Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy: Dấu hiệu và nên làm gì để cầm nhanh?
Tiêu chảy là một căn bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó làm mất chất điện giải ở bé và có thể gây tử vong. Chính vì sự nguy hiểm này, cha mẹ cần nắm vững kiến thức về bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh để tránh tình trạng xấu nhất.
Theo nhiều nghiên cứu, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Mỗi năm trên thế giới có 3-5 triệu trẻ tử vong vì tiêu chảy. Tiêu chảy là tình trạng trẻ bị đi cầu phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Tiêu chảy gây suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, làm mất chất điện giải và có thể dẫn đến tử vong. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, cha mẹ hãy tham khảo để bảo vệ con em mình nhé.
1
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên, có một số nguyên nhân chính sau:
Nhiễm virus: Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Một số loại virus thường gặp có thể kể đến như rotavirus, vi khuẩn như salmonella và thậm chí là ký sinh trùng giardia (hiếm gặp hơn những loại virus khác).
Ngộ độc thực phẩm: Vì hệ tiêu hóa còn yếu và chưa phát triển toàn diện nên trẻ sơ sinh chỉ hấp thụ và tiêu hoá được một số loại thực phẩm. Tuy nhiên, vì sơ ý nên ba mẹ có thể cho bé sử dụng những thực phẩm khó tiêu hoá hoặc hết hạn sử dụng và điều này sẽ dẫn đến tiêu chảy.
Các nguyên nhân khác: Có thể kế đến là như bệnh ruột kích thích, dị ứng thực phẩm…
2
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Trẻ bị mất nước
Tùy theo mức độ mất nước mà triệu chứng khác nhau:
-
Mất nước nhẹ: Mắt của bé khô, khi khóc chảy rất ít nước mắt hoặc không có nước mắt. Tiểu ít hơn bình thường, khô miệng và dễ cáu gắt
-
Mất nước vừa: Xuất hiện tình trạng mắt trũng. Trẻ lờ đờ hoặc nằm li bì, da bị khô hoặc kém đàn hồi.
-
Mất nước nặng: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, trẻ sẽ xuất hiện tình trạng thóp trũng (thóp là một vùng nhỏ, mềm trên đỉnh đầu của trẻ). Trẻ không đi tiểu (trong vòng 6 giờ) và da mất khả năng đàn hồi. Đặc biệt, trẻ rất lờ đờ, nằm li bì và có thể bị bất tỉnh hoặc hôn mê.
Trẻ mệt mỏi và biếng ăn
Trẻ bị tiêu chảy thường mệt mỏi, biếng ăn, nằm li bì. Trẻ đi cầu nhiều lần, phân lỏng, màu vàng hoặc màu xanh, có thể kèm đàm, máu hay thức ăn không tiêu (đi tiêu phân sống).
Trẻ bị nôn mửa và sốt
Trong giai đoạn đầu trẻ sẽ ói nhiều, có thể sốt nhẹ nhưng thường là không sốt. Ở giai đoạn sau, trẻ sẽ đi phân lỏng ồ ạt có thể lên đến 10 lít/ngày, kèm theo đó là nôn ói và sốt cao liên tục.
Tham khảo: 5
mẹo dân gian chữa sôi bụng ở trẻ sơ sinh đơn giản, hiệu quả
3
Khi trẻ bị tiêu chảy nên làm gì?
Bù nước và chất điện giải
Cha mẹ có thể sử dụng các loại dung dịch bù nước như:
-
Oresol: Pha với nước theo đúng tỷ lệ rồi cho trẻ uống.
-
Nước cháo muối: 1 muỗng muối + 1 nắm gạo + 1 lít nước chín đun sôi.
-
Nước dừa muối: 1 muỗng muối + 1 lít nước dừa.
Thay đổi chế độ ăn
-
Tiếp tục bú sữa mẹ nếu trẻ đang bú.
-
Sau khi đã bù nước có thể cho trẻ ăn theo chế độ ăn như trước khi bị trẻ tiêu chảy. Tuy nhiên, nên hạn chế rau, nước ngọt và cam vắt.
-
Thức ăn cần nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.
Uống thuốc
Nếu trẻ có sốt thì phải hạ sốt cho trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể phải sử dụng kháng sinh, nhưng phải được chỉ định của bác sĩ.
Đăng kí khám tại bệnh viện
Nếu trẻ bị tiêu chảy quá 3 ngày, có dấu hiệu của tả, nôn ói nhiều và sốt cao liên tục trên 38.5 độ thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ bị tiêu chảy nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Xem ngay 20
mẹo chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn, hiệu quả.
4
Cách phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Với trẻ sơ sinh, bạn phải tiêm phòng vắc xin rota để ngăn ngừa rotavirus ở trẻ.
Nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18 - 24 tháng tuổi và ăn dặm thêm từ 4-5 tháng tuổi.
Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho bé.
Cho bé ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã và các thực phẩm chưa chín kỹ.
Sử dụng cầu tiêu và xử lý phân trẻ nhỏ an toàn.
Lưu ý: Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của trẻ bị tiêu chảy xuống ao, hồ, sông, giếng và không vứt rác bừa bãi.
Tiêu chảy là một căn bệnh thường gặp và khá phổ biến ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, nếu chủ quan và không biết cách phòng chống cũng như xử lý, bé nhà bạn sẽ gặp nguy hiểm. Hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn có thêm kiến thức về bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Hãy tham khảo và áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp nhé.!