Trẻ đi ngoài ra máu nhầy có nguy hiểm không?
Tình trạng trẻ đi ngoài ra máu nhầy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết nhé!
Hệ tiêu hóa của trẻ em thường dễ bị tổn thương do chưa được phát triển, hoàn thiện. Tình trạng trẻ đi ngoài ra máu và có nhầy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nên bạn cần xác định được tính chất của phân để hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán được đúng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
1
Thế nào là phân có máu?
Tình trạng phân có máu sẽ phụ thuộc vào vị trí chảy máu, lượng máu mà phân thải ra sẽ có những đặc điểm khác nhau như:
- Có màu đen: Xảy ra ở đường tiêu hóa trên, đôi khi trẻ bị nôn ra chất lạ có màu đen, đỏ như bã cà phê.
- Có màu đỏ tươi hoặc màu hạt dẻ: Xảy ra ở đường tiêu hóa dưới.
- Tình trạng máu và phân được thải riêng.
Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý, trong một số trường hợp dễ gây nhầm lẫn là phân có máu do dùng thực phẩm và thuốc như:
- Phân có màu đen như máu cũ: Do dùng thuốc chứa bismuth, ăn socola, việt quất, các loại rau có màu xanh đậm,...
- Phân có màu đỏ tươi: Do ăn củ cải, gelatin màu đỏ hoặc dùng thuốc kháng sinh,...
2
Thế nào là có nhầy trong phân?
Tình trạng có nhầy trong phân là khi nhìn bằng mặt thường thì bạn có thể thấy phân có lẫn những chất nhầy màu vàng hay trắng đục.
Thông thường, trong phân của người bình thường cũng chứa một ít chất nhầy tuy nhiên lượng nhầy này khó có thể nhìn thấy phân biệt bằng mắt thường. Do đó, nếu có thể nhận thấy sự bất thường trong phân thì có thể đang gặp phải một số vấn đề về đường tiêu hóa.
3
Nguyên nhân trẻ đi ngoài ra máu nhầy
Nhiễm trùng đường ruột
Nếu trẻ mắc phải các vi khuẩn, vi rút hay kí sinh trùng gây hại cho đường ruột như: E. coli, Salmonella, Shigellosis, Rotavirus, Giardia lamblia,...sẽ có thể gây nên tình trạng đi ngoài ra máu kèm chất nhầy.
Bên cạnh đó, trẻ còn có một số biểu hiện khác như: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt, nôn mửa,...
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh mạn tính liên quan đến việc viễm nhiễm đường tiêu hóa. Ở người mắc bệnh sẽ có lớp chất nhầy dày hơn so với người bình thường, do đó khi đi ngoài sẽ có nhiều chất nhầy hơn.
Bên cạnh đó, nếu mô ruột bị viêm nhiều thì có thể gây chảy máu và khiến trẻ đi ngoài ra máu cùng chất nhầy. Bệnh còn có một số triệu chứng có thể có như táo bón, đau quặn bụng, tiêu chảy kéo dài, thường xuyên mắc đại tiện,...
Táo bón kéo dài
Khi bị táo bón kéo dài sẽ khiến phân trong cơ thể trở nên khô cứng và cọ xát vào thành ruột, dẫn đến tổn thương lớp niêm mạc và gây chảy máu kèm chất nhầy màu trắng hay đỏ.
Polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng có thể xảy ra ở cả trẻ em do bẩm sinh hoặc ăn quá nhiều chất béo, ít chất xơ,...Bệnh đa số là lành tính nhưng khi bệnh phát triển nặng có thể gây tổn thương và đi ngoài ra phân có máu tươi hoặc máu nhỏ giọt.
Nếu bệnh phát triển ở gần sát hậu môn sẽ khiến trẻ đi ngoài ra máu có nhầy và nếu không điều trị bệnh kịp thời có thể gây tắc ruột.
Bệnh lồng ruột cấp tính
Lồng ruột là tình trạng xâm nhập của một phần ruột vào bên trong thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.
Bệnh nặng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ với các biểu hiện như đi ngoài ra máu nhầy, đau bụng quằn quại, quấy khóc nhiều, nôn mửa,...
Không dung nạp sữa hoặc protein đậu nành
Tình trạng không dung nạp sữa hoặc protein đậu nành còn gọi là viêm đại tràng dị ứng thường thấy ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ dị ứng, nhạy cảm với protein trong sữa.
Bên cạnh tình trạng đi ngoài có màu nhầy thì trẻ còn bị tiêu chảy, nôn mửa, quấy khóc, khó tăng cân,...
4
Trẻ đi ngoài ra máu nhầy có nguy hiểm không?
Dù là mắc bất kì bệnh gì thì sức khỏe trẻ nhỏ đang trong giai đoạn đang phát triển đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu không được điều trị kịp thời, nhất là bệnh về đường ruột.
Bệnh về đường ruột như đi ngoài ra máu nhầy kèm các triệu chứng sốt, bỏ ăn, mất ngủ,...có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu, phát triển chậm về thể chất và tinh thần. Những bệnh lý này nếu không điều trị đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng và khó có thể khôi phục lại như trạng thái khỏe mạnh ban đầu. Do đó, bố mẹ cần quan tâm chăm sóc trẻ đúng cách.
5
Điều trị chăm sóc trẻ khi trẻ đi ngoài phân có máu nhầy
Cách tốt nhất để điều trị chăm sóc trẻ khi trẻ đi ngoài phân có máu nhầy đó là nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, thăm khám mà không nên tự ý điều trị tại nhà vì cơ thể trẻ vô cùng nhạy cảm.
Bố mẹ nên quan sát và ghi lại những dấu hiệu bất thường của trẻ, bao gồm cả tính chất của phân để bác sĩ dễ chẩn đoán bệnh hơn.
Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với các điều quan trọng sau:
- Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết như vitamin K, chất xơ,...
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Nên bổ sung một số loại thực phẩm bổ máu.
- Nên nấu chín thức ăn và chia nhỏ bữa ăn, không nên cho ăn đồ cứng.
- Nên cho trẻ nghỉ ngơi trong suốt thời gian điều trị.
Vừa rồi là những thông tin về vấn đề trẻ đi ngoài ra máu nhầy có nguy hiểm không mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bố mẹ trong việc chăm sóc con.