Nguyên nhân gây vỡ giọng và cách phòng ngừa vỡ giọng
Vỡ giọng là hiện tượng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng ngừa vỡ giọng trong bài viết hôm nay nhé!
Trường hợp bị vỡ giọng nói ở tuổi dậy thì hoặc dù đã qua độ tuổi dậy thì không còn là điều hiếm gặp hiện nay. Tại sao lại xảy ra trường hợp bị vỡ giọng? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết ngày hôm nay của Tip Hay!
1
Các cấu trúc hình thành nên giọng nói
Cấu trúc hình thành nên giọng nói là sự kết hợp giữa các yếu tố:
-
Không khí được đẩy ra từ phổi
-
Sự rung động của dây thanh trong cổ họng
-
Hoạt động của các nhóm cơ bên trong và xung quanh thanh quản
-
Khi nói chuyện, ca hát,...thì cơ thanh quản sẽ đóng - mở và siết chặt - nới lỏng
2
Các nguyên nhân gây vỡ giọng
Dậy thì
Dậy thì là một trong những nguyên nhân chính và thường gặp nhất gây ra tình trạng vỡ giọng. Nếu bạn bị vỡ giọng ở giai đoạn tuổi dậy thì thì không nên lo lắng, vì đây là điều bình thường của cơ thể. Lúc này do các hormone sinh trưởng của cơ thể tiết ra nhiều, sẽ dẫn đến việc dây thanh quản có những thay đổi nhất định như dày hơn và lớn hơn.
Đẩy giọng lên cao quá hay thấp quá
Cử động của các cơ thanh quản có thể khiến cao độ giọng nói của bạn được đẩy lên cao hoặc xuống thấp. Tuy nhiên các cơ này chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi có sự luyện tập và được thực hiện chậm rãi. Nếu bạn sử dụng cơ thanh quản để lên cao giọng hoặc đẩy giọng xuống thấp một cách đột ngột thì các cơ này sẽ bị căng cứng và dẫn đến tình trạng vỡ giọng tạm thời.
Thiếu nước
Dây thanh quản của bạn cần được giữ ẩm để có thể di chuyển và hoạt động trơn tru. Nếu không được bổ sung đủ nước thì dây thanh quản sẽ không thể hoạt động hiệu quả và từ đó làm cho giọng nói của bạn trở nên không rõ ràng cũng như bị vỡ giọng.
Tổn thương dây thanh quản
Tình trạng tổn thương dây thanh quản diễn ra khi dây thanh quản hoạt động với công suất cao trong thời gian dài như khi bạn hát, nói to,...Ngoài ra, dây thanh quản cũng có thể bị tổn thương do sự trào ngược axit dạ dày hay viêm xoang, sự tổn thương của dây thanh quản sẽ khiến bạn bị vỡ giọng và khó khăn trong việc nói chuyện một cách bình thường.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là hiện tượng dây thanh quản hoặc các cơ thanh quản bị viêm, có thể do virus gây ra hoặc do bạn nói quá nhiều. Viêm thanh quản sẽ khiến cho giọng nói của bạn bị vỡ và trở nên khó nghe đồng thời cũng sẽ khiến bạn đau khi nói chuyện.
Căng thẳng
Tình trạng lo lắng và căng thẳng có thể khiến các cơ thanh quản bị căng cứng, điều này sẽ khiến cho các cơ không thể di chuyển một cách tự do được và khiến giọng nói của bạn không thể thoát ra như bình thường và bị vỡ.
3
Nên làm gì khi bị vỡ giọng?
Nếu bạn bị vỡ giọng không phải do đang ở độ tuổi dậy thì, bạn có thể tham khảo một số cách sau để làm giảm và hạn chế được tình trạng vỡ giọng nhé!
-
Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giữ cho vùng cổ họng và thanh quản của bạn có độ ẩm nhất định. Điều này sẽ giúp các cơ thanh quản hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.
-
Tránh việc thay đổi cao độ khi nói đột ngột như lên quá cao hoặc xuống quá thấp, khiến cho dây thanh quản bị tổn thương do không kịp thích nghi.
-
Nên tập các bài tập hít thở để kiểm soát âm lượng giọng nói phát ra, đồng thời tăng sức chứa của phổi.
-
Có thể sử dụng các loại thuốc ho hay thuốc viên ngậm để làm giảm các triệu chứng đau hay sưng viêm ở thanh quản.
4
Cách phòng ngừa vỡ giọng
Để phòng ngừa vỡ giọng thì bạn cần thay đổi một số thói quen xấu cũng như thực hiện các biện pháp như:
-
Hạn chế hoặc ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá chứa nhiều chất hóa học độc hại có thể làm tổn thương đến cổ họng và thanh quản của bạn.
-
Giảm căng thẳng: Tình trạng căng thẳng liên tục có thể làm cho dây thanh quản của bạn trở nên bị căng cứng và không hoạt động trơn tru. Bạn cần giữ cho cơ thể tâm trạng được thoải mái và thư giãn để dây thanh quản có thể hoạt động một cách bình thường.
-
Học cách kiểm soát giọng nói: Bạn có thể nhờ các chuyên gia về giọng nói tư vấn hoặc tự học các phương pháp để kiểm soát giọng nói của bản thân để có một giọng nói ổn định nhất.
Qua bài viết ngày hôm nay của Tip Hay, hy vọng bạn đã biết được nguyên nhân gây nên tình trạng vỡ giọng ở chúng ta, cũng như cách để ngăn ngừa tình trạng vỡ giọng xảy ra. Hãy bảo vệ giọng nói của mình thật tốt thông qua những thói quen tốt, đồng thời hạn chế và thay đổi các thói quen xấu có thể làm ảnh hưởng đến giọng nói của bạn nhé!
Nguồn: youmed.vn