Nguyên nhân bà bầu bị tiêu chảy? Nên ăn gì và làm gì để mau khỏi?
Phụ nữ mang thai có sức đề kháng khá yếu và nhạy cảm với môi trường xung quanh. Vì thế, họ thường gặp phải những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Những triệu chứng như đau bụng râm ran, nôn mửa hay tiêu chảy dường như trở thành cực hình trong giai đoạn thai kỳ. Vậy nguyên nhân do đâu khiến bà bầu dễ bị tiêu chảy? Nên ăn gì và làm gì để cải thiện tình trạng này?
Hãy cùng Bách Hóa XANH tìm hiểu qua bài viết dưới đây để giúp bà bầu vượt qua giai đoạn “khủng hoảng" này nhé!
1
Nguyên nhân bà bầu bị tiêu chảy
Thay đổi thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống của mẹ bầu thay đổi đột ngột là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Trong thời gian thai kỳ, sức đề kháng của phụ nữ khá yếu, nên chưa quen hoàn toàn với thói quen ăn uống mới. Lúc này, các thực phẩm khó tiêu như mỡ, đạm có thể gây chướng bụng, đầy hơi và rất dễ dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh là điều kiện để vi khuẩn dễ xâm nhập khiến đường ruột bị nhiễm khuẩn.
Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ
Khi mang thai, các nồng độ hormone Estrogen và Gonadotropin thay đổi thất thường cũng là lý do khiến mẹ bầu dễ bị tiêu chảy. Đặc biệt, nồng độ hormone Progesterone tăng cao tác động đến sự co bóp nhu động ruột. Khi chúng co bóp mạnh sẽ gây ra những hiện tượng như ốm nghén, buồn nôn và đặc biệt là tiêu chảy.
Phản ứng với thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh được chỉ định dành cho mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại gây rối loạn hệ tiêu hóa. Vì thế tình trạng tiêu chảy dễ xảy ra và thường bắt đầu từ 5-10 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường sử dụng nhiều thực phẩm chức năng, vitamin, chất bổ,... để gia tăng dinh dưỡng cho thai nhi. Đây là lý do khiến hệ tiêu hóa bị quá tải dẫn đến tiêu chảy.
Bệnh lý về đường ruột
Những phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh đường ruột như hội chứng ruột kích thích, bệnh Corhn, Celiac, viêm loét trực tràng, viêm ruột cấp tính,... cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, đau nhức toàn thân và mệt mỏi.
Không dung nạp thực phẩm
Trong giai đoạn phát triển của thai kỳ, phụ nữ thường bổ sung sữa để tăng cường canxi và vitamin cần thiết cho em bé. Tuy nhiên, một số cơ thể phản ứng với lactose dễ dẫn đến đau bụng và gây tiêu chảy. Thêm vào đó, hệ tiêu hóa của mẹ bầu thường nhạy cảm với một số thực phẩm nên dễ xuất hiện tình trạng đau bụng đi ngoài.
2
Nên ăn gì và làm gì để mau khỏi?
Mẹ bầu bị tiêu chảy nên ăn gì?
Thực phẩm rất quan trọng trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, mẹ bầu cần lựa chọn nguồn thức ăn đảm bảo vệ sinh và đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Bạn nên ăn:
- Cà rốt chứa hàm lượng lớn chất xơ hòa tan pectin có khả năng thấm hút các chất nhầy và vi khuẩn gây hại trong đường ruột.
- Chuối là một dạng carbohydrates dễ tiêu hóa và giàu kali giúp bù các chất điện giải. Mẹ bầu nên ăn từ 2-3 quả mỗi ngày để cầm tiêu chảy và cân bằng lợi khuẩn đường ruột.
- Cơm trắng, bánh mì bổ sung nhiều tinh bột giúp thấm hút bớt dịch vị tiêu hóa trong đường ruột, đồng làm khối phân cứng hơn trước khi đào thải ra ngoài.
- Thực phẩm giàu probiotics như sữa chua không đường, sữa chua uống, kefir,… là lựa chọn tốt cho mẹ bầu. Probiotics giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn có hại, kích thích tiêu hóa và ổn định đường ruột để ngăn chặn tình trạng tiêu chảy ở phụ nữ mang thai.
Mẹ bầu bị tiêu chảy nên làm gì?
Uống đủ nước
Khi bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, tình trạng mất nước xảy ra rất nhanh. Do vậy, bạn cần uống đủ nước để cơ thể không mệt mỏi. Bạn có thể sử dụng nước lọc, nước ép trái cây hoặc dùng oresol để bổ sung chất điện giải, giúp cơ thể mau phục hồi.
Không tự ý dùng thuốc
Bạn không nên tự ý mua thuốc bên ngoài để ngăn tình trạng tiêu chảy. Việc dùng các loại thuốc không được kê đơn sẽ gây hại cho sức khỏe thai nhi và chính bạn.
Xem xét các loại thuốc bạn đang sử dụng
Nếu tình trạng tiêu chảy xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc đang sử dụng trong giai đoạn thai kỳ, bạn có thể điều chỉnh liều lượng sử dụng ít hơn để cơ thể thích nghi. Trường hợp bạn vẫn bị tiêu chảy kéo dài, hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Khám bác sĩ
Ở giai đoạn mang thai, khi tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn. Lúc này, cơ thể sẽ suy kiệt rất nhanh, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Hãy đến cơ sở khám bệnh uy tín để xác định nguyên nhân và tìm ra những cách điều trị tốt nhất.
Hy vọng với những thông tin hữu ích mà Bách Hóa XANH chia sẻ có thể giúp tìm ra nguyên nhân và phương pháp bạn ngăn ngừa được chứng tiêu chảy kịp thời trong giai đoạn thai kỳ. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn trong thời gian nhạy cảm này nhé!