Thớt nhựa đã có nhiều vết cắt có nên thay mới không? Cách bảo quản thớt nhựa
Sử dụng thớt nhựa trong thời gian dài sẽ xuất hiện nhiều vết cắt gây mất thẩm mỹ, cùng tìm hiểu cách bảo quản thớt nhựa trong bài viết sau nhé.
Thớt nhựa thường được nhiều người lựa chọn sử dụng vì dễ dàng vệ sinh, không gây hư hại cho thực phẩm,... Tuy nhiên, bạn có thể phải thay mới thớt nhựa thường xuyên khi bị nứt hoặc xuất hiện nhiều vết xước. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu cách bảo quản thớt nhựa nha.
1
Thớt nhựa đã có nhiều vết cắt có nên thay mới không?
Theo một nghiên cứu của Đại học Wisconsin tại Mỹ, thớt nhựa đã qua sử dụng chứa vi khuẩn gấp nhiều lần so với thớt gỗ. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách nuôi cấy vi khuẩn Salmonella trên cả thớt gỗ và thớt nhựa. Sau đó, họ dùng miếng rửa chén cùng với nước rửa chén và nước nóng để rửa sạch.
Kết quả là vi khuẩn ít có khả năng phát triển trên thớt gỗ, mặc dùng thớt gỗ có nhiều rãnh sâu nhưng tần suất sinh sôi của vi khuẩn cũng rất thấp. Trái lại, thớt nhựa xuất hiện rất nhiều vi khuẩn dù được khử trùng bằng thuốc tẩy tại các rãnh cắt trên bề mặt thớt.
Vì vậy, bạn nên thay mới thớt nhựa cũ sau thời gian dài sử dụng và dùng thớt gỗ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của bạn.
2
Bao lâu nên thay thớt mới?
Các loại vi khuẩn như Salmonella hay E.coli thường trú ngụ bên trong các vết cắt của thớt cũ nên cho dù bạn có vệ sinh kỹ sau mỗi lần sử dụng cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn.
Do đó, bạn nên thay đổi thớt vài lần mỗi năm tùy theo mức độ sử dụng và chất liệu của thớt. Những loại thớt làm từ gỗ cứng, bền khó để lại vết cắt thì bạn có thể sử dụng vài năm còn thớt gỗ thông thường thì nên thay sau 1 năm.
Đối với một số loại thớt nhựa khác thì bạn cũng có thể cân nhắc đến chất lượng nhựa và tần suất sử dụng để thay thế nhé.
3
Cách sử dụng và bảo quản thớt nhựa
Mỗi gia đình nên sử dụng tối thiểu hai cái thớt dành cho việc chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín. Bạn có thể đánh dấu hoặc mua những chiếc thớt có màu sắc khác nhau. Việc này sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo các loại bệnh nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Không sử dụng cả 2 mặt của thớt vì một mặt của thớt thường sẽ tiếp xúc với nền nhà, kệ bếp,... dễ nhiễm khuẩn và bị vấy bẩn gây nhiều loại bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Hạn chế sử dụng thớt đã ẩm mốc hoặc xuất hiện nhiều vết cắt chồng chéo vì các loại vi khuẩn cũng như ký sinh trùng dễ sinh sôi và phát triển trên thớt gây mất vệ sinh cho thức ăn của bạn.
Để khử trùng vệ sinh sạch sẽ cho thớt, bạn nên dùng nước sôi hoặc nước muối và rửa lại bằng nước sạch, lau bằng khăn giấy khô vì khăn lau bếp thường là nơi trú ẩn của nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Trên đây là chia sẻ của Tip Hay về cách bảo quản thớt nhựa. Hy vọng bạn sẽ lưu ý để thường xuyên thay mới cũng như bảo quản thớt đúng cách nhé.