Phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim cơ bản mà ai cũng nên biết
Bạn sẽ phải làm gì nếu gặp trường hợp nhồi máu cơ tim? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu về phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim cơ bản mà ai cũng nên biết.
Tim là một trong những cơ quan quan trọng nhất cơ thể, có chức năng vận chuyển, tuần hoàn máu nuôi sống khắp cơ thể. Vì vậy, nếu gặp trường hợp bị nhồi máu cơ tim, chúng ta nên biết một số phương pháp sơ cứu để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người xung quanh. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu nào.
1
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành, trong khi động mạch có chức năng đưa máu về tim và nuôi dưỡng cho tim. Dẫn đến tình trạng tim không được cung cấp đầy đủ lượng máu gây ra tình trạng suy tim, sốc tim đột tử.
Đây là một dạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tim mạch và các dạng biến chứng khác về sau.
2
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim có 2 dạng chính: do xơ vữa động mạch và không do xơ vữa
- Do xơ vữa động mạch: Là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng khi các mảnh vỡ tế bào bám vào các thành mạch máu và tích tụ dần theo thời gian gây hẹp dần các lòng mạch, cản trở quá trình vận chuyển máu đi nuôi dưỡng các mô. Đến một thời điểm nhất định, mảng xơ vữa sẽ bị bong tróc hoặc nứt ra tạo thành cục máu đông gây tắc nghẽn và nhồi máu cơ tim.
- Không do xơ vữa động mạch: Đây là dạng hiếm gặp, có thể do các yếu tố di truyền hoặc do thành mạch máu dị dạng, rò,...các bệnh viêm nhiễm động mạch vành.
3
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
- Giới tính: Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ nam giới mắc bệnh động mạch vành cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh sẽ tăng cao hơn và ngang bằng với nam giới khi đã qua tuổi 65.
- Di truyền: Nếu như trong gia đình, cha mẹ hoặc anh chị của bạn có người gặp tình trạng về tim mạch trước tuổi 55 ở nam giới và trước tuổi 65 ở nữ giới, khả năng bạn sẽ bị xơ vữa động mạch sẽ cao hơn.
- Tuổi tác: Tuổi tác càng lớn nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao, ở tuổi 70 có đến 15% nam giới và 9% nữ giới có triệu chứng của xơ vữa động mạch và tỷ lệ này tăng lên 20% ở tuổi 80.
- Yếu tố chủng tộc: Tỷ lệ người gốc Nam Á tử vong do mắc bệnh nhồi máu cơ tim cao hơn so với người da trắng. Tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch ở quần thể người Đông Á ngày càng tăng.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Béo phì: Tình trạng thừa cân sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc làm tăng tổng lượng cholesterol trong máu, góp phần gây xơ vữa động mạch, gây ra các hiện tượng rối loạn lipid máu, tăng huyết áp dẫn đến các vấn đề về tim mạch. Theo các chuyên gia, chỉ số khối cơ thể (BMI) của người thừa cân là 23-24.9 kg/m2, ở người béo phì là 25kg/m2.
- Tiểu đường: Biến chứng về tim mạch là biến chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường, ước tính lên đến có 65% người bị tiểu đường tử vong do các bệnh tim mạch. Nguyên nhân là do tiểu đường làm ảnh hưởng đến cholesterol và triglycerid, khiến khả năng bệnh lý tim mạch xuất hiện cao hơn.
- Stress: Tình trạng căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Thiếu vận động thể chất: Rất khó để ước tính được mối tương quan giữa người ít tập thể dục với tình trạng tử vong do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, những người thường xuyên vận động sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch lên đến 50% và khả năng tử vong lên đến 60%, những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ 25%. Thuốc lá sẽ làm tăng huyết áp, làm tăng nhịp tim và làm cho nhịp tim đập bất thường. Các chất nicotin và carbon monoxide cũng gây tình trạng xơ vữa động mạch khiến nhồi máu cơ tim.
- Rượu, bia: Những người nghiện rượu, bia sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn. Nên hạn chế việc sử dụng các thức uống có cồn này và không dùng quá nhiều vào cùng một thời điểm.
- Cholesterol trong máu cao: Làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL-C), tạo ra những mảng bám trên thành mạch máu và bắt đầu quá trình xơ vữa, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
4
Dấu hiệu nhận biết cơn nhồi máu cơ tim
Để có thể thực hiện sơ cứu kịp lúc cho người nhồi máu cơ tim, cần có những triệu chứng mà bạn cần phải lưu ý:
- Đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến nhất, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau sau xương ức hoặc đau ở ngực trái, cảm giác có thể nhẹ nhàng như kiểu đè nặng, nóng rát ở ngực trái hoặc đau mạnh như dao đâm, siết chặt.
Tình trạng có thể lan đến cổ, hàm dưới, vai trái, lan xuống thượng vị nhưng không vượt qua rốn, thường kéo dài trên 20 phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện. Triệu chứng kèm theo là khó thở, buồn nôn và ra mồ hôi.
- Một số bệnh nhân lại không có triệu chứng đau thắt ngực mà chỉ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, khó chịu vùng thượng vị hoặc rối loạn vùng tri giác.
5
Cách sơ cứu khi bị nhồi máu cơ tim
Nếu bạn là bệnh nhân
- Cần bình tĩnh, việc giữ trạng thái bình tĩnh sẽ giúp cho tình trạng thiếu máu cơ tim của bạn không quá trầm trọng, cũng như giúp bạn tỉnh táo xử lý các vấn đề tiếp theo.
- Dừng lại mọi hoạt động, từ từ ngồi xuống hoặc nửa nằm, nửa ngồi ở nơi có thể tựa lưng hoặc tựa đầu để thư giãn, tránh làm việc quá sức khiến tình trạng biến nặng, cởi bỏ cà vạt, áo khoác để cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ thở.
- Liên lạc ngay với trạm vận chuyển cấp cứu 115 để được hỗ trợ tốt nhất, nên nhờ người nhà vận chuyển, không nên tự ý di chuyển đến bệnh viện. Sử dụng thuốc Nitroglycerin bằng cách ngậm hoặc xịt dưới lưỡi hay Aspirin nếu được bác sĩ kê đơn, nếu không, không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào cho đến khi nhân viên y tế đến.
Nếu bạn không phải là bệnh nhân
Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo
- Lập tức liên lạc với 115 để được hỗ trợ.
- Đặt bệnh nhân ngồi xuống hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi. Cởi bớt áo khoác, nới lỏng các phụ kiện như cà vạt, khăn quàng, thắt lưng,... để người bệnh được thoải mái.
- Hỗ trợ người bệnh thả lỏng vai và cánh tay, hít thở đều đặn và nhịp nhàng cho đến khi xe cấp cứu đến nơi. Tuyệt đối không xoa dầu lên ngực bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có mang thuốc theo bên người, cho bệnh nhân sử dụng để cải thiện tình hình.
Trường hợp bệnh nhân hôn mê
- Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi - CPR) cho bệnh nhân, cần được tiến hành ngay lập tức, vì cứ 1 phút chậm trễ sẽ làm giảm 10% cơ hội được cứu sống của bệnh nhân.
- Qùy gối gần người bệnh, chồng 2 tay lên và ép lực vừa phải vào vùng giữa xương ức (lên 10cm tính từ phần lõm cuối xương ức) rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác khoảng 100 lần/phút.
- Kiểm tra trong miệng người bệnh có dị vật hay chất nôn ói, nếu có phải móc sạch ra, ngửa cổ người bệnh sang một bên lúc nôn để tránh bị rơi vào phổi. Ngửa cổ bệnh nhân để có thể dễ dàng hít thở.
6
Cách phòng tránh nhồi máu cơ tim
Để tránh cơ thể mắc các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, cần có những các cách phòng tránh hữu hiệu.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Chăm chỉ vận động và nâng cao sức khỏe hợp lý là một cách phòng tránh vô cùng hữu hiệu, không những cải thiện thể trạng mà còn giúp giảm các nguy cơ gây đột quỵ, tăng huyết áp, giảm tình trạng tử vong do nhồi máu cơ tim.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Ăn uống là một trong những con đường nâng cao sức khỏe đơn giản nhất, ăn uống đúng cách giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, nên ăn nhiều rau củ, trái cây, các loại đậu, cá, ngũ cốc và giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn.
- Tinh thần thoải mái: Việc giữ cho cơ thể luôn có một tâm trạng thoải mái, tránh xa các áp lực tâm lý gây stress cũng là một trong các cách phòng tránh nhồi máu cơ tim.
- Cai thuốc lá và các chất kích thích: Ngưng sử dụng các chất kích thích như đồ uống có cồn và thuốc lá sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc phòng tránh các bệnh về tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp làm giảm các nguy cơ bị xơ vữa động mạch, cần tùy theo độ tuổi mà tìm ra cân nặng phù hợp với bản thân để giúp cơ thể có sức khỏe tốt nhất.
Bài viết trên là những thông tin mà Tip Hay muốn gửi đến cho bạn về phương pháp sơ cứu khi nhồi máu cơ tim. Mong bài viết có thể hữu ích cho bạn và đừng quên theo dõi Tip Hay để có thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!
Nguồn: Tâm Anh Hospital