Trào lưu dọa ma trẻ trên Tiktok tưởng vui nhưng cực gây hại cho bé
Trào lưu dọa ma trẻ trên Tiktok tưởng vui, nhưng cực gây hại cho bé. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu ngay nhé!
Từ lâu, Tiktok được xem là kênh giải trí vui nhộn với vô vàn các thử thách ấn tượng và độc lạ. Tuy nhiên, một số nội dung sáng tạo thường đi “khá xa” gây nên những hệ lụy tiềm ẩn cho nhiều người. Trong số những “trend triệu view” gần đây thì dọa ma trẻ em chính là trào lưu nổi bật nhất trên Tiktok. Liệu trào lưu này có vô hại như chúng ta nghĩ? Cùng theo dõi nhé!
1
Trào lưu gây ám ảnh với trẻ
Nguồn gốc của trào lưu dọa ma trẻ trên Tiktok
Gần đây, một trào lưu với tên gọi Pontianak được hưởng ứng rất nhiệt tình bởi người dùng Tiktok ở Malaysia, Singapore và kể cả Việt Nam. Đây là "trend" dọa ma trẻ em bằng cách mở âm thanh cười ma quái trên Tiktok, sau đó người lớn sẽ tắt đèn, chạy ra ngoài, đóng chặt cửa và mặc cho con trẻ khóc thét, sợ hãi trong phòng. Rất nhiều người "đu" theo trào lưu này, thậm chí có cả mẹ của các bé.
Khi những đoạn clip "hài hước" được chia sẻ lên Tiktok đã thu hút hàng triệu lượt xem, điển hình như @_giangxinhhh (1,3 triệu lượt thích), @hoangbatstrisp (1,8 triệu lượt thích),... Bên cạnh đó, không ít các bình luận bên dưới thể hiện sự thích thú và bày tỏ ý định sẽ thực hiện trend thú vị này.
Trào lưu dọa ma tra tấn tâm lý của trẻ
Tuy trào lưu khá hài hước với người lớn, nhưng đây là lại màn tra tấn tinh thần với trẻ em. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ những diễn biến trong tâm lý sợ hãi của trẻ.
Một người mẹ có tên N.D đã lên tiếng cảnh báo về tác hại khôn lường khi tham gia trào lưu này. Cách đây mấy hôm, vài người họ hàng đã đến nhà chị chơi. Trong đó, có 1 bạn nam gọi chị là chị dâu. Thấy bạn ấy thích chơi với con chị, nên chị đã để 2 chú cháu chơi đùa với nhau.
Một lúc sau, chị đột nhiên nghe tiếng con khóc ré lên. Chị nhanh chóng chạy lên tầng trên thì thấy em trai đứng bên ngoài cười khoái chí, tay thì đóng chặt cửa và con mình thì gào thảm thiết trong phòng. Chị bắt đầu gạt mạnh tay em ấy ra, lao ngay vào phòng.
Lúc này, bé con chạy lại ôm chị, khóc loạn lên và miệng liên tục nói lắp bắp “ma ma", tay bé chỉ hướng về phía góc phòng. Chị quay ra hỏi em trai, hóa ra em ấy đang quay Tiktok theo trend dọa ma “hot" hiện nay.
Đêm đó, con chị D bắt đầu sốt, ngủ không sâu giấc và hay nói mớ. Nhìn biểu hiện của con, chị không biết làm gì, chỉ ôm bé và cố gắng để bé ngủ ngon giấc. Sáng thức dậy, tâm lý bé dần ổn định hơn nhưng vẫn còn ám ảnh với căn phòng bị nhốt hôm qua.
Qua câu chuyện trên, chị N.D nghiêm túc cảnh báo đến mọi người: “Nếu ai đang có ý định theo trend này thì hãy dừng ngay lại đi nhé, không tốt một chút nào với trẻ đâu!”.
2
Cảnh báo từ chuyên gia tâm lý
Trào lưu dọa ma ảnh hưởng đến tâm lý trẻ như thế nào?
Theo Thạc sĩ - Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho biết trào lưu dọa ma có thể gây ra những tổn thương tâm lý và sức khỏe của trẻ em.
Cô phân tích: “Đây là trào lưu mang nhiều tính tiêu cực hơn là tích cực. Với những âm thanh man rợ và áp lực từ không gian kín sẽ khiến trẻ dễ bị sang chấn tâm lý. Thậm chí, nỗi sợ có thể ăn sâu vào tâm thức ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.”
Theo chuyên gia, khi tâm lý hoảng sợ hoặc nghe những lời dọa nạt, trẻ thường dễ “rơi" vào những triệu chứng rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm,... Trò đùa dọa ma tưởng chừng như vô hại, nhưng đây là nguyên nhân tạo ra ám ảnh tâm lý trong cuộc sống thường ngày của trẻ.
Lời cảnh báo của chuyên gia tâm lý về trào lưu dọa ma
Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ rằng, trẻ em hoàn toàn có thể phát triển trí tuệ hoàn hảo khi được nuôi dưỡng trong môi trường tốt, tích cực và tràn đầy yêu thương. Nếu làm trẻ con tổn thương, bạn sẽ vô tình hạn chế tài năng và sự tự tin ở trẻ khi lớn lên.
Trào lưu dọa ma “hot" trên Tiktok có điểm tương đồng với cách dạy con bằng lời lẽ dọa nạt. Khi vô tình nặng lời với con, nghĩa là bạn đang gieo “hạt giống xấu" vào tâm trí non nớt của trẻ. Từ đó, các bạn nhỏ dần nhút nhát, tự ti, ngại giao tiếp với thầy cô, bạn bè, thậm chí là cả cha mẹ.
Khi nhận thấy những biểu hiện trên ở trẻ, cũng là lúc phụ huynh nên nghĩ đến lời nói hoặc hành động “không hay" của mình. Dù chỉ là vô tình, nhưng đây là nguyên nhân khiến trẻ bị áp lực tâm lý và luôn trong trạng thái không an toàn.
Gia đình là nền tảng quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ. Bởi thế, nếu cha mẹ chú ý đến lời nói, thể hiện cảm xúc tích cực sẽ giúp con trẻ trở nên tự tin và mạnh dạn hơn.
Là một chuyên gia tâm lý, đồng thời cũng là người mẹ, chị Hải Yến bày tỏ: “Cha mẹ hãy là những người bảo vệ con mình. Bằng cách dùng lời lẽ tích cực, yêu thương để hướng con trẻ tự tin thực hiện ước mơ và hoài bão của chúng. Bên cạnh đó, hành động tốt đẹp này sẽ giúp cuộc sống của trẻ luôn tràn ngập hạnh phúc và vui vẻ.”
Hiện nay, mạng xã hội là nơi cung cấp nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý và can thiệp kịp thời những trường hợp gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ.
Ngoài ra, người lớn nên ý thức về hành vi của mình khi chơi đùa với trẻ con. Đặc biệt, các bậc cha mẹ hãy luôn thể hiện rõ quan điểm giáo dục tích cực đến với tất cả mọi người. Đây cũng là cách giúp chúng ta kiểm soát những thông tin tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.
Sau khi tham khảo bài viết này, Tip Hay hy vọng các bậc phụ huynh sẽ chú ý đến con trẻ nhiều hơn. Đây là cách giúp cha mẹ cải thiện môi trường sống tích cực và an toàn cho sự phát triển của bé. Cảm ơn bạn đã theo dõi!