Thời điểm phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng thích hợp đối với trẻ
Hở hàm ếch là di tật chiếm 0.1% trẻ em ở Việt Nam. Phương pháp duy nhất để điều trị chúng là phẫu thuật. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng cần phẫu thuật sớm.
Theo khảo sát thì tại Việt Nam hiện có khoảng 0.1% trẻ em bị dị tất hở hàm ếch. Nếu không được phẫu thuật sớm kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như khả năng nói, ăn uống và một số bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, không phải cứ phẫu thuật càng sớm thì càng tốt.
Hôm nay cùng Bách hoá XANH tìm hiểu thời điểm phẫu thuật hở hàm ếch hay khe hở môi tốt nhất theo tham vấn từ hạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Tuyến - Bác sĩ Ngoại Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1
Hở hàm ếch bẩm sinh
Hở hàm ếch hay khe hở môi là một dị tật hay gặp ở bé, nguyên nhân có thể là do di truyền từ ba mẹ hay các tác nhân khác trong quá trình mang thai.
Hở hàm ếch không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, giao tiếp và thẩm mỹ, khiến bé tự ti, khó hoà nhập xã hội.
Một số hệ luỵ từ hở hàm ếch phải kể đến là:
- Thẩm mỹ khuôn mặt bị ảnh hưởng do khe hở làm biến dạng môi, mũi, xương ổ răng, xương hàm, xô lệch răng, sai khớp cắn
- Các hoạt động chức năng như khả năng nghe, nói ngọng, khó bú, khó ăn.
- Trẻ không nhận được đủ nguồn nuôi dưỡng dẫn đến kém phát triển, dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên và viêm tai giữa
- Ảnh hưởng tâm lý đứa trẻ, làm trẻ ự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, bỏ học...
- Trẻ không phát triển được toàn diện.
Dị tật hở hàm ếch hay khe hở môi thường được phát hiện trước sinh nhờ siêu âm thai. Sau khi sinh, do ảnh hưởng bởi khe hở môi hay khe hở hàm bé sẽ bú khó khăn và dễ mắc bệnh đường hô hấp. Lúc này, ba mẹ trẻ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách cho trẻ ăn qua đường bú tự nhiên hoặc bú bình có cấu tạo phù hợp cho trẻ, hướng dẫn cách phòng các bệnh tai mũi họng cho trẻ.
2
Thời điểm thích hợp đều phẫu thuật hở hàm ếch
Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật hở hàm ếch tùy thuộc vào từng trường hợp, nếu khe hở môi thì thời gian sớm hơn do phẫu thuật ít phức tạp hơn so với phẫu thuật khe hở vòm.
Đối với trường hợp khe hở môi là từ 3 - 6 tháng.
Trẻ được theo dõi phát triển chiều cao cân nặng, khi trẻ đủ tiêu chuẩn về cân nặng và sức khỏe sẽ được phẫu thuật đóng khe hở môi.
Phẫu thuật giúp phục hồi, đóng kín khe hở môi, giúp trẻ có hình dáng cung môi, chiều cao môi và cánh mũi bình thường. Ngoài ra, trẻ có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe nên trẻ cần được đánh giá định kỳ đáp ứng với âm thanh, phát hiện sớm và điều trị các bệnh viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
Đối với phẫu thuật đóng khe hở vòm miệng là từ 12 - 18 tháng
Phẫu thuật đóng kín đường thông mũi miệng, đảm bảo chức năng nuốt và phát âm, phòng ngừa các biến chứng về tai.. Trước khi phẫu thuật trẻ phải được học ăn bằng muỗng và thích ứng được với việc cho ăn bằng muỗng, bởi vì thời gian đầu sau khi mổ, trẻ không được bú bình hay bú mẹ nhằm tránh bục vết mổ hay chảy máu sau mổ.
3
Vì sao không nên phẫu thuật hở hàm ếch quá sớm?
Dưới đây là một số nguyên nhân cho việc phẫu thuật hở hàm ếch quá sớm là không cần thiết:
- Khi trẻ còn quá nhỏ, tình trạng sức khỏe không đảm bảo để thực hiện một ca phẫu thuật, việc chăm sóc hậu phẫu gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian hồi phục. Trước khi trẻ chuẩn bị phẫu thuật phải khỏe mạnh, thông thường thời điểm chọn phẫu thuật cho trường hợp khe hở môi trẻ phải đạt từ 5kg trở lên, với khe hở hàm là trên 10kg.
- Nếu bé còn quá nhỏ, các cơ cấu giải phẫu chưa rõ ràng sẽ khó cho bác sĩ trong quá trình xác định giải phẫu.
- Với khe hở vòm thì thời gian từ 12-18 tháng, bé không quá nhỏ để tiến hành một phẫu thuật và cũng là lúc bé bắt đầu tập phát âm. Trong thời gian này phẫu thuật giúp vòm miệng được phục hồi tốt trẻ sẽ ít bị ngọng, sau mổ được luyện tập tốt về tiếng nói thì kết quả phát âm sẽ rất cao.
- Trẻ hở vòm trước khi phẫu thuật cần có thời gian làm quen với ăn bằng muỗng, vì sau khi phẫu thuật trẻ sẽ không được ăn bằng cách bú mút hay hút. Thời điểm quá sớm trẻ học ăn muỗng sẽ khó khăn trong việc cho ăn và không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
Làm phẫu thuật quá sớm trong những tuần đầu sau sinh là không cần thiết. Lúc này, phẫu thuật có thể gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật, trẻ không đủ sức khỏe để phẫu thuật và khả năng phục hồi kém.
Tuy vậy, bạn cũng không nên để quá muộn vì khi trẻ còn bé, tỷ lệ thành công cao do dễ phẫu thuật hơn và ít chảy máu. Trong khoảng thời gian từ khi sau sinh đến khi có thể phẫu thuật, ba mẹ nên đến cơ sở y tế để được tư vấn cách cho ăn và chăm sóc trẻ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, hạn chế mắc bệnh lý đường hô hấp.
Trên đây là những thông tin liên quan đến thời điểm phẫu thuật hở hàm ếch thích hợp nhất để đạt được hiệu quả cao nhất mà Bách hoá XANH đã tổng hợp được. Dù có bất kỳ những thắc mắc nào không rõ, hãy tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để đưa ra những giảm pháp phù hợp nhất nhé!
Nguồn: Vinmec