Những cách bảo vệ phổi của trẻ khi chỉ số ô nhiễm tăng cao
Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, khi đó trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Tham khảo những cách bảo vệ phổi của trẻ khi chỉ số ô nhiễm tăng cao.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của mọi đối tượng. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh về đường hô hấp nhất và dễ bệnh nặng hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Dưới đây là bài viết đề cập đến những cách giúp bảo vệ phổi của trẻ khi chỉ số ô nhiễm tăng cao mà bất kỳ phụ huynh nào cũng nên biết.
1
Giữ cho không khí trong nhà luôn an toàn
Trẻ nhỏ dành phần lớn thời gian mỗi ngày ở trong nhà, do đó việc giữ cho không khí trong nhà luôn an toàn sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của con hiệu quả.
Trong nhà có nhiều nguồn tác nhân gây ô nhiễm không khí mà bạn cần quan tâm như:
- Khói thuốc lá chứa nicotine
- Hóa chất làm sạch chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs)
- Lò sưởi và bếp đốt củi thải ra các hạt mịn và khí độc hại như carbon monoxide
- Chất khử mùi và hương liệu thường chứa VOCs và hóa chất tổng hợp khác
- Nấm mốc và vi khuẩn
- Phấn hoa và các hạt gây dị ứng
- Vật liệu xây dựng và nội thất có thể thải ra formaldehyde và các hóa chất độc hại.
- Chất đuổi côn trùng chứa hóa chất độc hại
- Khí radon không màu, không mùi từ đất
Dưới đây là những cách giúp giữ cho không khí trong nhà luôn an toàn:
- Hạn chế hút thuốc trong nhà, nơi gần trẻ em sinh hoạt.
- Ưu tiên sử dụng nhiên liệu sạch để nấu ăn, sưởi ấm.
- Luôn nấu ăn ở khu vực thông gió
- Tránh sử dụng đèn dầu hoặc bếp nấu sử dụng dầu hỏa
- Hạn chế sử dụng hoặc đốt các loại mùi nhân tạo
- Dùng thiết bị có chức năng lọc bụi mịn, nấm mốc
- Đóng cửa trong những ngày chất lượng không khí kém
2
Thường xuyên theo dõi chỉ số không khí ngoài trời
Thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí ngoài trời nhằm giữ trẻ trong nhà mỗi khi ô nhiễm nghiêm trọng cũng là một cách giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Tham khảo thêm:
Chỉ số chất lượng không khí AQI là gì? Ảnh hưởng của AQI đến sức khỏe
3
Vệ sinh đường hô hấp và giữ gìn vệ sinh cá nhân
Cha mẹ nên dạy trẻ biết cách tự vệ sinh và chăm sóc cá nhân tốt bằng việc rửa tay trước và sau khi ăn, che miệng mỗi khi ho, hắt hơi. Ngoài ra, việc vệ sinh mũi họng cho trẻ với nước muối sinh lý mỗi ngày cũng giúp trẻ tránh xa nguy cơ mắc bệnh hô hấp hiệu quả.
Tuy vậy, cha mẹ không nên lạm dụng việc rửa mũi thường xuyên để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
4
Đeo khẩu trang khi ra ngoài
Đừng quên đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài, nhất là khi không khí bị ô nhiễm. Tốt nhất nên chọn loại khẩu trang N95 có thể lọc được bụi mịn hiệu quả.
5
Tránh để trẻ hút thuốc thụ động
Hút thuốc lá thụ động có thể gây nguy hiểm đối với phổi đang phát triển của trẻ, làm kích hoạt các cơn hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp và một số bệnh hô hấp khác.
Nếu con bạn thường xuyên bị ho, khó thở, viêm tai,...hãy để ý xem con bạn có thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc không nhé!
6
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học
Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà cả sức khỏe tổng thể cũng cải thiện. Nên bổ sung một số thực phẩm tốt cho phổi của trẻ như: trái cây nhiều vitamin C, rau xanh, cá giàu omega 3,...
Trên đây là một số biện pháp giúp bảo vệ phổi cho trẻ khi chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của trẻ tốt nhất!
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam