Tại sao nên siêu âm khi mang thai? Ý nghĩa của việc siêu âm
Siêu âm thai là việc làm rất cần thiết để theo dõi quá trình mang thai. Tham khảo bài viết tại sao nên siêu âm thai và ý nghĩa của việc siêu âm nhé!
Siêu âm thai là một phương pháp chẩn đoán và đánh giá sức khỏe của thai phụ rất an toàn và hiệu quả. Phương pháp này rất phổ biến và được áp dụng rộng rãi hiện nay. Vậy nên siêu âm vào thời điểm nào? Tại sao nên siêu âm, và ý nghĩa của siêu âm là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Tip Hay để được giải đáp những thắc mắc này nhé!
1
Siêu âm là gì?
Siêu âm (Ultrasound) là một phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán bệnh lý bằng cách dùng sóng siêu âm để ghi lại tình trạng bên trong cơ thể, sau đó thể hiện thông qua hình ảnh y khoa. Phương pháp này an toàn và mang lại hiệu quả cao nên được sử dụng rộng rãi trong y tế.
Khi siêu âm, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò có chức năng thu và phát sóng siêu âm để tỳ sát lên da. Khi các tinh thể trong đầu dò phát sóng siêu âm truyền vào cơ thể thì các xương và mô sẽ hấp thụ một phần, phần còn lại khác phản xạ lại sóng âm. Sau đó đầu dò thu nhận sóng phản hồi, gửi đến bộ máy xử lý và cho ra những kết quả hình ảnh mà chúng ta quan sát được trên máy tính.
2
Tại sao các mẹ bầu cần siêu âm?
Các mẹ bầu cần siêu âm để theo dõi hình ảnh nhau thai, tử cung và những bộ phận khác nằm trong khung chậu người mẹ. Đây là một biện pháp an toàn giúp bác sĩ và mẹ bầu có thể biết được sự tiến triển và sức khỏe của thai nhi.
Ngoài ra, siêu âm thai còn giúp phát hiện những bất thường của mẹ và bé để có những biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời.
3
Nên siêu âm những thời điểm nào của thai kỳ?
Siêu âm có thể được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có 3 thời điểm siêu âm quan trọng mà các chuyên gia Sản Khoa khuyến cáo thật sự cần thiết:
Từ 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày: Lần siêu âm này giúp xác định độ mờ da gáy, từ đó quan sát những điểm bất thường của thai nhi (bệnh Down, thoát vị cơ hoành, dị tật,...). Nếu bỏ lỡ thời điểm siêu âm này thì việc xác định độ mờ da gáy sau đó không còn chính xác nữa.
Từ 19 tuần đến 22 tuần: Lần siêu âm này giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thời điểm này có thể nhìn thấy rõ hầu hết các bộ phận trong và ngoài cơ thể. Bởi vậy, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra các điểm bất thường về hình thái như dị dạng tay chân, sứt môi, hở hàm ếch,...
Từ 30 tuần đến 32 tuần: Lần siêu âm này giúp đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi, phát hiện các vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, não, động mạch,... Tuy các dị tật phát hiện vào thời điểm siêu âm này không thể can thiệp nhưng có thể giúp bác sĩ tìm ra những cách xử trí phù hợp và chuẩn bị tốt cho việc chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ kịp thời sau đó.
4
Lưu ý trước khi siêu âm
- Đi siêu âm theo đúng thời gian chỉ định của bác sĩ.
- Mặc trang phục thoải mái khi đi siêu âm.
- Mặc dù chưa có căn cứ về mặt tiêu cực của siêu âm đến thai nhi, nhưng mẹ bầu không nên lạm dụng siêu âm để đảm bảo tốt nhất cho trẻ.
- Làm theo chỉ dẫn trước khi siêu âm của bác sĩ để tiện cho việc siêu âm (có thể là yêu cầu uống nhiều nước và nhịn tiểu).
- Mẹ bầu thông thường nên siêu âm thai lần đầu tiên vào tuần thứ 12. Tuy nhiên, nếu thai phụ từng điều trị vô sinh hay sẩy thai thì nên đến gặp bác sĩ để nhận lời khuyên và có thể tiến hành siêu âm sớm hơn.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về cách thức, ý nghĩa và lưu ý khi siêu âm thai. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể bỏ túi được những kiến thức hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!