Review các loại thớt trong bếp phổ biến hiện nay và ưu nhược điểm của từng loại
Nếu là một người thích vào bếp nấu các món ăn cho gia đình thì hẳn thớt sẽ là một người bạn đắc lực của bạn phải không nào? Cùng xem qua các loại thớt trong bếp hiện nay và ưu nhược điểm của từng loại nhé!
Thớt là một vật dụng rất phổ biến trong căn bếp giúp bạn cắt, chặt đồ ăn được dễ dàng và an toàn hơn nhiều. Thông thường có 3 loại thớt phổ biến mà các bà nội trợ hay sử dụng, đó là thớt gỗ, thớt tre và thớt nhựa. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu ba loại thớt cùng với ưu và nhược điểm của ba loại đó nhé!
1
Thớt gỗ
Ưu điểm:
- Thớt gỗ là loại thớt được hầu hết các bà nội trợ sử dụng bởi đặc tính bền, cứng, chắc chắn. Bạn có thể an tâm chặt gà hoặc sườn, xương heo mà không lo bị vỡ đôi thớt.
- Bên cạnh đó, bạn có thể hoàn toàn yên tâm thớt gỗ được làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm:
- Do là gỗ nên chúng rất dễ hút nước. Sau khi sử dụng, nếu chỉ rửa xong để vào những nơi ít nắng gió thì chúng rất dễ bị ẩm mốc, có mùi hôi khó chịu.
- Ngoài ra, thớt gỗ còn dễ bị nhiễm các loại nấm mốc, bạn nên chú ý khi sử dụng chúng.
>> Cách khử mùi tanh trên thớt gỗ
>> Cách tốt nhất để vệ sinh một tấm thớt gỗ dùng lâu
2
Thớt tre
Ưu điểm:
- Thớt tre láng mịn, dễ dàng trong việc làm sạch và lau khô sau khi sử dụng, đo đó thớt tre không dễ bị mốc như thớt gỗ, nhẹ, dễ dàng cầm nắm, di chuyển hơn thớt gỗ và thường dùng để cắt trái cây, rau củ quả.
- Cũng như thớt gỗ, thớt tre cũng là một loại thớt có chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng được.
Nhược điểm:
- Thớt tre không bền, sau một thời gian sử dụng nó rất dễ bị nứt. Bên cạnh đó, loại thớt này thường không nên dùng để cắt các vật cứng và nó dễ sinh ra vi khuẩn do có nhiều khe nhỏ mà chỉ phù hợp để cắt, băm những nguyên liệu mềm như rau, củ, trái cây,... chứ không nên dùng để chặt xương.
- Một lưu ý nhỏ cho những bà nội trợ là thớt tre thông thường sẽ chứa formaldehyde với số lượng cực kỳ nhỏ nhưng nó cũng có nguy cơ gây hại tới sức khoẻ con người. Do đó, khi mới mua về bạn nên lưu ý rửa sạch rồi đem phơi ngoài nắng rồi mới sử dụng nhé.
3
Thớt nhựa
Thớt nhựa thường được làm bằng nhựa polyetylen và polypropylen nên bạn có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như độ ăn toàn.
Ưu điểm:
- Thớt nhựa rất dễ làm sạch và không bao giờ bị nấm mốc, chỉ cần rửa chúng như những loại ly, chén nhựa thông thường.
- Bên cạnh đó, giá thành của loại thớt này cũng khá rẻ và trọng lượng cũng nhẹ nên thường được sử dụng.
- Thớt nhựa được dùng để cắt những thực phẩm đã được nấu chín hoặc trái cây, rau củ nhỏ. Ngoài ra, không như thớt gỗ hay thớt tre, thớt nhựa có thể dùng trong máy rửa chén.
Nhược điểm:
- Thớt nhựa có nhược điểm là không chịu được nhiệt độ cao. Do đó, khi muốn cắt thịt, bạn phải chờ cho thịt nguội bớt mới đưa lên thớt cắt, nếu nhiệt độ quá nóng sợ thớt dễ bị chảy nhựa, biến dạng. Tuổi thọ của thớt nhựa cũng khá là ngắn.
- Ngoài ra, theo một nghiên cứu của đại học Michigan ở Mỹ, trên bề mặt của thớt nhựa sử dụng lâu ngày có nhiều vi khuẩn hơn thớt gỗ, ngoài ra mùi thức ăn cũng có thể bám trên bề mặt thớt nhựa rất lâu.
>> Cách làm sạch thớt nhựa đúng cách
4
Thớt silicone kháng khuẩn
Thớt silicone cũng là một loại thớt được sử dụng rộng rãi bởi những chị em nội trợ. Không như thớt nhựa, thớt silicone được làm từ silicone (hay còn gọi là polysiloxan) - chất liệu này chịu nhiệt tốt, bền và thân thiện với môi trường hơn nhựa
Ưu điểm:
- Chất liệu silicone khá mềm nên khi sử dụng loại thớt này, dao của bạn sẽ giữ nguyên được độ sắc, bén, không bị mòn như khi chặt trên thớt gỗ.
- Nhờ chất liệu silicone dẻo nên bạn hoàn toàn có thể cuộn, gấp lại một cách dễ dàng, giúp đổ nguyên liệu trực tiếp vào chảo, nồi mà không lo làm rớt ra ngoài
- Chất liệu silicone kháng khuẩn, chống trầy xước sẽ giúp cho những vi khuẩn không còn sót lại trên bề mặt, an toàn cho sức khỏe hơn.
- Việc rửa và bảo quản thớt silicone cũng rất dễ dàng hơn những loại thớt khác, bạn hoàn toàn có thể cho thớt silicone vào máy rửa chén hoặc trụng trong nồi nước sôi mà không phải sợ làm hư thớt hay sinh ra chất độc hại cho sức khỏe.
Nhược điểm:
- Vì thớt silicone thường rất mỏng nên bạn chỉ nên dùng để chặt, thái những nguyên liệm mềm, nếu bạn dùng thớt silicone để chặt xương, chặt thịt thì rất dễ xảy ra tình trạng thớt bị trầy.
- Một số loại thớt silicone thường hay có mùi khó chịu lúc mới mua về, bạn cần phải rửa qua nhiều lần mới có thể khử được mùi này.
- Sau một thời gian sử dụng, thớt silicone thường bị dính những vết bẩn mà khó có thể rửa sạch được bằng cách thông thường, ngoài ra còn bám lại mùi khá lâu.
5
Thớt thủy tinh
Đây là loại thớt rất dễ lau chùi, không dễ mốc, được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng lại cực kỳ dễ vỡ nên ít được người chọn sử dụng, vì thế nếu muốn sử dụng thớt thuỷ tinh bạn phải cực kỳ cẩn thận.
Ngoài ra, âm thanh khi sử dụng dao để cắt gọt trên thớt thuỷ tinh cũng khá ồn, gây khó chịu cho người sử dụng.
6
Thớt đá
Tương tự như thớt thủy tinh, thớt đá cũng được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường, dễ lau chùi, không bị mốc nhưng lại rất nặng, dễ vỡ. Ngoài ra bề mặt thớt đá rất cứng nên sử dụng sẽ gây ra âm thanh khó chịu và dễ làm hỏng dao.
7
Thớt vỏ trấu
Thớt vỏ trấu được chế tạo từ nguyên liệu thân thiện với môi trường nên không dễ bị nấm mốc, mùi hôi nhưng lại dễ trầy xước và biến dạng.
Một số lưu ý khi chọn thớt
• Nên chọn
kích cỡ thớt phù hợp với nhu cầu sử dụng và không gian bếp, bồn rửa chén nhà bạn.
• Nên
mua nhiều loại thớt cho từng nhu cầu sử dụng, ví dụ nếu chặt xương thì chọn thớt gỗ, chặt thịt, rau củ mềm thì chọn thớt silicone,...
• Nên
chọn thớt theo hình dáng, việc này không chỉ giúp cho không gian bếp nhà bạn thêm phong phú mà còn phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ thớt vuông, thớt chữ nhật sẽ cho diện tích cắt gọt rộng hơn thớt tròn.
Phía trên là những loại thớt phổ biến thường được hiện hữu trong căn bếp của những bà nội trợ. Nếu đang có ý định thay thớt mới, hy vọng đây sẽ là những thông tin so sánh bổ ích cho các bạn dễ dàng lựa chọn hơn.
Đón xem thêm nhiều bài viết hay tại chuyên mục Mẹo vặt cuộc sống.