Tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học từ 6 - 11 tuổi có những gì?
Chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ em vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện. Tìm hiểu xem tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học từ 6 - 11 tuổi có những gì qua bài viết!
Độ tuổi tiểu học từ 6 tuổi trở lên trẻ bắt đầu đi học, thường hay vui chơi, học tập mà lơ là việc ăn uống đủ chất. Do đó, bố mẹ cần đặc biệt quan tâm con trẻ trong giai đoạn này để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cùng Tip Hay tham khảo tháp dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh xem có những nhóm thực phẩm nào để có cách xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ từ 6-11 tuổi nhé!
1
Tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học từ 6 - 11 tuổi có những nhóm thực phẩm nào?
Tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học từ 6 - 11 tuổi được mô phỏng theo mô hình kim tự tháp, với phần đáy rộng rồi từ từ hẹp dần lên đến đỉnh tháp và được chia thành 6 tầng tương ứng với 6 nhóm thực phẩm khác nhau.
Thứ tự của các nhóm thực phẩm được sắp xếp từ dưới đáy lên đỉnh, thể hiện cho sự ưu tiên trong việc bổ sung thực phẩm, theo đó nhóm thực phẩm nằm ở đáy tháp là ưu tiên nhất, rồi đi dần lên trên đến nhóm thực phẩm ở đỉnh tháp là cần hạn chế tiêu thụ.
Nhóm thực phẩm giàu tinh bột
Nhóm thực phẩm giàu tinh bột nằm ở đáy của tháp dinh dưỡng, nên đây là nhóm thực phẩm cần được ưu tiên hàng đầu mà trẻ em cần bổ sung đầy đủ trong mỗi bữa ăn, góp phần tạo ra năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.
Những thực phẩm giàu tinh bột tốt cho sự phát triển của trẻ phải kể đến: Cơm, mì, khoai, bắp, ngũ cốc,...
Nhóm thực phẩm giàu chất xơ, vitamin
Xếp trên nhóm thực phẩm giàu tinh bột là nhóm thực phẩm chứa chất xơ, vitamin, đây cũng là nhóm thực phẩm mà trẻ nên bổ sung đầy đủ mỗi ngày, bởi các loại vitamin, khoáng chất trong rau củ, quả rất cần thiết để duy trì cơ thể hoạt động ổn định. Nếu thiếu hụt có thể gây rối loạn chuyển hóa của cơ thể và quá trình trao đổi chất.
Bạn có thể bổ sung chất xơ từ các loại rau, rau củ, trái cây như: Cà rốt, cà chua, đu đủ, bí đỏ,...giàu vitamin A, cam, chanh, bưởi,...giàu vitamin C.
Nhóm thực phẩm giàu đạm
Nhóm thực phẩm thứ 3 cần thiết cho sự phát triển của trẻ là các thực phẩm giàu chất đạm, bởi chất đạm không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp tái tạo mô cơ của cơ thể.
Bố mẹ nên ưu tiên bổ sung chất đạm từ sữa, các chế phẩm từ sữa, thịt, tôm, cá, trứng hay nguồn đạm thực vật từ các loại hạt, đậu,...
Nhóm thực phẩm giàu chất béo
Chất béo cũng là một chất không thể thiếu trong độ tuổi từ 6-11, cần cho quá trình hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể hấp thu vitamin dễ dàng hơn và tăng cảm giác ngon miệng khi ăn.
Tuy nhiên, chất béo cần được bổ sung ở mức vừa phải, hạn chế chất béo bão hòa từ mỡ động vật. Nên ưu tiên bổ sung những loại chất béo từ dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu olive,...
Nhóm thực phẩm chứa đường
Ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn chứa đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, bố mẹ nên cân nhắc cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt ở mức vừa phải.
Nhóm thực phẩm chứa muối
Đây là nhóm thực phẩm nằm ở đỉnh của tháp, đồng nghĩa với việc cần hạn chế cho trẻ tiêu thụ quá nhiều muối trong chế độ ăn uống để đảm bảo an toàn sức khỏe.
2
Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học
Trẻ trong độ tuổi đang học tiểu học thường sẽ dùng bữa cùng với bố mẹ, tuy nhiên bố mẹ nên lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khỏe của bé nhé:
- Nên cho trẻ ăn no vào buổi sáng để có đầy đủ năng lượng cả ngày dài, hạn chế ăn vặt sau bữa sáng.
- Thường xuyên thay đổi món ăn để kích thích vị giác cho trẻ an ngon hơn.
- Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo đủ chất.
- Nên tập cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây để hạn chế táo bón.
- Không nên cho trẻ ăn vặt, bánh kẹo trước khi ăn cơm.
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ chiên dầu dẫn đến béo phì.
Trên đây là thông tin chi tiết về tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học từ 6 - 11 tuổi mà Tip Hay tổng hợp được. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bậc phụ huynh đang tìm cách xây dựng bữa ăn cho con em mình!