Tip hay

Trà xanh nổi 'rần rần' nhưng bạn có biết còn bao nhiêu loại trà nữa không?

Trà xanh nổi 'rần rần' nhưng bạn có biết còn bao nhiêu loại trà nữa không?

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao các loại trà có những hình dáng giống nhau lại có tên gọi khác nhau không? Tip Hay sẽ giúp bạn phân biệt các loại trà và giải thích lý do tại sao chúng lại khác nhau.

Thông thường khi nhắc đến trà, nhiều người thường nghĩ ngay đến trà xanh hoặc trà đen. Tuy nhiên thế giới trà rất bao la và có rất nhiều loại trà bạn có thể chưa bao giờ nghe tên đến. Trong bài viết này, hãy cùng Tip Hay điểm danh qua các loại trà và cách phân biệt chúng nhé!

Nguyên nhân tại sao các loại trà có hương vị và công dụng khác nhau

Mọi loại trà trên thị trường hiện nay đều bắt nguồn từ một loại trà duy nhất có tên là cây trà (tên khoa học là cemellia sinensis). Tuy nhiên qua quá trình chế biến, chúng được thay đổi hình dáng và phân loại ra từng loại trà khác nhau.

Nhìn chung, quy trình chế biến trà phải trải qua 5 bước cơ bản:
- Hái: Giai đoạn thu hoạch lá trà, búp trà và làm sạch .
- Làm héo: Làm héo trà và làm mềm lá.
- Vò: Làm dập các phân tử và tạo hình cho lá trà khi thành phẩm.
- Oxy hóa: cho lá trà tương tác với oxy để tạo ra các loại trà khác nhau. Hương vị của trà sẽ được quyết đinh ở bước này. Nhờ quá trình oxy hóa, các cấu trúc của tế bào bị vỡ ra làm thay đổi những thành phần hóa học và hương vị của trà.
- Sấy: Định hình và làm khô.

Không phải loại trà nào cũng trải qua tất cả những công đoạn trên, có những loại trà bị giảm đi quy trình, và cũng có những loại trà lặp lại nhiều lần trong cùng một bước.

Nguyên nhân tại sao các loại trà có hương vị và công dụng khác nhau

Công đoạn oxy hóa là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm trà. Nhờ vào công đoạn này thì trà sẽ được chia ra làm 3 nhóm chính:

  • Trà xanh: Không oxy hóa
  • Trà ô long: Oxy hóa một phần
  • Trà đen: Oxy hóa hoàn toàn

Cùng Tip Hay tìm hiểu về các loại trà phổ biến trên thị trường hiện nay nhé!

1 Trà xanh (Lục trà)

Trà xanh là một trong những loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam và các nước châu Á và còn có tên gọi khác là lục trà. Trên thực tế trước đây hầu hết trà ở Việt Nam đều là trà xanh.

Trà xanh được làm qua 4 công đoạn: hái, làm héo, vò và sấy, không có công đoạn oxy hóa. Để trà không bị oxy hoá thì ngay từ khi búp trà được hái xuống, người ta tiến hành làm rất nhanh công đoạn làm héo, và lập tức ngăn chặn quá trình oxy hoá bằng cách xào hoặc hấp, nhiệt độ cao sẽ làm các enzym trong lá trà ngưng hoạt động.

Trà xanh

Tuy nhiên cũng có một số phương pháp được dùng để chế biến trà xanh như sấy hơi nóng, phơi nắng, hấp bằng hơi nước, chần qua nước sôi để diệt men trà.

Sợi trà xanh được tạo hình bằng cách xoa trên tay, nhấn trên chảo, vò, lăn, tạo ra rất nhiều hình dạng khác nhau. Trà xanh thường có nước trà màu xanh hoặc vàng, có mùi cháy (trà xào) hoặc mùi lúa non (trà hấp), vị chát.

Ở Việt Nam hiện tại có rất nhiều thương hiệu trà xanh: Trà xanh Đại Gia, trà Hùng Thái, trà xanh thái nguyên Bắc Thái,...

>> Tham khảo: Lợi ích tuyệt vời của hồng trà và lục trà với sức khoẻ

Fun Fact: Trà xanh là loại trà không bị oxy hóa, tinh khiết nhưng hương vị lại đậm chát nên gần đây từ "trà xanh" được cộng đồng mạng dùng để ám chỉ những người có bề ngoài ngây thơ, trong sáng nhưng tâm tính lại xấu xa, đáng ghét.

