Nguyên nhân dây thun niềng răng bị vàng và cách ngăn ngừa
Dây thun niềng răng ố vàng là tình trạng thường gặp của nhiều người khi niềng răng. Vậy nguyên nhân do đâu? Làm sao ngăn ngừa? Cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
Dây thun niềng răng bị vàng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm vệ sinh răng miệng sai cách, dùng cà phê, trà hay nước ngọt có ga thường xuyên,... Cùng Tip Hay tìm hiểu nguyên nhân và cách ngăn ngừa, cải thiện tình trạng dây thun niềng răng bị vàng qua bài viết sau nhé!
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1
Nguyên nhân dây thun niềng răng bị vàng
Ăn uống thực phẩm sẫm màu
Do được làm từ cao su nên dây thun niềng răng rất dễ bị ố vàng, xỉn màu khi người dùng sử dụng thường xuyên những thực phẩm có màu sẫm như nghệ tươi, củ dền, nước tương, cà chua, trà, cà phê, rượu vang, nước ngọt,...
Vệ sinh răng miệng sai cách
Việc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách trong quá trình niềng răng cũng là một nguyên nhân khiến dây thun bị vàng đi. Bên cạnh đó, vệ sinh không đúng cách sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám từ thức ăn thừa còn sót lại, từ đó tạo điều kiện cho sự sinh trưởng của vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu,...
Niềng răng ở địa chỉ nha khoa kém chất lượng
Việc vô tình niềng răng ở những địa chỉ nha khoa không uy tín, kém chất lượng có thể dẫn đến tình trạng dây thun bị xỉn màu nhanh chóng do bạn không thể biết được nguồn gốc chính xác và độ an toàn của dây thun. Ngoài ra, niềng răng ở những cơ sở này còn ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe răng miệng.
Thường xuyên hút thuốc lá
Một nguyên nhân khác khiến dây thun niềng răng bị ố vàng là hút thuốc lá thường xuyên. Trong thành phần của thuốc lá có chứa nicotine, khi tiếp xúc với oxy trong không khí, lâu dần sẽ gây ra hiện tượng xỉn màu ở dây thun. Ngoài ra, chất này còn gây hại cho các cơ quan quan trọng khác như tim, phổi, dạ dày,…
2
Dây thun niềng răng bị vàng có ảnh hưởng gì không?
Trên thực tế, dây thun niềng răng bị ngả vàng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ khá nhiều. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ có thể dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm mỗi khi giao tiếp.
Mặt khác, khi dây thun ố vàng do mảng bám còn sót lại từ thức ăn thì có thể làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu hay viêm nha chu,... Hậu quả của việc này là làm gián đoạn quá trình niềng răng và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả niềng răng.
3
Nên làm gì khi dây thun niềng răng bị vàng?
Thay dây thun mới
Ngoài vấn đề ố vàng khi sử dụng lâu ngày, dây thun niềng răng cũng dễ bị giãn, đứt do tác động trong quá trình ăn uống hay lực siết của hàm. Vì thế dây thun được thay thường xuyên hơn các khí cụ chỉnh nha khác.
Đối với dây thun loại cố định sẽ cần thay định kỳ mỗi 3 - 6 lần một tuần và cỡ 2 - 3 lần mỗi ngày đối với dây thun liên hàm để đảm bảo lực kéo được ổn định và hạn chế tình trạng ố vàng.
Chọn dây thun tối màu
Dây thun niềng răng không chỉ có màu trắng mà còn có nhiều màu sắc từ sặc sỡ đến tối màu cho người dùng thoải mái lựa chọn. Vậy nên bạn có thể dùng dây thun màu tối như đen, xám hoặc xanh,... thay cho dây thun màu trắng đục, trong suốt, rất dễ bị ố vàng.
Sử dụng phương pháp niềng răng tự đóng
Phương pháp niềng răng bằng mắc cài tự đóng dùng nắp trượt linh hoạt thay cho dây dung cố định, từ đó hạn chế tối đa tình trạng giãn, đứt hoặc ố vàng thường thấy ở dây thun niềng răng.
4
Cách ngăn ngừa dây thun niềng răng ngả vàng
Dưới đây một số cách giúp ngăn ngừa hiện tượng ngả vàng ở dây thun niềng răng:
- Chọn bàn chải đánh răng phù hợp: Trong thời gian niềng răng bạn nên chọn loại bàn chải lông mềm để có thể vừa vệ sinh sạch sẽ răng miệng vừa tránh ảnh hưởng khí cụ. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bàn chải kẽ có lông nhỏ, tay cầm mềm để có thể làm sạch những vị trí nằm khuất bên trong.
- Đánh răng đúng cách: Việc này giúp cải thiện đáng kể tình trạng ố vàng của dây thun. Bạn nên chải răng mỗi ngày khoảng 2 – 3 lần và định kỳ thay bàn chải mới mỗi 3 tháng. Bạn cũng súc miệng với nước sạch trước khi dùng kem đánh răng để nâng cao hiệu quả vệ sinh khoang miệng.
- Dùng chỉ nha khoa: Đây là dụng cụ có thể giúp bạn loại bỏ những mảng bám cứng đầu ở những nơi mà bàn chải thông thường không thể vệ sinh tới. Bạn nên dùng lực thật nhẹ nhàng khi sử dụng chỉ nha khoa để tránh ảnh hưởng xấu đến răng và nướu nhé.
- Dùng máy tăm nước: Máy tăm nước sẽ giúp làm sạch những vị trí chỉ nha khoa không thể chạm tới thông qua tác động của tia nước áp suất cao. Ngoài ra, máy tăm nước cũng có khả năng massage mô nướu giúp hạn chế tình trạng đau nhức đồng thời ngăn dây thun niềng răng bị ố vàng.
- Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng: Việc này giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng dây thun niềng răng bị xỉn màu. Do trong nước súc miệng này có chứa fluoride, thành phần giúp loại bỏ nhiều loại vi khuẩn có hại trong khoang miệng và ngăn mùi hôi hiệu quả.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm có màu sẫm và thực phẩm quá dẻo vì chúng rất dễ dính vào dây thun, khiến dây thun dễ ngả màu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi, chất xơ, protein, vitamin,... tốt cho sức khỏe răng miệng.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến dây thun niềng răng bị ố vàng nhanh chóng. Trong khói thuốc có chứa nicotine, monoxit carbon và acid cyanhydric là nguyên nhân chính gây ra lỗ sâu trong lợi, giảm tuần hoàn máu xương ổ răng, suy giảm miễn dịch,…
- Lấy cao răng định kỳ: Việc này sẽ hạn chế tối đa tình trạng ố vàng ở dây thun niềng răng. Ngoài ra, cao răng tích tụ nhiều sẽ tạo điều kiện sinh trưởng cho nhiều vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
Bài viết cung cấp những thông tin về nguyên nhân dây thun niềng răng bị vàng và cách ngăn ngừa mà Tip Hay đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Theo dõi Tip Hay để biết thêm nhiều thông tin thú vị về sức khỏe răng miệng bạn nhé!
Nguồn: Nhakhoakaiyen.com.