Nguyên nhân, dấu hiệu răng sứ bị hở chân răng và cách khắc phục
Răng sứ bị hở chân răng sẽ khiến răng bị đau nhức, hôi miệng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu ngay nguyên nhân chính gây ra tình trạng này và cách khắc phục nhé!
Hiện nay, tình trạng răng sứ bị hở chân răng xảy ra khá phổ biến. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như đau nhức răng, hôi miệng, đồng thời làm tăng nguy cơ mất răng thật. Vậy nguyên nhân chính khiến răng sứ bị hở chân răng là gì và biện pháp khắc phục như thế nào? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu chi tiết ngay tại bài viết dưới đây nhé.
1
Nguyên nhân răng sứ bị hở chân răng
Răng sứ bị hở chân có thể do một số nguyên nhân sau đây:
- Răng sứ kém chất lượng: Việc sử dụng răng sứ kém chất lượng sẽ có thể khiến cùi răng và nướu bị kích ứng, gây sưng tấy và viêm nhiễm. Nếu tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng thì răng sứ sẽ dễ bị đẩy lên cao, làm xuất hiện những khe hở. Bên cạnh đó, việc sử dụng mão sứ kim loại cũng khiến răng sứ dễ bị hở chân răng, vì bị oxy hóa.
- Bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật: Khi bọc răng sứ, các bác sĩ cần phải có tay nghề và trình độ chuyên môn cao để có thể mài răng tỉ mỉ và đúng tỷ lệ. Thế nhưng, tại các cơ sở nha khoa kém chất lượng thường xuất hiện trường hợp bác sĩ mài cùi răng quá nhiều hoặc phán đoán tỷ lệ không đúng, khiến chân răng bị tổn thương và suy yếu nhanh chóng. Cuối cùng sẽ khiến răng sứ bị hở sau một thời gian.
- Keo dán sứ kém chất lượng: Việc sử dụng keo dán sứ kém chất lượng sẽ không đảm bảo được độ chắc chắn của răng, từ đó khiến răng bị hở nhanh chóng hoặc có thể bị rơi ra ngoài.
- Kích thước răng sứ không phù hợp: Trong một số trường hợp mão sứ được chế tác có kích thước không phù hợp so với cùi răng thì sẽ tạo nên những khe hở, khiến răng sứ bị hở chân răng.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Trong một số trường hợp vệ sinh răng miệng không đúng cách như sử dụng bàn chải có lông cứng, dùng lực đánh răng quá mạnh hoặc đánh răng sai kỹ thuật thì răng sứ sẽ bị mài mòn và hở nướu nhanh chóng.
2
Dấu hiệu răng sứ bị hở chân răng
Răng sứ bị hở chân răng thường xuất hiện những dấu hiệu như sau:
- Nướu bị tụt khiến cùi răng sứ bên trong bị lộ ra: Việc bọc răng sứ không đúng kỹ thuật sẽ tạo nên khe hở, khiến vi khuẩn xâm nhập vào và khiến nướu bị kích ứng, dẫn đến hiện tượng tụt nướu. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng thấy phần chân răng bị lộ ra.
- Vùng tiếp giáp giữa răng sứ và nướu xuất hiện khe hở: Khi vùng tiếp giáp giữa răng sứ và nướu xuất hiện khe hở, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào răng, gây nên tình trạng đau nhức, mục cùi răng và thậm chí có thể làm mất đi chân răng thật.
- Quanh chân răng có những vệt mờ đen: Tình trạng này thường khá phổ biến ở những người sử dụng mão sứ kim loại. Khi bọc răng sứ kim loại bị hở, khoảng trống ở nướu sẽ bị oxy hóa nhanh chóng, làm xuất hiện các vết đen ở quanh chân răng. Do đó, bạn chỉ cần nhìn vào gương bằng mắt thường để kiểm tra xem chân răng mình có bị đen hay không là được.
- Thức ăn dễ mắc vào kẽ răng gây hôi miệng: Khi răng sứ bọc sai tỷ lệ, kẽ răng sẽ bị rộng hoặc chật hơn so với bình thường. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các mảnh vụn thức ăn bám vào răng dễ dàng, gây nên tình trạng hôi miệng và viêm sưng nướu.
- Khi nhai thức ăn cảm thấy bị đau nhức, ê buốt: Bên cạnh việc quan sát răng bằng mắt thường, bạn cũng có thể cảm nhận được tình trạng răng sứ bị hở chân răng thông qua việc nhai thức ăn. Khi răng sứ bị hở, cùi răng rất yếu, đồng thời răng sứ không khớp với hàm cũng có thể gây ra cảm giác bị cộm, đau nhức khi ăn.
3
Những tác hại khi răng sứ bị hở chân răng
Khi răng sứ bị hở chân răng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm mất đi tính thẩm mỹ của răng, Dưới đây là một số tác hại nổi bật khi răng sứ bị hở:
- Làm mất tính thẩm mỹ: Khi răng sứ bị hở, chân răng sẽ bị lộ ra ngoài, làm mất đi vẻ đẹp của hàm răng và khiến nụ cười trở nên thiếu tự tin.
- Gây đau nhức, hôi miệng: Khi răng sứ bị hở, thức ăn sẽ bị tích tụ ở các kẽ hở của răng, gây nên tình trạng đau nhức, hôi miệng. Bên cạnh đó, khi cùi răng bị bám quá nhiều thức ăn thì chúng sẽ bị tổn thương và gây cảm giác khó chịu.
- Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng: Khi cùi răng bị tổn thương, người bệnh thường không thích nhai thức ăn, khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể như táo bón, viêm loét đại tràng, trào ngược dạ dày.
- Tăng nguy cơ mất răng thật: Khi bọc răng sứ, phần răng thật sau khi mài sẽ bị yếu dần và dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh. Bên cạnh đó, mão sứ khi lắp có tỷ lệ không phù hợp với nướu sẽ gây ra nhiều bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu,... Do đó có thể gây tổn thương cho răng thật, thậm chí là mất răng.
4
Cách khắc phục tình trạng bọc răng sứ bị hở
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến răng sứ bị hở mà bạn có thể áp dụng cách khắc phục khác nhau. Sau đây là cách khắc phục tình trạng bọc răng sứ chi tiết bạn có thể tham khảo:
- Răng sứ bị hở do mão sứ sai kích thước, răng sứ bị hỏng hoặc kém chất lượng: Bạn nên đến các cơ sở nha khoa gần nhất để lấy mẫu hàm, chế tác cầu răng và chế tạo răng sứ mới.
- Răng sứ bị hở do lắp sai kỹ thuật: Bạn chỉ cần tháo răng sứ ra và lắp lại như thông thường. Lưu ý nên sử dụng lượng keo dán vừa đủ cố định răng sứ là được. Tốt nhất là nên đến nha khoa để được khắc phục kịp thời.
Bài viết trên đây Tip Hay đã cùng các bạn tìm hiểu những nguyên nhân, dấu hiệu răng sứ bị hở chân răng và cách khắc phục hiệu quả. Hy vọng qua những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tham khảo và biết cách xử lý trong trường hợp răng sứ bị hở, bảo vệ hàm răng của mình tốt nhất nhé.
Nguồn: Vinmec.com