Phân biệt giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh và táo bón
Giãn ruột sinh lý và táo bón có những triệu chứng khá tương đồng với nhau. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu nhé!
Hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh rất khác biệt so với người trưởng thành. Phần lớn, các chức năng của trẻ còn non nớt và dễ gặp một số vấn đề sức khoẻ khiến cha mẹ lo lắng. Trong đó, mối quan tâm nhất chính là các bệnh lý liên quan đến đường ruột, cụ thể là giãn ruột sinh lý. Nhiều người cho rằng bệnh này rất giống với táo bón. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu rõ hơn về giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh trong bài viết này nhé!
1
Chứng giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Giãn ruột sinh lý thường gặp ở trẻ em từ 2 - 3 tháng tuổi. Đây là tình trạng thể tích ruột của bé tăng lên so với bình thường. Lúc này ruột có khả năng chứa lượng chất thải cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ không có thói quen đi đại tiện mỗi ngày.
2
Những dấu hiệu giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu dễ thấy nhất khi trẻ bị giãn ruột sinh lý chính là không đi ngoài trong nhiều ngày. Thời gian trẻ không đi đại tiện thường xảy ra từ 7 - 10 ngày, thậm chí là 13 - 15 ngày. Tuy nhiên, trẻ vẫn sinh hoạt, vui chơi và ăn uống bình thường.
Nếu trẻ có dấu hiệu đi ngoài thì phân vẫn ở dạng mềm và hơi sệt. Đôi khi, trẻ có thể rặn hoặc gồng mình nhẹ, đỏ mặt hoặc xì hơi nhiều khi vệ sinh. Đây là biểu hiện hoàn toàn bình thường cho thấy cơ thể đang học cách đẩy chất thải ra ngoài.
3
Phân biệt giữa giãn ruột sinh lý và táo bón
Rất nhiều phụ huynh lầm tưởng giãn ruột sinh lý là táo bón. Tuy nhiên, hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Giãn ruột sinh lý thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong giai đoạn giãn ruột sinh lý, dù ít đi đại tiện nhưng trẻ vẫn đi phân mềm, đều màu, ăn ngủ ổn định và không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác.
Ngược lại, trẻ bị táo bón luôn trong tình trạng đi ngoài phân cứng, khô và có màu nâu đen hoặc xanh đen. Việc đi đại tiện trong giai đoạn này cực kì khó khăn. Biểu hiện thường gặp nhất của trẻ bị táo bón chính là đau bụng râm ran và hay xì hơi. Thậm chí, khi đi ngoài thường cảm thấy đau rát hậu môn. Chứng táo bón lâu dài có thể khiến trẻ dễ mắc một số bệnh như trĩ, nhiễm nấm, giãn đại tràng,...
4
Cách chăm sóc giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh
Giãn ruột sinh lý là hiện tượng bình thường và không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của trẻ. Tuy nhiên, những trẻ bị giãn ruột sinh lý cần có chế độ chăm sóc kỹ hơn.
Để giúp trẻ có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và không gặp khó khăn khi đi đại tiện, cha mẹ cần bổ sung lợi khuẩn probiotic và chất xơ vào chế độ ăn của trẻ. Đây là điều kiện để điều hoà nhu động ruột ổn định và ngăn ngừa rối loạn tiêu hoá ở trẻ. Đối với trẻ bú sữa mẹ, mẹ cần bổ sung thêm rau, củ, trái cây vào chế độ ăn hằng ngày để trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Bạn có thể massage bụng cho trẻ theo vòng tròn cùng chiều kim đồng hồ. Sau đó theo chiều dọc từ ngực xuống bụng. Phương pháp này nên thực hiện nơi kín gió và từ 1 - 2 lần/ ngày. Lưu ý không massage bụng khi trẻ đang bú hoặc ăn no.
Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ tắm nước ấm khoảng 35 độ C hoặc chườm ấm bụng. Cách này vừa giúp trẻ cảm thấy thư giãn, vừa hạn chế tình trạng đầy hơi, khó tiêu hoặc táo bón.
Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ nằm ngửa rồi thực hiện động tác đạp xe hoặc đẩy nhẹ hai gối của trẻ lên xuống ngay vùng bụng. Bài tập này có thể làm tăng hoạt động của nhu động ruột và giúp trẻ đi đại tiện dễ hơn.
Vậy giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp cha mẹ hiểu thêm về cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn giãn ruột sinh lý. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn: Vinmec