị ứng theo mùa bao gồm các dạng cấp tính và mãn tính.
- Nếu bệnh ở giai đoạn cấp tính kéo dài từ 24 giờ đến dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là ngứa và gây khó chịu cho người bệnh.
- Các triệu chứng này nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính và gây nguy hiểm cho cơ thể, biểu hiện là phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, dị ứng.
2
Dị ứng thời tiết kiêng gì?
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang), để quá trình điều trị dị ứng thời tiết được nhanh chóng và an toàn, người bệnh nên lưu ý thực hiện kiêng những việc sau:
- Kiêng thực phẩm dễ gây kích ứng da, khiến tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy do dị ứng thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn như đậu phộng, thực phẩm lên men, hải sản, bơ, sữa, trứng, thịt đỏ,…
- Kiêng đồ uống có cồn như rượu, bia và các chất kích thích bởi có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình điều trị dị ứng thời tiết.
- Kiêng gió hoặc nước lạnh bởi khi bị dị ứng thời tiết, da sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn bình thường rất nhiều. Việc tiếp xúc với gió, nước lạnh sẽ khiến vết viêm, mẩn đỏ lan rộng, gây ngứa ngáy khó chịu.
- Không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dụng quá liều thuốc, kem bôi chống dị ứng mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu người bệnh dùng thuốc sai liều lượng, sai cách sẽ khiến tình trạng dị ứng nghiêm trọng hơn.
- Tránh mặc quần áo chật bởi điều này sẽ gây cọ xát trên da, khiến da trầy xước thậm chí là nhiễm trùng da.
Bị nổi mề đay kiêng gì, nên ăn gì để bệnh không bị trở nặng thêm. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
3
Cách chữa và phòng ngừa dị ứng thời tiết
Cách chữa viêm da dị ứng thời tiết
Nếu viêm da dị ứng ở mức độ dị ứng nhẹ, người bệnh có thể sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm chứa kẽm, glycerin, vitamin E hoặc vitamin B5 thoa lên vùng da tổn thương để làm dịu, giảm sưng và ngứa cho da.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể dùng nha đam, lá tía tô, bột nghệ, mật ong... để làm giảm mẩn ngứa, mề đay.
Đối với các trường hợp nặng hơn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chỉ định loại thuốc thích hợp để điều trị nội khoa.
Một số nhóm thuốc thường được dùng để điều trị dị ứng thời tiết như:
- Thuốc kháng histamin như cetirizine, loratadin dùng trong trường hợp dị ứng thời tiết thông thường.
- Thuốc kháng thụ thể H2 như cimetidine hoặc dùng doxepin kết hợp với thuốc kháng histamin dùng trong những trường hợp mề đay nặng.
- Prednisolone chỉ định điều trị khi có phù mạch, mề đay.
- Corticoid dùng để điều trị và hạn chế diễn tiến kéo dài của bệnh.
Phòng ngừa dị ứng thời tiết
Để phòng ngừa và đối phó với dị ứng thời tiết, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Bổ sung vitamin bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa.
- Giữ ấm khi trời lạnh và làm mát cơ thể khi trời nóng.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
- Hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc trong thời tiết giá lạnh.
- Nên dự trữ một số thuốc chống dị ứng thời tiết để có thể uống kịp thời khi vừa có những biểu hiện nhẹ.
5
Các câu hỏi thường gặp về dị ứng thời tiết
Khi bị dị ứng thời tiết, nên làm gì?
Khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh cần thực hiện kiêng một số thực phẩm cũng như kiêng gió, tránh lạm dụng thuốc… đồng thời kết hợp với việc ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để giúp quá trình điều trị được nhanh chóng.
Khi các biện pháp giảm dị ứng không có kết quả, người bệnh cần đến các trung tâm y tế gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dị ứng thời tiết có lây không?
Dị ứng thời tiết là bệnh không lây và cũng không có sự khác biệt giữa hai giới.
Dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?
Đối với những trường hợp nhẹ, dị ứng thời tiết có thể hoàn toàn biến mất hoàn toàn sau 1 - 2 ngày nếu áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp.
Đối với những trường hợp bị dị ứng thời tiết nặng, thời gian phát bệnh kéo dài, tổn thương xuất hiện nhiều và lan rộng sang thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn trong khoảng 1 - 2 tuần.
Da mặt bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Khi da mặt bị dị ứng thời tiết, người bệnh có thể sử dụng một số thuốc bôi ngoài da để làm giảm tình trạng mẩn đỏ, ngứa ngáy. Đồng thời cần uống nhiều nước để tăng độ ẩm cho da và bổ sung vitamin C cùng các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa để giảm tình trạng viêm da do dị ứng.
Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về các triệu chứng cũng như cách phòng tránh dị ứng thời tiết hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như người thân nhé!
Nguồn: Vinmec