Tại sao nên chú trọng tương tác với trẻ 1 tuổi?
Trẻ 1 tuổi thường được chú trọng về thể chất hơn là tương tác. Việc ba mẹ nghĩ "trẻ con biết gì mà dạy" đã vô tình hạn chế những năng lực tuyệt vời của bé.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, ở độ tuổi còn bé như 1 tuổi thì chỉ cần chú trọng đến việc phát triển chiều cao và cân nặng thôi. Việc phớt lờ những sở thích riêng hay yêu ghét một điều gì đó ở bé sẽ vô tình hạn chè những năng lực tuyệt vời của bé đó.
Tham khảo bài viết sau đây từ Thạc sĩ tâm lý Trần Ngọc Ly - Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để biết thêm những thông tin thú vị cùng Bách hoá XANH nhé!
1
Vì sao lại cần quan tâm chú trọng tương tác với trẻ 1 tuổi?
Trẻ 1 tuổi là giai đoạn trẻ chuyển hẳn từ tư thế nằm, bò sang chập chững tập đi với hai chân, đặc biệt cũng có những trẻ đã đi vững. Khi vận động thay đổi theo chiều hướng lên cao, tầm nhìn của bé cũng được mở rộng hơn, đây là thời điểm cần thiết để trẻ được biết và khám phá về thế giới xung quanh.
Cùng với đó, lúc này nhu cầu khám phá thế giới của em bé cũng tăng cao, cần được chăm sóc kích thích và tạo điều kiện để thoả mãn những nhu cầu thiết yếu đó. Trẻ cũng đã bắt đầu có những sở thích riêng, yêu ghét nhất định với những thứ xung quanh mình, biết phản ứng từ chối bằng hành động và lời nói mãnh liệt. Vì những yếu tố đó, em bé của bạn cần được tương tác, hướng dẫn và kích thích đúng cách để được độc lập nhất có thể.
Khi bé được 1 tuổi, có 2 kỹ năng đặc biệt phát triển đó là kỹ năng quan sát và kỹ năng bắt chước. Như một nhu cầu tự nhiên, trẻ 1 tuổi nhìn những người xung quanh và vô thức lặp lại những hành động đó.
Tuy vậy, khả năng vận động của lứa tuổi này còn hạn chế nên trẻ chỉ mới thực hiện được một phần nào đó những thứ trẻ nhìn thấy được mà thôi. Dù là thế nhưng tâm trí hấp thụ vẫn kích thích trẻ không ngừng quan sát, học hỏi, lặp lại và thực hiện các hành động mới liên tục.
2
Những khía cạnh tâm lý cần được chú trọng ở trẻ 1 tuổi
Vận động thô
Phu huynh cần tập luyện để trẻ có thể tự chủ hơn trong các hoạt động vận động như:
- Tập đi vịn theo tường
- Tập ngồi dậy tự đi mà không cần người lớn bế nhiều
- Tập thay đổi tư thế một cách linh hoạt từ nằm sang ngồi dậy rồi đứng lên...
Ngoài ra, các mẹ nên tạo cơ hội để đôi chân bé được tiếp xúc với những chất liệu khác nhau, không chỉ giới hạn ở sàn nhà hay dép tập đi. Trẻ càng được vận động chân nhiều, góc nhìn của trẻ về thế giới xung quanh càng đa dạng, trẻ càng được khám phá nhiều sự vật khác nhau ở thế giới bên ngoài.
Vận động tinh
Ở giai đoạn 1 tuổi, sức mạnh của đôi chân vô cùng tuyệt vời, cũng là một cơ hội để trẻ được sử dụng đôi tay nhiều hơn. Trẻ không chỉ với được đồ chơi, cầm nắm đồ chơi, kết hợp nhiều đồ trên tay...
Nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này với đôi tay là trẻ cần được sờ và chạm vào đồ vật liên tục. Vì vậy, nên cho trẻ được chạm vào nhiều đồ vật với nhiều chất liệu khác nhau, ví dụ như thức ăn mềm, các đồ chơi bằng nhựa cứng, các đồ chơi bằng nhựa dẻo, đồ vật bằng xốp... hay các chất liệu tự nhiên như lá cây, nước, cát sỏi, đất, gỗ...
Đôi tay của trẻ còn cần được hướng dẫn để thực hiện nhiều thao tác khác nhau với cùng một đồ vật thật linh hoạt. Ví dụ, với giấy, trẻ cần biết cách vò giấy, giựt giấy, xé giấy, ném giấy...
Giao tiếp
Khả năng quan sát và bắt chước hành vi phát triển vượt bậc thì nhu cầu hiểu ngôn ngữ và nhu cầu phát ra âm lời nói cũng cải thiện theo chiều hướng tích cực ở giai đoạn trẻ 1 tuổi.
Trẻ 1 tuổi có chiều cao chỉ ngang với đầu gối của người lớn, nên tầm nhìn của trẻ cũng chỉ dừng ở mức đó. Vậy nên người lớn cần ngồi thấp xuống, ngang tầm mắt với trẻ, giao tiếp mắt với trẻ để trẻ thấy rõ được khuôn mặt, giọng nói, khẩu hình của người đối diện một cách rõ nhất.
