Niềng răng trong suốt là gì? Ưu, nhược điểm của niềng răng trong suốt
Bạn muốn tìm hiểu về niềng răng trong suốt nhưng chưa biết nhiều về phương pháp này? Vậy thì hãy đọc ngay bài viết sau để tìm hiểu nhé.
Niềng răng trong suốt là một phương pháp niềng răng hiện đại giúp bạn niềng răng mà không cần dùng nẹp kim loại hay mắc cài. Vậy phương pháp này có những ưu và nhược điểm cụ thể là gì? Hãy đọc bài viết dưới đây để biết câu trả lời bạn nhé.
1
Niềng răng trong suốt là gì?
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Khánh Nam - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, niềng răng trong suốt là kỹ thuật niềng răng hiện đại có tính thẩm mỹ cao, vì không dùng mắc cài hay dây kim loại nên người đối diện sẽ khó nhận ra bạn đang niềng răng.
Có 2 loại niềng răng trong suốt phổ biến hiện nay bao gồm: Niềng răng trong suốt Invisalign và niềng răng Clear Aligner. Kỹ thuật Invisalign được ưa chuộng hơn cả vì sự an toàn và tính thẩm mỹ của nó. Xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 1997, đây là phương pháp sử dụng 25 - 40 khay trong suốt khi niềng răng.
Kỹ thuật niềng răng Clear Aligner sản xuất tại Việt Nam sử dụng khay niềng răng và các mắc cài siêu nhỏ trong suốt để điều chỉnh răng mà không cần dùng nẹp niềng răng.
2
Ưu nhược điểm của niềng răng trong suốt
Ưu điểm
- Đem lại hiệu quả cao cho người niềng răng, không cần dùng nẹp niềng răng phức tạp. Một vài trường hợp niềng răng trong suốt mang lại hàm răng đều và thẳng hàng hơn so với phương pháp truyền thống.
- Có tính thẩm mỹ cao, người đối diện sẽ không phát hiện là bạn đang niềng răng.
- Khay niềng răng được làm bằng chất liệu thân thiện, không gây khó chịu cho hàm răng và bên trong má, lưỡi.
- Khay niềng răng có thể tháo lắp dễ dàng để vệ sinh, thuận tiện cho việc ăn uống và chăm sóc răng miệng.
- Đem lại hiệu quả chỉnh nha tốt: Khay niềng răng được sản xuất riêng theo phác đồ điều trị cho từng tình trạng răng khác nhau với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0.
Nhược điểm
- Chi phí niềng răng trong suốt cao hơn so với phương pháp niềng răng truyền thống.
- Bạn cần phải đeo niềng 22 giờ/ ngày để đảm bảo hiệu quả.
- Cần tìm bệnh viện hoặc cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng.
3
Đối tượng niềng răng trong suốt
Đối tượng thích hợp niềng răng trong suốt
Những đối tượng phù hợp để niềng răng trong suốt bao gồm:
- Răng bị hô vẩu: Đây thường là bệnh lý răng miệng bẩm sinh. Những người bị răng hô vẩu có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống do khớp cắn bị sai lệch. Ngoài ra, răng bị hô cũng gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người bị mất tự tin. Giải pháp niềng răng sẽ giúp răng đều và thẳng hàng hơn.
- Răng móm: Răng móm là tình trạng khớp cắn bị ngược khiến xương hàm dưới bị nhô ra phía trước so với xương hàm trên. Điều này gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người bị mất tự tin. Ngoài ra, việc răng móm cũng gây khó khăn khi nhai. Niềng răng răng giúp giải quyết tình trạng này.
- Răng thưa: Răng thưa là khi giữa các răng, đặc biệt là vùng răng cửa xuất hiện các khe hở. Điều này có thể do bị mất răng hoặc kích thước của răng nhỏ hơn so với khung hàm. Người bị răng thưa có thể trám răng, bọc răng sứ hoặc niềng răng để giải quyết tình trạng này.
- Răng khấp khểnh: Vấn đề này xuất hiện khi răng mọc sai vị trí trên khung hàm, răng có thể mọc trồi lên, thụt vào hoặc chen chúc nhau. Đối với tình trạng này, niềng răng trong suốt sẽ là giải pháp tối ưu.
Có nhiều đối tượng phù hợp để niềng răng trong suốt, tuy nhiên những trường hợp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo bởi vấn đề về răng của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ tư vấn, đánh giá mức độ cụ thể, khả năng có thể niềng răng hay không và có phác đồ niềng răng phù hợp.
Đối tượng không thích hợp niềng răng trong suốt
Những người bị răng hô và móm quá nhiều, răng mọc lệch lạc phức tạp,... là những đối tượng không thích hợp để niềng răng. Nhìn chung, niềng răng trong suốt chỉ phù hợp với những người bị hô, móm, răng mọc khấp khểnh,... ở mức độ nhẹ.
4
Một số câu hỏi thường gặp
Niềng răng trong suốt có đau không?
Niềng răng trong suốt sử dụng bộ khay trong suốt để điều chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định niềng răng mắc cài và trong suốt đều có thể gây ra một chút đau nhức và khó chịu do kích thước của bộ khay dùng để nắn chỉnh răng.
Tuy nhiên, cảm giác đau chỉ ở mức độ nhẹ và không gây ảnh hưởng đến xương hàm, nướu và răng.
Niềng răng trong suốt có giá bao nhiêu?
Tùy vào tình trạng răng của mỗi bệnh nhân mà mức giá niềng răng trong suốt sẽ khác nhau. Về cơ bản, mức giá niềng răng trong suốt dao động từ 60 - 120 triệu/ ca niềng. Giá niềng răng trong suốt trung bình cao gấp 3 - 5 lần so với niềng răng phương pháp truyền thống.
Nếu thấy giá quá đắt, bạn có thể tham khảo dịch vụ “niềng răng trả góp” giúp bạn có cơ hội niềng răng mà không lo về chi phí.
Bài viết trên đây vừa giới thiệu đến bạn những thông tin cơ bản về niềng răng trong suốt và những ưu nhược điểm của phương pháp niềng răng này. Hãy thường xuyên ghé thăm trang web của Tip Hay để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích bạn nhé.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec