Những lưu ý giúp củ kiểu luôn giòn ngon ngày Tết
Nếu ngoài Bắc bộ đôi thịt mỡ – dưa hành gắn liền với Tết thì ở trong Nam có thịt kho tàu và củ kiệu muối chua. Thậm chí nhiều người còn cho rằng nếu không có củ kiệu thì chưa thấy Tết về. Vậy nên hãy lưu ý khi làm củ kiệu này để Tết được trọn vẹn nhé.
Cứ mỗi dịp Xuân về, củ kiệu luôn được xem như “thần dược” giải ngán sau khi ăn vài miếng bánh Tét, dăm ba thịt mỡ, vì vậy, chúng thường được muối chua để mọi người ăn ngon miệng hơn. Kiệu có vị cay – đắng, tính ôn, hành khí, giảm đau, an thai, lợi tiểu và còn nhiều công dụng khác tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, chúng còn tượng trưng cho sự hưng vượng, tiền bạc và vinh hoa phú quý trong năm mới nữa đó. Dù đơn giản nhưng không phải ai cũng biết làm củ kiệu sao cho đúng cách, do đó, hãy lưu ý thật kỹ khi chế biến chúng nha.
1
Chọn củ kiệu
Chọn kiệu nên chọn những củ tròn, cứng cáp và có mùi thơm nồng, hơi cay đặc trưng. Khi cắt thì phải cắt cả phần đầu (rễ) và đuôi. Bạn cũng lưu ý không nên cắt phần đầu vào quá sâu, chỉ cắt ở gốc rễ, nếu không kiệu sẽ bị ngấm nước dễ ủng mà mất đi vị giòn ngon vốn có. Tiếp theo, đem ngâm chúng vào nước muối hoặc nước đá để khiến kiệu trở nên giòn hơn.
2
Phơi củ kiệu
Để có được món dưa kiệu chua ngọt và không bị hăng thì khâu sơ chế là một trong những khâu khá kỳ công và rất quan trọng. Bí quyết để kiệu luôn được trắng giòn, không hăng cũng như không bị ủng chính là nằm ở bước phơi nữa đó.
Khi phơi kiệu, nếu thời tiết không như mong muốn hoặc vào mùa đông thường có ít nắng thì các bạn có thể phơi trong bóng mát, ở những nơi nhiều gió và phơi khoảng 2 ngày để củ kiệu khô héo bằng gió tự nhiên. Còn nếu phơi dưới nắng thì chỉ cần phơi 1 ngày thôi nhé. Tuy nhiên, bạn cũng nên thường xuyên thăm chừng để không phơi quá lố, chỉ để chúng héo vừa phải tránh khiến lượng nước trong kiệu rút hết, bị dai và mất độ giòn.
3
Dùng giấm ngâm
Còn nếu bạn có dùng giấm trong công thức thì nên dùng giấm nuôi thay vì giấm gạo hoặc giấm công nghiệp để món dưa kiệu có vị chua vừa phải và dễ ăn hơn nhé. Hơn nữa, khi sử dụng giấm gạo, nếu để lâu dưa kiệu sẽ bị vàng và không được trắng giòn bắt mắt như giấm nuôi.
4
Khi muối củ kiệu
Khi muối, cần chú ý để kiệu ngập hết trong nước dùng để kiệu được trắng đều. Không nên muối quá lâu dẫn đến tình trạng kiệu chua quá, ăn không ngon. Còn nếu thực hiện theo cách muối kiệu chua ngọt thì nhớ rắc đường và kiệu theo từng lớp xen kẽ nhé.
Trong lúc ngâm giấm, thỉnh thoảng hãy dùng tay đảo nhẹ nhàng liên tục để củ kiệu thấm đều và nhanh hơn. Và nhớ không nên ngâm quá lâu vì nó có thể bị thấm mặn quá đấy.
5
Chọn lọ muối kiệu
Bạn nên muối kiệu trong lọ thủy tinh, tránh sử dụng hũ nhựa vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm mất vị ngon của kiệu muối. Ngoài ra, nên để ở nơi có nhiệt độ vừa phải, không cao quá khiến ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Hi vọng qua bài viết trên đây, các bạn sẽ chú ý hơn trong quá trình làm củ kiệu của mình nhé. Chẳng phải sơn hào hải vị nhưng lại chẳng thể thiếu trong mâm cơm người Việt. Đặc biệt, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, bát kiệu trắng thơm, giòn ngọt vẫn hiện hữu làm đậm đà thêm sắc màu xứ sở quê hương.