Triệu chứng khi bị ngộ độc sắn, cách xử lý say, ngộ độc sắn
Sắn là thực phẩm khá quen thuộc đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, khi ăn sắn cũng có thể gây tử vong. Chính vì vậy, cùng Tip Hay tìm hiểu triệu chứng khi bị ngộ độc sắn, cách xử lý say, ngộ độc sắn nhé!
Nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra thường do ăn sắn xung quanh chúng ta. Hôm nay Tip Hay sẽ mách bạn triệu chứng khi bị ngộ độc sắn, cách xử lý say, ngộ độc sắn qua bài viết dưới đây! Các bạn hãy theo dõi nha!
1
Nguyên nhân dẫn đến việc ngộ độc sắn
Nguyên nhân chính dẫn đến việc ngộ độc sắn là do trong sắn chứa glucozit, đây là chất độc có ở vỏ và hai đầu của củ sắn. Cho nên khi chúng ta ăn vào, chất này sẽ gặp men tiêu hóa, acid hay nước sẽ tiến hành thủy phân và sinh ra acid cyanhydric, axeton và glucozo.
Tuy nhiên, độc tính chủ yếu của sắn là acid cyanhydric, chất này gây ngộ độc và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi nạp một lượng lớn vào trong cơ thể.
2
Biểu hiện khi bị ngộ độc sắn
Theo thông tin đăng tải trên trang sức khỏe vinmec.com, khi bị ngộ độc sắn bạn sẽ bị các tình trạng sau:
Ngộ độc nhẹ
Trường hợp ngộ độc sắn ở mức độ nhẹ thì thường có những biểu hiện như cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt hay mũi hầu họng khô. Khi gặp những triệu chứng này bạn chỉ cần nằm nghỉ và pha một cốc nước đường nóng thì sẽ trở lại bình thường.
Ngộ độc cấp tính, ngộ độc nặng
Ở trường hợp ngộ độc cấp tính, ngộ độc nặng này bạn thường cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, đau đầu kèm theo chứng rối loạn thần kinh, co giật, đồng tử giãn, nhịp thở bắt đầu chậm dần và cơ thể tím tái.
- Biểu hiện của rối loạn tiêu hoá: Tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn.
- Biểu hiện của rối loạn thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, nặng hơn có biểu hiện co giật, giãn đồng tử giãn và sau đó hôn mê.
- Biểu hiện của rối loạn hô hấp: Cơ thể tím tái, ngạt thở và nếu bị suy hô hấp cấp dễ dẫn đến tình trạng tử vong nhanh.
Nếu gặp phải những biểu hiện trên mà không đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời thì có thể gây tử vong trong vòng 30 phút. Ngược, lại, nếu được xử trí sớm thì người bệnh sẽ trở lại bình thường mà không gặp bất kỳ di chứng nào.
3
Cách xử lý khi bị ngộ độc sắn
Để xử lý kịp thời cho người bị ngộ độc sắn bằng cách gây nôn rồi pha một cốc nước đường nóng cho uống hoặc nước mía. Sau đó, đưa người bệnh đến khoa chống độc hoặc khoa hồi sức cấp cứu.
4
Mẹo dân gian xử trí ngộ độc sắn
Ngoài việc đưa đi bệnh viện thì trong dân gian còn có một số mẹo chữa ngộ độc sắn sau:
- Giã hoặc ép một nắm rau muống lấy nước cốt để uống.
- Lấy 1 đoạn khoảng 20 - 30cm nõn trắng của cây chuối sứ rồi giã lấy nước cốt uống.
- Cho người bệnh ăn mía hoặc uống nước mía, nước đường.
- Dùng một nắm rau sam ép lấy nước cốt uống.
- Lấy một nắm rau khoai ép nước cốt uống hoặc luộc rau ăn.
- Bắt 10 con cua đồng giã lấy nước hòa tan với một ít muối để uống.
- Dùng một nắm rau má ép nước uống.
- Sử dụng vỏ của trái thơm cùng với một nắm rau má giã rồi hòa với một ít muối để uống.
5
Đề phòng ngộ độc sắn
Một trong những cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc sắn chính là loại bỏ độc tố sắn trước khi chế biến.
Cách chế biến sắn để giảm bớt độc tố:
- Bạn phải dùng dao lột sạch lớp vỏ màu hồng của củ sắn.
- Kế đó, chặt bỏ 2 đầu của củ sắn.
- Sau đó, cho sắn vào ngâm trong nước khoảng 3 - 5 giờ nhưng 30 phút thì nên thay nước một lần.
- Khi cho sắn vào nồi nấu phải mở vung để các chất độc bay ra ngoài.
Một số lưu ý khi ăn sắn
- Tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn sắn.
- Lúc đói bụng không nên ăn nhiều sắn.
- Khi ăn nên chấm sắn với đường hoặc mật ong để giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc.
- Khi ăn cảm thấy sắn đắng thì nên bỏ đi vì vị đó là chất độc trong sắn.
Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về các triệu chứng cũng như cách xử lý say, ngộ độc sắn để có thể phòng tránh, xử lý kịp thời cho mọi người nhé!
Nguồn: Vinmec.com