Thói quen tưởng chừng tốt cho mắt nhưng là nguy cơ biến dạng nhãn cầu
Thói quen tưởng chừng tốt cho mắt nhưng là nguy cơ biến dạng nhãn cầu. Cùng Tip Hay tìm hiểu ngay trong bài viết này.
Dụi mắt là một thói quen khá phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, bạn có biết rằng thói quen này tiềm ẩn rất nhiều những tác hại? Cùng Tip Hay tìm hiểu ngay trong bài viết bên dưới nhé.
1
Tác hại khi dụi mắt thường xuyên
Dụi mắt thường xuyên, một thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có thể khiến nhãn cầu bị chèn ép và nguy cơ gây biến dạng nhãn cầu.
Theo BS Weston Tuten, tại Trung tâm sức khỏe gia đình Willoughby Hills, Mỹ: "Khi dụi mắt, có thể bạn sẽ gãi vào giác mạc bằng móng tay mà không biết, từ đó dẫn đến trầy xước. Bạn cũng có thể vô tình làm cho lông mi liên tục chọc vào giác mạc. Thậm chí, khi dụi mắt quá mức cũng có thể gây ra rối loạn thị giác".
Theo Tiến sĩ Mark Mifflin, giáo sư nhãn khoa tại Đại học Utah, dụi mắt thường xuyên có thể gây ra một số tác hại như sau:
- Làm cho tình trạng cận thị tồi tệ hơn: Với những người vốn bị cận thị mà còn có thói quen thường xuyên dụi mắt thì sẽ khiến bản thân cận nặng hơn. Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí về mắt Opthalmology, gần 9,6 triệu người bị cận thị nặng và thị lực của họ có xu hướng xấu đi theo thời gian.
- Làm cho bệnh tăng nhãn áp nặng hơn: Bệnh tăng nhãn áp thường được gây ra bởi sự gia tăng áp lực bên trong mắt, được gọi là áp lực nội nhãn (IOP). Khi bạn dụi mắt thì sẽ vô tình tạo ra một áp lực rất lớn lên toàn bộ khu vực mắt và có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác, gây mất thị lực.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt: Tay là bộ phận tiếp xúc với tất cả mọi thứ, vì vậy mà nó có chứa rất nhiều vi khuẩn ngay cả khi bạn rửa tay thường xuyên. Dùng tay chạm vào mắt nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn di chuyển sang mắt và gây viêm kết mạc hoặc đỏ mắt.
- Gây ra quầng thâm và mắt đỏ ngầu: Nếu bạn dụi mắt quá mạnh thì có thể phá vỡ các mạch máu nhỏ trong mắt, dẫn đến mắt đỏ ngầu. Bên cạnh đó thì việc liên tục cọ xát mí mắt có thể gây viêm và sau đó xuất hiện quầng thâm mắt do hiện tượng thay đổi sắc tố sau viêm.
- Đẩy nhanh quá trình lão hóa da xung quanh mắt: Việc liên tục cọ xát vùng da quanh mắt sẽ làm giảm độ săn chắc, đàn hồi của vùng da này, thúc đẩy quá trình lão hoá.
2
Những triệu chứng tổn thương mắt nên đi khám là gì?
Khi gặp những triệu chứng sau thì đó là dấu hiệu mắt của bạn bị tổn thương và bạn nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt:
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Giảm thị lực
- Mờ mắt
- Đỏ mắt, viêm mắt, đau bắt
- Nhức đầu, buồn nôn
- Mệt mỏi
3
Cách hạn chế việc dụi mắt thường xuyên
Thay vì dụi mắt mỗi khi cảm thấy không thoải mái, bạn hãy massage nhẹ nhàng và tập thể dục cho mắt bằng cách di chuyển mắt lên xuống. Bạn cũng có thể dùng khăn ấm đắp lên mắt để giúp thúc đẩy lưu thông máu và các cơ bắp được thư giãn.
Bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử và tập nhìn xa, hoạt động, chơi thể thao ngoài trời để mắt nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn. Điều này sẽ giúp giảm mỏi mắt, bảo vệ thị lực và cải thiện sức khỏe.
Điều cuối cùng không kém phần quan trọng đó là bạn cần kiểm tra thị lực thường xuyên. Việc này sẽ giúp bạn phát hiện những vấn đề của mắt kịp thời, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng về sau.
Trên đây là những thông tin, tác hại của thói quen dụi mắt mà có thể bạn chưa biết. Hy vọng bạn sẽ thấy những thông tin này hữu ích.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam - Cơ quan trung ương của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam