Quy định mới về thủ tục nhập khẩu đèn Led
Đèn Led được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhưng hiện nay đã có những quy định mới. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu về quy định mới về thủ tục nhập khẩu đèn Led.
Đèn Led có tính năng ưu việt nên được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và đang dần dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Bài viết dưới đây Tip Hay chia sẻ quy định mới về thủ tục nhập khẩu đèn Led. Các bạn hãy theo dõi nhé!
1
Trình tự các bước thủ tục nhập khẩu đèn Led
Bước 1: Kiểm nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu
Theo Thông tư 36/2016/TT-BCT của Bộ Công thương, các doanh nghiệp bắt buộc phải làm hồ sơ đăng ký công bố hiệu suất năng lượng và nhãn dán tại các Trung tâm kiểm nghiệm đã được cấp phép bởi Bộ Công thương trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và dán nhãn năng lượng lên sản phẩm và chịu trách nhiệm về những thông tin đã đăng ký trước đó.
Bước 2: Thực hiện thủ tục khai hải quan
Theo Công văn 1786/TCHQ-GSQL V/v dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, “trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Năng lượng tại công văn số 1458/TCNL-KHCN ngày 30/10/2013, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6772/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không yêu cầu người khai hải quan phải nộp các chứng từ liên quan đến Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng khi làm thủ tục hải quan.
Do đó, hàng hóa trong quá trình nhập khẩu không phải thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ quan hải quan chỉ quản lý việc áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị nhập khẩu.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc căn cứ trên Phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu được cấp bởi Phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định để thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.”
Bước 3: Đăng ký dán nhãn năng lượng
Theo quy định khoản 1 Điều 5 Thông tư 36/2016/TT-BCT, “Trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 01 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công Thương..”
Hồ sơ xin dán nhãn năng lượng cho sản phẩm:
- Giấy công bố nhãn dán năng lượng cho sản phẩm
- Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp
- Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ Điều kiện
- Mẫu dán năng lượng dự kiến
Bước 4: Thực hiện thủ tục xin công bố chứng nhận hợp quy
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư 08/2019/TT-BKHCN và Quy chuẩn QCVN 19:2019/BKHCN. Trong đó quy định chi tiết về quy chuẩn an toàn quốc gia đối với sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED. Theo đó, tất cả các sản phẩm đèn LED nhập khẩu đều phải làm hợp quy, kiểm tra đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.
Hồ sơ nộp xin công bố hợp quy đèn Led bao gồm:
- Bản công bố hợp chuẩn theo mẫu của Bộ KH&CN
- Bản sao đăng ký kinh doanh
- Sao y bản chính Tiêu chuẩn áp dụng
- Sao y bản chính kết quả chứng nhận
2
Những lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu đèn Led
Kiểm tra chất lượng nhà nước để làm chứng nhận hợp quy đèn Led
Bạn nên kiểm tra sản phẩm đèn led có mã QCVN 19:2019/BKHCN của một số dòng hàng dưới đây:
- Mã HS code 85395000: Đây là đèn Led có cấu tạo như bóng đèn, ví dụ: Đèn Led có balat lắp liền (Bulb) với công suất 60W
- Mã HS code 94051091: Đèn rọi hay còn đèn Spotlight
- Mã HS code 94052090: Đèn bàn, đèn cây sử dụng đèn Led
Thông thường, giấy chứng nhận hợp quy có thời hạn trong vòng 3 năm và việc kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng là bắt buộc (TCVN 11844:2017).
Một số sản phẩm bắt buộc phải dán nhãn năng lượng
- Về công suất, đèn Led phải nhỏ hơn 60W và có điện áp định danh không quá 250V nhằm mục đích phục vụ chiếu sáng trong các văn phòng, nhà ở.
- Bóng đèn Led có balat lắp liền có đầu đèn E27 và B22.
- Bóng đèn Led được thiết kế hai đầu nhằm thay thế bóng đèn huỳnh quang dạng ống có đầu đèn G5 và G13.