Rùng mình khi biết bún bẩn, bún thiu sử dụng hoá chất thành bún mới và cách nhận biết bún sạch
Bún là món yêu thích của nhiều người, nhưng không phải chỗ nào cũng bán bún sạch, an toàn. Bài viết sau đây sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về bún cho bạn.
Bún là một trong các nguyên liệu quan trọng để tạo nên nhiều món ăn ngon nổi tiếng của người Việt, còn là đặc sản của nhiều nơi thu hút được sự yêu thích cả khách nước ngoài.
Tuy nhiên nếu là nơi bán bún sạch, an toàn thì không có vấn đề gì, ngược lại nhiều cơ sở sản xuất bún nhằm tăng lợi nhuận đã sử dụng lại bún cũ để tái chế, dùng hoá chất vào quy trình chế biến,… ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khoẻ. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây sẽ rõ hơn nhé.
1
Rùng mình với quy trình sản xuất bún tại nhiều cơ sở
Mới đây trên các trang báo, kênh thời sự đăng tin một số cơ sở sản xuất bún ở Hồ Chí Minh đã thu mua lại bún thiu, bún bẩn về để tái chế lại thành bún mới và sử dụng thêm hoá chất vào trong bún để bún giữ được lâu hơn.
Tại một cơ sở quận Bình Tân, cục an toàn và vệ sinh thực phẩm đã phát hiện hàng trăm ký bún thiu, bún đã chuyển màu, bốc mùi hôi được chất thành đóng trên nền gạch dơ.
Những máy để sản xuất bún thì đống bụi bẩn, nước thải trực tiếp lên trên nền có nhiều ruồi, công nhân thì không sử dụng bao tay, thậm chí còn cởi trần lúc làm bún.
Bên cạnh đó thì có nhiều bao hoá chất dùng để tẩm ướp vào khi sản xuất bún, hoá chất này được kiểm tra thì có hàn the, chất tẩy trắng Tinopal,… đều là các chất độc nguy hiểm đến sức khoẻ con người.
Bún ôi thiu được thu mua về trộn với bún mới sản xuất và cho thêm hoá chất vào sẽ thành bún mới và được giao cho nhiều người bán tại nhiều chợ trên địa bàn.
Vì có thể tái chế lại bún cũ, bún qua ngày nên các cơ sở này đã thu mua lại bún bán không hết của những người mà họ đã giao bún với giá bằng với giá lúc giao, nhiều người cứ lầm tưởng họ thu mua lại để thiêu huỷ hoặc dùng làm thức ăn cho lợn.
Bún bẩn, bốc mùi ôi thiu này kết hợp với các hoá chất thì rất nguy hại đến sức khoẻ, nếu ăn phải thực phẩm bẩn này lâu ngày có thể dẫn đến nhiều bệnh ung thư.
2
Hoá chất tái chế bún là gì? Tác hại như thế nào?
Sau khi kiểm tra, xét nghiệm bún tại các cơ sở này thì cục An toàn thực phẩm đã phát hiện chất sử dụng trong bún là hàn the và chất tẩy trắng Tinopal đều là các chất nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm.
Tác hại của các hoá chất này:
- Tinopal là hợp chất hoá học được sử dụng trong công nghiệp, còn được gọi là chất phát sáng huỳnh quang tồn tại ở dạng bột có khả năng tẩy trắng, sáng rất mạnh.
- Nếu ăn phải nhiều thực phẩm có chứa chất này sẽ gây suy gan, suy thận, cơ thể mệt mỏi và dẫn đến ung thư.
- Hàn the làm cho bún dai, giòn hơn cũng là chất được cấm sử dụng trong thực phẩm. Tác hại của hàn the rất nguy hiểm, ăn thường xuyên thực phẩm chứa hàn the sẽ hại gan, thận, dễ gây ra các bệnh về đường ruột.
Không những bún mà còn một số thực phẩm khác như hủ tiếu, bánh canh,… cũng có sử dụng các hoá chất này. Tuy nhiên nếu chỉ cần để ý thì chúng ta vẫn có thể nhận biết được.
3
Cách nhận biết bún chứa hoá chất
Nhận biết bằng màu sắc
Bún được làm từ gạo nên khi thành phẩm thì bún sẽ có màu trắng đục như cơm sẽ là bún sạch. Còn bún sử dụng hoá chất sẽ có màu trắng trong và nhìn sợi bún rất bóng bẩy.
Nhận biết bằng hương vị
Ngoài màu sắc thì chúng ta có thể nhận biết bằng cách ngửi thử bún, nếu là bún sạch sẽ có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi, mùi này là mùi của gạo ngâm trong lúc chế biến. Còn bún sử dụng hoá chất sẽ không có mùi này.
Nhận biết dựa vào độ dai
Đây cũng là cách có thể nhận biết được bún sạch hay không. Nếu là bún sạch thì khi chạm tay vào bún dễ đứt gãy, có cảm giác dính tay, còn bún có hoá chất sẽ dai, khó đứt gãy hơn và không có cảm giác dính tay của bột gạo do có dùng hàn the.
Nhận biết dựa vào độ bóng
Với bún sạch thì không có độ bóng, không quá mượt mà và có màu trắng đục. Còn bún nhìn vào thấy bóng sáng, trắng trong suốt, nếu có ánh nắng gọi vào sẽ thấy phản quang vì có dùng chất sáng huỳnh quang Tinopal.
Nhận biết bằng nước mắm
Đây là cách có thể kiểm tra tại nhà, sử dụng khoảng 1/3 chén nước mắm nguyên chất, rồi cho bún vào đầy chén trộn đều lên nếu thấy bún ngấm hết nước mắm vào thì đây là bún sạch. Ngược lại nếu bún dùng hoá chất thì bún sẽ bị rời ra và không ngấm hết nước mắm.
Trên đây là một số thông tin về bún bẩn, bún thiu và cách nhận biết bún có bị nhiễm hoá chất không, hy vọng qua bài viết này giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để bảo vệ sức khoẻ gia đình mình tốt hơn nhé.