Nguy hiểm sốt xuất huyết vào mùa mưa và cách phòng tránh cho cả gia đình
Sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây chết người. Vậy làm thế nào để phòng ngừa loại bệnh này? Cùng tìm lời giải đáp qua bài viết bên dưới nhé.
Mưa là khoảng thời gian muỗi sinh sôi và phát triển mạnh mẽ nhất. Không chỉ gây ngứa rát, loài côn trùng này còn ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây hại đến sức khỏe, trong đó có sốt xuất huyết. Căn bệnh dịch này thường bùng phát vào mùa mưa, nó không lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp hay tiếp xúc tay chân mà sẽ dễ bị lây nhiễm nếu sống trong khu vực có người mắc bệnh. Để phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình, hãy cùng mình tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết là gì? Dấu hiệu sốt xuất huyết và cách phòng ngừa nó nhé.
1
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch trong khu vực mà nó phát bệnh. Căn bệnh này lây lan do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua vết đốt. Muỗi vằn có màu đen, phần thân và chân của nó là những đốm trắng. Như những loại muỗi khác, muỗi vằn thường xuất hiện ở góc tối trong nhà, trên quần áo, đẻ trứng và sinh sôi ở các ao, hồ, đồ vật hay phế liệu có chứa nước.
Bệnh dịch này xảy ra quanh năm, đặc biệt gia tăng vào mùa mưa. Sốt xuất huyết lây lan cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, nhưng vì sức đề kháng của trẻ thường rất yếu nên nếu chẳng may mắc phải bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vậy nên, nếu người bệnh đã từng mắc phải căn bệnh này thì đều có khả năng sẽ mắc bệnh sốt xuất huyết thêm lần nữa.
Biểu hiện của sốt xuất huyết:
Bệnh sốt xuất huyết được biểu hiện qua 3 dạng: sốt xuất huyết nhẹ, sốt xuất huyết có chảy máu và sốt xuất huyết dengue.
Sốt xuất huyết nhẹ:
Đây là dạng biểu hiện các triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết ở dạng nhẹ:
Sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ ngày sau khi bị muỗi vằn đốt.
Đau đầu, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, đau khắp các cơ.
Cơ thể nổi những chấm phát ban màu đỏ. Các đốt ban đỏ này có thể thuyên giảm sau 1-2 ngày sau khi bắt đầu sốt, nhưng có có thể nổi lại 1 lần nữa vào những ngày sau đó.
Sốt xuất huyết có chảy máu:
Các dấu hiệu sốt xuất huyết ở dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết gây ra hiện tượng chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Nếu có những dấu hiệu trên mà không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết dengue:
Đây là tình trạng bệnh nặng nhất của sốt xuất huyết. Thể bệnh này thường xảy ra với những bệnh nhân đã từng mắc bệnh sốt xuất huyết trước đây. Bệnh thường chuyển biến nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày - đây thường là giai đoạn hạ sốt của bệnh. Dạng bệnh này có tỉ lệ tử vong cao 30-40% nếu không được đưa đến trung tâm y tế chữa trị kịp thời.
2
Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Không để nước đọng tồn tại
Vì muỗi thường sinh sản ở những nơi như vũng nước đọng hay những vật dụng có khả năng chứa nước như ao, lu, thùng, ... nên chúng ta cần phải loại bỏ những vùng nước đọng.
Cho muối hoặc dầu ăn vào những chén nước kê chân bàn, chân tủ. Nước bình hoa trong nhà phải thay đổi thường xuyên.
Với những vật dụng chứa nước như lu, xô nước,... cần phải đậy nắp kín để muỗi không thể đẻ trứng.
Với những vật dụng chứa nước chưa sử dụng đến, nên lật úp chúng xuống để đảm bảo không có lượng nước dư thừa nào tồn đọng trong chúng sau những cơn mưa.
Dọn dẹp, thu gom các vật phế thải quanh nhà. Trong mùa mưa này, bất cứ một vật dụng nào cũng có thể trở thành nơi đọng nước kể cả mảnh vỡ của chậu cây.
Làm vệ sinh nhà cửa sạch sẽ:
Các loại muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sống trong và xung quanh nhà. Chúng thường tập trung ở những vũng nước đọng hoặc những vật dụng có khả năng chứa nước như lu, thùng, ao cá,...Thường xuyên rửa, chà xát những vật dụng chứa nước để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành vật dụng. Bên cạnh đó, cũng đừng quên đậy kín để muỗi không thể vào đẻ trứng và sinh sôi phát triển.
Thu gom và phân hủy các vật dụng phế thải để trong nhà cũng như xung quanh để tránh nước đọng vào bên trong, thường xuyên phát quang bụi rậm, úp ngược các vật dụng chứa nước khi không sử dụng đến.
Dùng thuốc xịt muỗi:
Ngay sau khi nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, bạn nên sử dụng thuốc xịt muỗi để xịt vào những ngóc ngách, thùng rác, nơi muỗi tập trung nhiều để tiêu diệt tận gốc lũ côn trùng đáng ghét đang sinh sôi trong nhà bạn. Mỗi tuần, bạn nên xịt từ 2-3 lần và có thể sử dụng thêm nhang muỗi để tăng phần hiệu quả.
Dùng nhang muỗi, xông đuổi muỗi... là những lựa chọn phổ biến tại nhà và cơ quan.
Thoa kem chống muỗi cũng là một thói quen tốt để phòng chống sốt xuất huyết trong mùa mưa.
Bận áo dài tay, sáng màu:
Vì muỗi vằn sẽ hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm, do đó khi đi ra ngoài, đặc biệt là ở những khu vực rậm rạp, ẩm ướt, bạn đừng quên bận quần áo tay dài và chọn những màu sắc tươi sáng như vàng, đỏ, trắng,.. để tránh thu hút sự chú ý của loài muỗi.
Mắc màn khi ngủ:
Nhiều người thường không có thói quen mắc màn trước khi ngủ và vô tư nghĩ rằng ngủ trong phòng máy lạnh sẽ không bị muỗi cắn. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và cần được hay đổi ngay. Dù là ngủ vào buổi trưa hay buổi tối, bạn cũng đều nên mắc màn thật cẩn thận, lưu ý chọn những màn lành lặn, không có vết rách dù chỉ là nhỏ xíu vì muỗi có thể chui vào và tấn công bạn đấy.
Nhờ chính quyền phun thuốc:
Nếu chẳng may trong khu vực nhà bạn có người mắc bệnh sốt xuất huyết, thì hãy ngay lập tức báo cáo lên chính quyền địa phương và yêu cầu cử người để phun thuốc diệt muỗi trên phương diện rộng.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, bất cứ ai trong chúng ta đều có thể mắc bệnh. Để bảo vệ chính bản thân mình cũng như những người xung quanh, mỗi chúng ta hãy tự ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực mình đang sinh sống, phối hợp cùng với chính quyền địa phương để triển khai những chính sách phòng ngừa bệnh để lăng quăng không có cơ hội phát triển thành muỗi vằn, gây hại cho nhiều người. Nếu có bất kì triệu chứng nào mà mình đã nhắc đến trong bài viết thì bạn hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và điều trị kịp thời nhé.