Lúc này, ba mẹ luôn cần nói với trẻ về mọi thứ xung quanh với những câu ngắn gọn, từ dễ hiểu và có trọng tâm. Ví dụ, có thể giới thiệu với trẻ về hoạt động tắm: “Bé ơi, giờ mình đi tắm nhé. Chúng mình đi lấy quần, lấy áo, lấy bỉm nhé. Cởi áo nào. Cởi quần nào...” Hoặc có thể kết hợp giới thiệu về đường phố khi cho trẻ đi dạo “Đây là nhà sách, mẹ sẽ mua sách cho con. Tiếp đến là siêu thị, mẹ cần vào mua sữa. Đi đến chỗ rẽ là về đến nhà rồi”.
Việc làm này là để tăng cường khả năng hiểu ngôn ngữ, sự chú ý và tích lũy vốn từ cho trẻ, đảm bảo trẻ luôn được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ.
Phụ huynh có thể đặt ra một số câu hỏi đơn giản về nhu cầu của trẻ, để trẻ được tham gia vào hoạt động của chính mình. Với một em bé có ý chí, trẻ sẽ tìm cách để trả lời nhu cầu của mình qua ngôn ngữ hoặc qua hành động.
Cho trẻ làm quen với các quy tắc
Trẻ 1 tuổi có thể hiểu và thực hiện theo các quy tắc nếu được người lớn hướng dẫn như:
- Chào người khác khi mới gặp, hoặc khi ra về (với sự hỗ trợ của bố mẹ)
- Dừng hành vi không phù hợp khi người lớn yêu cầu (ban đầu trẻ chỉ thể hiện bằng cách dừng tạm thời hoặc chun mũi để trêu người lớn, nhưng nếu nhất quán thực hiện thì trẻ sẽ hiểu vấn đề và làm theo được)
- Dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi
- Lấy đồ cho bố mẹ...
Những quy tắc và công việc này trẻ không tự biết và không tự thực hiện được, nên người lớn cần làm mẫu, đưa ra đề nghị bằng ngôn ngữ hoặc cử chỉ, thực hiện thường xuyên với trẻ, diễn ra từ đơn giản đến phức tạp.
Cho trẻ chơi
Giai đoạn dưới 2 tuổi là giai đoạn phát triển môi miệng. Lúc này, trẻ có thể tự chơi bằng cách khám phá: Ném, liếm, hoặc cắn đồ nhưng cũng có thể trẻ sẽ bắt chước người khác một vài hành vi đơn giản với đồ vật (bắt chước xúc thìa, bắt chước lấy lược chải đầu...).
Tùy vào nhu cầu và đặc điểm của từng trẻ, chúng ta có thể lựa chọn nên để trẻ khám phá bằng cách cắn đồ hay là nên khuyến khích trẻ bắt chước các hoạt động. Ba mẹ có thể đặt ra một số quy tắc cho trẻ khi chơi như trẻ có thể cắn một số món đồ nào đấy, nhưng khi mẹ yêu cầu thì phải dừng lại, và nhất quán thực hiện việc đó.
Việc làm này vừa giúp bé khám phá những thứ đồ mới lạ, có thể đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ vừa học dần cách phân biệt nguy hiểm.
Việc chơi ở giai đoạn 1 tuổi cần có những hoạt động để trẻ khám phá bằng các giác quan, cảm nhận thực tế các đồ vật, để có cơ sở hình thành dần những kỹ năng và nhận thức cao hơn.
Một số món đồ chơi nên được khuyến khích là các đồ chơi tạo ra âm thanh, các đồ chơi nhân quả, hoặc các loại đồ chơi chồng cao, các đồ chơi có thể lấy vào và bỏ ra... để trẻ được thỏa sức khám phá theo nhu cầu của mình.
Ngoài ra, trẻ nên được chơi và khám phá nhiều trong môi trường tự nhiên, đơn giản như:
- Cho trẻ đi dạo, ngắm cảnh: trẻ sẽ được nhìn những đồ vật thực tế như các loại cây, các loại hoa, những chú chim, chú ong; sẽ được cảm nhận sự mát mẻ của gió
- Cho trẻ được chạm/sờ vào những đồ vật thực tế ngoài môi trường
- Để trẻ được tự do đi lại giữa không gian rộng, được nhặt những đồ mà trẻ thấy lạ...
Trên đây là những thông tin thú vị về việc nên chú trọng tương tác với bé 1 tuổi. Dù trẻ ở giai đoạn nào cũng cần được lưu ý và tôn trọng cả về thể chất lẫn tâm sinh lý. Đây chính là nền tảng để bé phát triển nhận thức ở các giai đoạn sau.
Có thể ở mỗi đứa trẻ sẽ thông minh theo một cách khác, có thể không trở thành thiên tài, nhưng con cần được độc lập, được tự do khám phá những thứ mình thích, có dũng khí để vượt qua khó khăn.
Nguồn: Vinmec