Trà xanhTrà xanh Không Độ là một trong những nhãn hiệu trà đóng chai phổ biến nhất ở Việt Nam

2 Trà ô long

Trà ô long là tên gọi của tất cả các loại trà được oxy hóa một phần (khoảng 8 - 80% oxy hóa). Độ oxy hóa được phản ánh qua màu sắc của nước trà từ vàng hổ phách tới nâu đỏ.

Trà ô long là loại trà tốn nhiều thời gian nhất để chế biến bởi vì công đoạn thực hiện phải trải qua đủ 5 bước, trong đó bước vò và oxy được lặp lại nhiều lần. Nhờ làm như vậy mà trà ô long sẽ có hương vị phong phú, phức tạp hơn nhiều so với trà xanh.

Trà ô long

Trà ô long có vị chát nhưng rất mềm, mượt mà, thơm mùi hoa. Trà ô long là loại trà thích hợp cho những người mới tập uống trà.

Một số thương hiệu trà ô long phổ biến hiện nay là trà ô long Hùng Thái, trà ô long Cầu Tre,...

3 Trà đen (hồng trà)

Trà đen còn tên gọi khác là hồng trà, đây là loại trà được oxy hóa hoàn toàn 100%.

Để làm ra trà đen thì phải trải qua đủ 5 bước và không lặp lại bước nào. Nước trà thường có màu nâu sáng tới đỏ đậm, điểm đặc biệt của loại trà này là màu sắc của nước trà sẽ không bị thay đổi từ khi rót vào cốc cho đến khi nước trà bắt đầu nguội.

Trà đen là loại trà có hương vị mạnh nhất, một số loại rất đậm và chát.

Trà đen

Trà đen không có nhiều ở Việt Nam như trà xanh và trà ô long. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những quán trà sữa đều dùng trà đen để pha chế ra những ly trà sữa thơm ngon. Trà Lipton cũng là một trong những thương hiệu trà đen nổi tiếng ở Việt Nam.

>> Tham khảo: Lợi ích của trà đen

Trà đen

4 Trà trắng

Trà trắng

Trà trắng là một loại trà tuy không phổ biến ở Việt Nam nhưng lại rất nổi tiếng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.

Gọi là trà trắng vì loại trà này có lớp lông mao bao phủ trên búp trà, màu trắng tinh khôi, đẹp mắt. Trà trắng không trải qua nhiều công đoạn xử lý như trà đen, trà ô long mà được làm héo bằng phương pháp sấy chậm và quạt khô nên bảo toàn được nhiều dưỡng chất nhất.

Nước trà trắng thường có màu trắng hoặc màu vàng nhạt. Trà trắng có vị thanh, hương thơm nhẹ, lúc đầu chát nhẹ nhưng có hậu ngọt.

>> Tham khảo: Trà trắng là gì? Lợi ích của trà trắng đối với sức khỏe, mua trà trắng ở đâu?

5 Trà phổ nhĩ

Trà phổ nhĩ

Trà phổ nhĩ loại trà thượng hạng nguồn gốc từ Phổ Nhĩ (Trung Quốc). Trà phổ nhĩ được chế biến từ lá của cây trà Shan tuyết cổ thụ, được đóng thành những bánh trà và để trà lên men tự nhiên chứ không trải qua nhiều công đoạn chế biến. Thời gian lên men trà phổ nhĩ có khi lên đến hàng trăm năm nên giá trị rất cao.

Trà phổ nhĩ nổi tiếng với mùi mốc nhẹ đặc trưng và trà có màu đỏ đậm. Và quá trình lên men tự nhiên đã làm trà có vị chát dần chuyển sang ngọt, vị gắt rồi dần dịu hơn.

Ngoài những loại trà trên thì còn có nhiều loại trà khác như trà thảo mộc, trà trái cây, trà gừng, trà sen, trà hoa cúc, trà lên men kombucha nhưng chúng không được làm từ cây trà nên Tip Hay sẽ không liệt kệ chúng vào bài viết này.

Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu thêm về các loại trà phổ biến trên thị trường hiện nay và cách phân biệt chúng để chọn mua được trà ngon, phù hợp với khẩu vị và sở thích nhé!

Từ khóa: Trà xanh nổi 'rần rần' nhưng bạn có biết còn bao nhiêu loại trà nữa không?tràphân biệt tràtrà ô longtrà đentrà xanhtràphân biệt tràtrà ô longtrà đentrà xanh