Nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung sau sinh mà mẹ nào cũng nên biết
Sa tử cung là một căn bệnh thường thấy ở nhiều phụ nữ sau sinh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung mà mẹ cần phải biết.
Sa tử cung sau sinh là tình trạng tử cung yếu đi, có thể lọt vào âm đạo (ống sinh), tạo ra cục u hoặc sờ thấy ở ngoài âm đạo. Hôm nay, mẹ hãy cùng Tip Hay tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung nhé!
1
Sa tử cung sau sinh có nguy hiểm không?
Sa tử cung sau sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ. Ngược lại, bệnh khi không xử lý kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
- Loét âm đạo: Khi tử cung của mẹ trượt xa ra khỏi bên ngoài âm đạo, tình trạng này sẽ khiến tử cung bị nhiễm trùng hay nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến loét âm đạo.
- Sa cơ quan vùng chậu: Sa tử cung có thể ảnh hưởng xấu đến các cơ quan vùng chậu như trực tràng, bàng quang,... và từ đó dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.
2
Nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung sau sinh
Nguyên nhân dẫn đến sa tử cung sau sinh
Ngay cả sinh mổ hay sinh tử nhiên, cơ quan vùng chậu của phụ nữ đều sẽ trở nên suy yếu do quá trình mang thai đã tạo áp lực lên cơ sàn chậu, cơ và dây chằng đều bị kéo căng, đồng thời hormone thai kỳ cũng khiến vùng cơ này trở nên đàn hồi quá mức, vượt qua giới hạn phục hồi của cơ.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể khiến phần tử cung của mẹ bị sa xuống như:
- Mẹ sinh khó hoặc quá trình chuyển dạ diễn ra trong thời gian dài.
- Quá trình sinh tự nhiên phức tạp với nhiều rặn, rách và các nơi sử dụng kẹp.
- Xuất hiện mô sẹo và dây thần kinh sàn chậu bị tổn thương sau khi sinh con.
- Mẹ bị suy nhược toàn thân cơ thể sau sinh.
- Mẹ sinh non hoặc sinh con nặng ký qua đường âm đạo nhiều lần.
- Mẹ ít vận động sau sinh hoặc làm việc quá sức, không có phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Dấu hiệu sa tử cung sau sinh
Nhìn chung, sa tử cung nhẹ thường không có triệu chứng nào rõ ràng. Tuy nhiên, ở mức độ nặng hơn, tình trạng này sẽ gây áp lực lên ruột, bàng quang và những cơ quan vùng chậu khác, trong đó một số dấu hiệu có thể điểm qua như:
- Mẹ cảm thấy nặng nề, có áp lực trong vùng xương chậu.
- Mẹ bị đau bụng hoặc đau ở vùng xương chậu, lưng dưới.
- Xuất hiện khí hư có màu trắng loãng hoặc nhầy như nước mũi, đôi khi còn kèm theo tình trạng chảy máu âm đạo.
- Vùng bàng quang thường xuyên bị nhiễm trùng.
- Cảm thấy đau đớn khi quan hệ tình dục.
- Thường bị táo bón, ngoài ra còn xuất hiện những vấn đề về tiểu tiện như: tiểu không tự chủ; nhu cầu muốn đi tiểu trở nên thường xuyên hơn; hay đột ngột muốn đi tiểu, nhất là mỗi lần cười hoặc hắt hơi,...
3
Cần phải làm gì khi có dấu hiệu sa tử cung sau sinh?
Khi gặp phải tình trạng này, mẹ nên đến thăm khám tại bệnh viện để nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên môn. Trong đó, nếu dấu hiệu sa tử cung nhẹ, mẹ có thể giảm triệu chứng bệnh bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật như:
- Thực hiện bài tập Kegel, từ đó giúp tăng cường sức mạnh vùng cơ xương chậu.
- Duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh bị thừa cân để không gây áp lực lên ổ bụng.
- Sử dụng liệu pháp estrogen ở dạng kem, viên estrogen âm đạo, vòng nâng tử cung qua đường âm đạo,...
- Hạn chế khiêng vác đồ vật nặng.
Ngoài ra, với các trường hợp nặng như nhiễm trùng, viêm loét,... mẹ sẽ được bác sĩ đề xuất phẫu thuật và đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp, từ đó giúp giảm triệu chứng, bảo vệ tử cung cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát.
Trên đây là nguyên nhân và dấu hiệu sa tử cung mà mẹ nên biết. Hy vọng với bài viết này của Tip Hay, mẹ sẽ có thể có những phương pháp điều trị tình trạng này thích hợp, từ đó giúp phục hồi sức khỏe sau sinh nhanh chóng hơn nhé!