Niềng răng là gì? Lợi ích, chi phí và đối tượng niềng răng
Bạn đã bao giờ nghe về phương pháp niềng răng và thắc mắc nó là gì? Lợi ích, chi phí và đối tượng của niềng răng là ai? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu ngay nhé!
Niềng răng là giải pháp giúp hàm răng của bạn trở nên đẹp hơn. Hiện nay, phương pháp làm đẹp này ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn. Vậy phương pháp này là gì mà lại lợi ích như vậy? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây ngay nào!
1
Niềng răng là gì?
Niềng răng là gì?
Niềng răng (hay chỉnh nha) là phương pháp giúp dịch chuyển răng bằng cách sử dụng các khí cụ để nắn chỉnh răng, đưa răng về vị trí chuẩn khớp cắn và giúp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho người bệnh.
Lợi ích của niềng răng
- Mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
- Cải thiện những khó khăn trong quá trình ăn uống.
- Không cần tốn tiền trồng răng giả.
- Phòng ngừa sớm những vấn đề có liên quan đến răng miệng ở trẻ nhỏ.
- Khắc phục được các nhược điểm về phát âm.
Đối tượng nào nên niềng răng?
Niềng răng là phương pháp an toàn, phù hợp với các đối tượng khác nhau như:
- Răng hô, chìa ra ngoài, khớp cắn sâu.
- Răng móm, khớp cắn ngược.
- Răng mọc lệch, lộn xộn, chen chúc.
- Răng mọc hở và thưa.
Hạn chế của niềng răng
- Gây cảm giác khó chịu ban đầu: Những người mới đeo niềng thường cảm thấy khó chịu trong thời gian đầu vì chưa quen. Tuy nhiên cảm giác này sẽ giảm dần theo thời gian.
- Có nguy cơ bị sâu răng: Trong quá trình vệ sinh răng miệng, nếu không biết vệ sinh đúng cách sẽ dẫn đến hiện tượng sâu răng.
- Cảm giác đau nhức ở hàm: Vì trong quá trình niềng răng, việc chuyển dịch răng, hàm có sự thay đổi để phù hợp với răng, có thể gây đau.
- Niêm mạc bị tổn thương: Việc gắn mắc cài và dây cung trực tiếp lên răng trong quá trình niềng sẽ kích thích lên niêm mạc miệng, tạo cảm giác khó chịu.
- Làm chết tủy răng: Trường hợp niềng răng sai kỹ thuật, khiến răng bị nghiêng, lung lay và không thẳng hàng. Khi chịu tác động của dây cung và mắc cài, chân răng sẽ bị viêm, dẫn đến chết tủy răng.
- Chứng cứng liền khớp: Xảy ra trong trường hợp chân răng tích hợp vào xương. Trường hợp này rất hiếm gặp và nếu bác sĩ không chụp X-quang trước khi chỉnh nha thì sẽ rất khó dự đoán được chính xác.
- Gây biến dạng khuôn mặt: Trong giai đoạn dậy thì, xương hàm phát triển dẫn đến gương mặt dễ thay đổi, nếu không cẩn thận trong quá trình niềng thì có thể gây biến dạng khuôn mặt. Tình trạng biến dạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều nếu những bạn có khuôn mặt bị lệch mà bác sĩ vẫn chỉ định niềng.
2
Các phương pháp niềng răng phổ biến hiện nay
Niềng răng bằng mắc cài kim loại
Niềng răng bằng mắc cài kim loại là phương pháp truyền thống, được đánh giá cao về tính hiệu quả. Mắc cài (làm từ chất liệu hợp kim không gỉ Niken - Titanium) và dây cung sẽ được gắn lên răng, cố định trong rãnh mắc cài, có dây thun buộc.
Ưu điểm
- Chi phí rẻ nhất trong các phương pháp niềng răng.
- Mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn.
- Dây cài đa dạng màu sắc, phù hợp với trẻ nhỏ.
Nhược điểm
- Tính thẩm mỹ không cao.
- Trong quá trình niềng, cần tránh để đồ ăn mắc vào các dây cài.
- Có thể gây kích ứng với một số người bị dị ứng với kim loại.
Niềng răng bằng mắc cài sứ
Niềng răng bằng mắc cài sứ cũng tương tự với phương pháp niềng kim loại, chỉ khác chất liệu mắc cài sứ (làm từ chất liệu sứ cao cấp) và màu mắc cài giống với màu của răng thật.
Ưu điểm
- Có tính thẩm mỹ cao.
- Dây cài có độ đàn hồi tốt.
- Chất liệu sứ có khả năng chịu lực tốt, khó bị phá vỡ.
Nhược điểm
- Chi phí cao hơn so với niềng răng bằng mắc kim loại.
- Thời gian kéo dài.
- Phần chân đế xung quanh mắc cài có thể bị ố vàng nếu vệ sinh không đúng cách.
Niềng răng mặt trong
Niềng răng mặt trong (niềng răng mặt lưỡi) giống mắc cài mặt ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này gắn mắc cài ở bên trong.
Ưu điểm
Có tính thẩm mỹ cao, trong quá trình nói chuyện sẽ khó nhận ra.
Nhược điểm
- Giá thành tương đối cao.
- Thời gian đeo niềng lâu hơn phương pháp khác.
- Việc vệ sinh khó hơn bình thường.
- Đòi hỏi bác sĩ có tay nghề, trình độ cao.
Niềng răng trong suốt
Niềng răng trong suốt là phương pháp sử dụng nhựa y tế trong suốt (Invisalign), được thiết kế theo khuôn mặt để ôm vừa khít răng và tăng tính hiệu quả. Đây là phương pháp niềng răng chất lượng cao nhất, không cần dùng đến nẹp niềng răng.
Ưu điểm
- Có thể dễ dàng tháo lắp, tạo cảm giác tiện lợi và thoải mái.
- Dễ dàng trong quá trình vệ sinh.
- Có tính thẩm mỹ cao, trong quá trình nói chuyện sẽ khó bị phát hiện.
Nhược điểm
- Chi phí cao nhất trong các loại chỉnh nha.
- Khi mới thay khay có thể gây khó khăn trong việc vệ sinh, ăn uống.
3
Quy trình niềng răng
Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chụp X-quang để kiểm tra tình trạng răng và xương hàm của từng người, xác định mức độ sai lệch của răng đồng thời phát hiện ra các bệnh lý răng miệng nếu có.
Sau khi khám tổng quát, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng để nghiên cứu kỹ hơn về tình trạng răng của bệnh nhân. Sau đó đưa ra kết luận và tư vấn phác đồ điều trị cũng như thời gian và chi phí cụ thể, thích hợp.
Sau khi xây dựng bộ mắc cài riêng cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành gắn mắc cài cố định trên thân răng bằng keo dán nha khoa. Điều này giúp mắc cài không bị dịch chuyển ra khỏi vị trí khi kéo chỉnh bằng dây cung.
Khoảng 1 tháng thì bệnh nhân sẽ quay lại tái khám với bác sĩ 1 lần để bác sĩ điều chỉnh lại dây cung và mắc cài cho hợp lý. Trong giai đoạn này, người bệnh cần tuân thủ thời gian tái khám để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha tốt nhất.
Khi răng đã có sự ổn định và theo đúng định hướng ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành gỡ mắc cài, dây cung. Tuy nhiên, để duy trì kết quả sau niềng, bệnh nhân sẽ được chỉ định đeo hàm duy trì thường xuyên để đảm bảo răng không bị chạy trở lại vị trí ban đầu.
4
Chi phí niềng răng
Mỗi cơ sở nha khoa sẽ có bảng giá quy định mức giá cụ thể. Ngoài ra, mỗi phương pháp niềng răng có những ưu và nhược điểm khác nhau cũng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến chi phí niềng răng. Dưới đây là bảng giá chi phí của mỗi phương pháp niềng răng, lưu ý đây chỉ là mức giá tham khảo thôi nhé.
- Niềng răng mắc cài kim loại: Khoảng 30.000.000 - 55.000.000 đồng cho 2 hàm.
- Niềng răng mắc cài kim loại tự đóng: Khoảng 45.000.000 - 60.000.000 đồng cho 2 hàm.
- Niềng răng mắc cài sứ: Khoảng 45.000.000 - 60.000.000 đồng cho 2 hàm.
- Niềng răng mắc cài sứ tự đóng: Khoảng 48.000.000 - 68.000.000 đồng cho 2 hàm.
- Niềng răng mắc cài trong suốt: Khoảng 80.000.000 - 130.000.000 đồng cho 2 hàm.
Ngoài ra còn có chi phí hàm duy trì:
- Hàm duy trì (tháo lắp): Khoảng 1.800.000 - 3.000.000 đồng cho 2 hàm.
- Hàm duy trì (cố định): Khoảng 1.800.000 đồng.
5
Cách chăm sóc sau khi niềng răng
Chăm sóc răng miệng trong giai đoạn niềng răng là vấn đề rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo bài viết những lưu ý chăm sóc răng miệng khi niềng răng để biết những lưu ý về quá trình chăm sóc răng miệng sau khi niềng răng nhé.
Trên đây là toàn bộ thông tin tổng quan về phương pháp niềng răng, lợi ích, chi phí cũng như đối tượng nên niềng răng. Hy vọng bài viết cung cấp đủ thông tin cần thiết để bạn có thể tham khảo và lựa chọn phương pháp niềng răng phù hợp.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở y tế tỉnh Bình Dương