Những dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai mà bạn cần lưu ý
Khi bấm lỗ tai, xỏ khuyên tai nếu vi khuẩn xâm nhập sẽ gây nhiễm trùng. Tìm hiểu những dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai mà bạn cần lưu ý nhé!
Bấm lỗ tai, xỏ lỗ tai không còn quá xa lạ với nhiều người, đây là một thủ thuật nhỏ được nhiều bạn trẻ áp dụng ngày nay. Tuy nhiên, những vết thương hở nếu bị vi khuẩn xâm nhập có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu những dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai mà bạn cần biết để xử trí kịp thời nhé!
1
Các vị trí bấm lỗ tai dễ bị nhiễm trùng
Hiện nay, cách bấm lỗ tai phổ biến được áp dụng ở 2 khu vực chính là: xuyên qua dái tai và xuyên qua sụn ở vành tai. Với mỗi vị trí bấm lỗ tai sẽ có nguy cơ nhiễm trùng và tốc độ hồi phục cũng khác nhau.
Đối với dái tai, phần có nhiều mỡ và thịt, máu lưu thông ở vị trí này cũng nhiều nên khi bấm lỗ tai sẽ nhanh lành hơn, ít bị nhiễm trùng. Ngược lại, ở vị trí vành tai đa số là sụn nên có lượng máu lưu thông kém, nguy cơ nhiễm trùng vì thế cũng cao hơn.
2
Dấu hiệu nhiễm trùng khi bấm lỗ tai
Đa số khi mới bấm lỗ tai, xỏ khuyên tai đều sẽ có dấu hiệu bị đau nhẹ, sưng tấy và đỏ và đây là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện những dấu hiệu sau thì nguy cơ cao đã bị nhiễm trùng:
- Có mủ, dịch màu vàng đục, vàng xanh chảy ra từ lỗ xỏ khuyên và có mùi hôi khó chịu. Tình trạng này xuất hiện từ 3-4 ngày sau khi bấm lỗ tai.
- Cơ thể nóng sốt
- Xung quanh lỗ xỏ khuyên bị ngứa, đỏ, ấm và sưng tấy không thuyên giảm trong nhiều ngày.
- Đau ở dái tai hoặc sụn nơi bấm lỗ.
Khi bị nhiễm trùng, nếu không được điều trị sớm có thể diễn biến nặng hơn, gây hình thành áp xe, viêm màng sụn, nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Bạn nên đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng trên và các dấu hiệu sau:
- Cảm thấy ớn lạnh.
- Chảy mủ màu vàng và mùi hôi
- Khuyên tai bị kẹt trong tai.
3
Nguyên nhân nhiễm trùng khi bấm lỗ tai
Lí do bị nhiễm trùng là do vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở ở lỗ xỏ khuyên. Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nếu gặp phải các trường hợp sau:
- Thực hiện xỏ lỗ tai, bấm lỗ tai ở môi trường và vật dụng không đảm bảo vệ sinh, khử trùng sạch.
- Thường xuyên chạm vào vị trí bấm lỗ tai bằng tay bẩn.
- Không làm sạch lỗ xỏ mỗi ngày.
- Tháo khuyên tai trước khi lỗ xỏ khuyên lành lại.
- Có thói quen bơi, ngâm mình trong hồ bơi, ao hồ, bồn nước nóng trước khi lỗ xỏ lành lặn hoàn toàn.
Ngoài ra, một số đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng lỗ tai cao hơn người bình thường:
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người mắc bệnh tim mạch
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu như mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch,…
4
Nên làm gì khi bấm lỗ tai bị nhiễm trùng?
Ngay khi phát hiện lỗ xỏ khuyên bị nhiễm trùng thì bạn nên đi khám để được bác sĩ điều trị kịp thời. Bạn có thể vệ sinh khi bấm lỗ dái tai bằng nước muối sinh lý vô trùng theo các bước sau:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Dùng nước muối vô trùng để vệ sinh xung quanh lỗ xỏ khuyên 3 lần/ngày. Đặt bông đã ngấm nước muối lên vùng nhiễm trùng.
- Nhẹ nhàng lau khô bằng gạc sạch hoặc khăn sạch, tránh các loại giấy hay bông để lại xơ nơi lỗ xỏ.
- Bôi một lượng nhỏ kem kháng sinh không kê đơn để bôi lên vị trí tai nhiễm trùng theo lời khuyên của bác sĩ.
Lưu ý không nên tháo khuyên rời khỏi tai vì sẽ làm lỗ xỏ bít lại và hình thành áp xe.
5
Cách phòng ngừa nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai
- Nên đeo khuyên tai đến khi vết khuyên này lành lặn hoàn toàn.
- Không nên đưa tai chạm vào dái tai hoặc sụn, nếu có thì nên rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn.
- Vệ sinh lỗ xỏ khuyên mỗi ngày và thấm khô nhẹ nhàng.
- Nhẹ nhàng xoay khuyên tai hàng ngày sau khi bôi thuốc mỡ kháng sinh.
- Thoa thuốc mỡ kháng sinh lên vùng da đó mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu bị nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai và cách phòng ngừa. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn!
Nguồn: Hellobacsi.com