Sinh thường sau sinh mổ đem lại lợi ích gì? Những điều cần lưu ý
Sinh thường sau 1 hay nhiều lần sinh mổ có những lợi ích và lưu ý gì là điều được nhiều người quan tâm. Cùng Tip Hay tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Khi bạn đang mang bầu lần thứ hai và trước đó đã trải qua một lần sinh mổ, bạn mong muốn lần tiếp theo sẽ được sinh thường. Tuy nhiên trên thực tế, điều này có những ảnh hưởng nhất định đến mẹ và bé. Cùng Tip Hay tìm hiểu về vấn đề này ngay thôi nào! Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1
Sinh thường sau sinh mổ là gì?
Thuật ngữ "sinh thường sau sinh mổ" (VBAC) dùng để chỉ việc một phụ nữ quyết định trải qua quá trình sinh thường sau khi từng phải chịu ca mổ trong lần mang thai trước đó. Thai phụ có thể lựa chọn chuyển từ sinh mổ sang sinh thường sau cuộc thảo luận với bác sĩ, dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và thai. Quá trình VBAC đòi hỏi sự quản lý cẩn thận và chuyên nghiệp của đội ngũ y tế vì đây là một quá trình mang nhiều rủi ro và đòi hỏi cần sự theo dõi đặc biệt.
2
Những lợi ích khi sinh thường sau sinh mổ
Dưới đây là một số lợi ích khi sinh thường sau sinh mổ:
- Quá trình phục hồi sau sinh thường sẽ nhanh hơn so với sinh mổ, giúp mẹ có khả năng tự di chuyển và chăm sóc con sớm hơn.
- Giảm nguy cơ phát sinh trong quá trình phẫu thuật, bao gồm nguy cơ nhiễm trùng và sưng tấy. Các vấn đề sau phẫu thuật cũng trở nên ít xảy ra. Ít tổn thương tại các vùng như bàng quang và ruột là một điểm cộng khá lớn..
- Giảm nguy cơ tổn thương tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh con trong tương lai. Bên cạnh đó, cơ thể mẹ nhanh chóng phục hồi sẽ tạo điều kiện giúp mẹ tạo ra nhiều sữa cho con bú.
3
Trường hợp có thể sinh thường sau sinh mổ
Đã từng trải qua quá trình sinh thường trước đó
Nếu bạn đã có kinh nghiệm sinh con thông qua đường âm đạo, bất kể trước hoặc sau ca mổ trước, cơ hội thành công của VBAC tăng lên khoảng 90%. Tuy nhiên, điều quan trọng là vết mổ cũ phải đã hoàn toàn phục hồi để tránh nguy cơ vỡ tử cung.
Số lượng sinh mổ trước
Một số cơ sở y tế chỉ cho phép VBAC nếu mẹ đã trải qua một hoặc hai lần sinh mổ trước đó, tuỳ theo quy định cụ thể của họ. Thường thì việc trải qua nhiều hơn hai ca mổ có thể tăng nguy cơ về các vấn đề về tử cung và làm giảm tính an toàn.
Trường hợp mang thai đơn
Sinh thường sau sinh mổ thường được ưu tiên cho phụ nữ mang thai đơn. Trong trường hợp mang thai đa hoặc thai không thuận, thường sẽ được ưu tiên thực hiện sinh mổ để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và thai nhi.
Yếu tố liên quan đến tuổi tác và cân nặng
Có một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ dưới 35 tuổi hoặc phụ nữ có trọng lượng cơ thể bình thường có tỷ lệ thành công của VBAC cao hơn. Thường thì những phụ nữ này thường mang thai với thai nhi có kích thước ước tính nhỏ hơn, điều này làm cho quá trình sinh thường sau sinh mổ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đo lường trọng lượng chính xác của thai nhi không phải lúc nào cũng dễ dàng.
4
Trường hợp không thể sinh thường sau sinh mổ
Loại vết rạch tử cung từ lần mổ trước
Vết rạch có thể là dọc (từ trên xuống) hoặc ngang. Tuy nhiên, bạn không thể xác định loại vết rạch từ vết thương ngoại da. Vết rạch dọc ít phổ biến hơn và có nguy cơ cao hơn về bục tử cung. Nếu bạn có vết rạch dọc, có lẽ nên tiếp tục sinh mổ. Nếu bạn không biết loại vết rạch tử cung của mình thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ và xem xét tình trạng sức khỏe của mình.
Số lần sinh mổ trước
Hiệp hội Sản Phụ khoa Canada cho phép phụ nữ đã trải qua hai lần sinh mổ trước đó có thể xem xét sinh thường ở lần thứ ba. Tuy nhiên, không nhiều cơ sở y tế cho phép điều này và thường không cho phép sinh thường sau hai lần mổ trước đó. Sinh con lần thứ ba sau hai lần mổ có thể có rủi ro đối với thai nhi và tử cung.
Khoảng cách giữa hai lần sinh
Nếu khoảng cách giữa lần sinh mổ trước và lần sinh thường sau quá ngắn, nguy cơ bục tử cung là rất cao. Hầu hết các cơ sở y tế không cho phép VBAC trong trường hợp này.
Lý do sinh mổ trước đây
Lý do bạn được chỉ định sinh mổ trong lần sinh trước có thể ảnh hưởng đến khả năng VBAC. Ví dụ, nếu bạn phải sinh mổ vì thai nhi không nằm đúng hoặc không xoay đầu xuống, khả năng thành công của VBAC có thể giảm. Trong những trường hợp như vậy, tỷ lệ thành công của VBAC có thể giảm xuống 60%.
5
3 phương pháp tăng tỷ lệ sinh thường sau sinh mổ
Kiểm soát vấn đề cân nặng
Nếu phụ nữ duy trì mức cân nặng ổn định thì cơ hội sinh thường sẽ cao hơn rất nhiều. Trong trường hợp phụ nữ thừa cân thì có thể áp dụng những phương pháp để kiểm soát tốt cân nặng tốt hơn như quản lý chế độ ăn uống hay tập thể dục thường xuyên. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì phụ nữ thừa cân khi giảm ít nhất 1 đơn vị chỉ số khối cơ thể thì có thể tăng cơ hội sinh thường thêm 12%.
Việc kiểm soát cân nặng trong thai kỳ cũng cực kỳ hữu ích trong việc giúp thai lớn tự nhiên, thai không bị quá to, từ đó mẹ dễ sinh thường hơn.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Huyết áp cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh nở, đặc biệt gây ra nguy cơ tiền sản giật cho bà bầu. Vậy nên để đảm bảo sức khỏe và tăng cơ hội sinh thường, mẹ bầu hãy kiểm soát tốt vấn đề huyết áp bằng chế độ ăn uống cân bằng cũng như vận động hiệu quả.
Với những thai phụ mắc bệnh cao huyết áp, hãy theo dõi thai kỳ và sử dụng thuốc theo đúng liều lượng được kê đơn.
Giảm căng thẳng
Thư giãn và giảm căng thẳng là cách tốt nhất để giúp mẹ có thể tăng khả năng sinh thường sau sinh mổ. Hãy cố giữ tinh thần thoải mái và tránh việc căng thẳng quá độ. Mẹ nên nhớ rằng càng bình tĩnh thì khả năng chuyển dạ kéo dài cũng giảm và tăng cao khả năng sinh thường
Trên đây là những thông tin về sinh thường sau sinh mổ đem lại lợi ích gì và những điều cần lưu ý. Tip Hay hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này để lựa chọn những trải nghiệm sinh em bé an toàn và phù hợp nhé.
Nguồn: hongngochospital.vn