Người mắc bệnh viêm thanh quản nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người mắc bệnh viêm thanh quản và không biết nên ăn gì hay kiêng ăn gì? Hãy đọc bài viết này của Tip Hay biết thêm về chế độ ăn uống phù hợp.
Bệnh viêm thanh quản là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp, tác động đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Điều này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như ho, khản tiếng, khó thở và cảm giác khó chịu trong hầu hết các hoạt động hàng ngày. Một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng viêm thanh quản trở nên nghiêm trọng hơn. Cùng Tip Hay tìm hiểu các loại thực phẩm nên ăn và kiêng ăn để thanh quản nhanh khỏi nhé!
1
Người bệnh viêm thanh quản nên ăn gì?
Uống nhiều nước
Để đẩy nhanh quá trình hồi phục, việc uống đủ nước là điều vô cùng quan trọng đối với những ai bị viêm thanh quản. Theo THS.BS.CKII Thúy Hằng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), mỗi ngày, người bệnh nên uống ít nhất 8 cốc nước (tương đương khoảng 2 lít) để cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần. Điều này giúp duy trì sự cân bằng nước và giải độc cho cơ thể.
Trong trường hợp thời tiết nóng bức hoặc người bệnh vận động nhiều gây mất nước qua mồ hôi, việc bổ sung thêm lượng nước cần thiết để bù lại là rất quan trọng. Việc này giúp hạn chế tình trạng thiếu nước và mất cân bằng điện giải, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Nhờ khả năng bổ sung lượng lớn protein, vitamin D và canxi cho cơ thể nên sữa và các sản phẩm từ sữa (loại ít béo) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh viêm thanh quản. Đặc biệt, sữa chua được đề xuất ưu tiên sử dụng, không chỉ vì tính tiện lợi trong việc tiêu thụ mà còn vì chứa nhiều lợi khuẩn có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm thiểu hiện tượng trào ngược dạ dày lên vùng họng thanh quản.
Mật ong
Mật ong được xem là một trong những thực phẩm hàng đầu được ưu tiên trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm thanh quản. Nó không chỉ là một nguyên liệu quen thuộc trong nấu ăn, mà còn được biết đến như một vị thuốc tự nhiên với nhiều tác dụng quan trọng như chống viêm, kháng khuẩn và giảm triệu chứng ho hiệu quả.
Người bệnh có thể sử dụng mật ong với nước ấm, nước chanh hoặc nước cam để uống hàng ngày. Việc này giúp cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng hữu ích và hỗ trợ quá trình giảm viêm và giảm ho một cách hiệu quả.
Gừng
Sử dụng gừng thường xuyên có thể giúp làm dịu cơn đau họng và hỗ trợ trong quá trình điều trị nhiễm trùng vì trong gừng có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn mạnh mẽ. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng tăng cường miễn dịch và sức đề kháng.
Có nhiều cách để sử dụng gừng cho người bệnh. Phương pháp đơn giản nhất là lấy gừng tươi, gọt vỏ, giã nát và pha vào nước sôi để uống mỗi sáng. Hoặc có thể pha trà gừng mật ong để tận hưởng hương vị thơm ngon cùng lợi ích cho sức khỏe.
Trái cây và rau xanh
Các loại rau xanh và trái cây như cải bó xôi, cải xoăn, khoai tây, cà rốt, dâu tây, chuối, đu đủ là nguồn dinh dưỡng phong phú với nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Khi chế biến rau củ, bạn cần cắt nhỏ và nấu chín để tăng tính dễ nhai và dễ tiêu hóa. Đồng thời, hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị để tránh kích thích vùng cổ họng.
Thức ăn mềm
Để việc ăn uống của người bệnh trở nên đơn giản và thuận tiện hơn thì bác sĩ khuyến khích mọi người chế biến các món ăn thành dạng mềm, lỏng và dễ nhai như món súp, cháo. Đặc biệt là súp gà và rau củ vì nó bổ sung một lượng lớn protein cần thiết cho cơ thể người bệnh.
2
Người bệnh viêm thanh quản không nên ăn gì?
Nước uống có cồn và caffein
Việc tiêu thụ quá nhiều rượu, bia hay cà phê đều có thể dẫn đến tình trạng mất nước cho cơ thể, làm cổ họng thêm khô, ngứa và đau rát. Bên cạnh đó, những ai bị viêm thanh quản cũng nên hạn chế uống các loại nước có ga, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược axit dạ dày – Một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản cấp và mạn tính.
Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên, xào,... có thể gây kích ứng đến cổ họng, làm kéo dài thời gian bệnh và gây khó khăn trong việc phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, chúng cũng chứa nhiều chất béo có hại và calo, gây tăng cân và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Đồ ăn cay, chua, nóng
Thực phẩm cay và nóng như ớt, tiêu, mù tạt, cà ri, nước sốt nóng, cũng như thực phẩm chứa nhiều acid, có thể gây kích ứng cho cổ họng và ảnh hưởng đến dạ dày, làm tình trạng viêm thanh quản trở nên nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên tránh xa những loại thực phẩm này, ít nhất là cho đến khi bệnh hoàn toàn khỏi.
Đồ ăn gây dị ứng
Một trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm trong khi mắc viêm thanh quản chính là ăn phải những thực phẩm mình bị dị ứng. Không chỉ làm gia tăng những triệu chứng viêm thanh quản, phản ứng của dị ứng còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như phù nề thanh môn, khó thở, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng nếu xảy ra cơn sốc phản vệ.
Vì vậy, hãy luôn kiểm tra kỹ thành phần trong thực đơn để xem có thức ăn nào gây dị ứng cho bản thân. Các loại thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm hải sản, đậu phộng, hạt, và sữa bò. Ngoài ra, cần đề phòng với các tác nhân gây dị ứng từ môi trường như phấn hoa, lông động vật và mạt bụi.
Viêm thanh quản, mặc dù có vẻ như là một vấn đề nhỏ nhưng thực tế lại tạo ra nhiều khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt và công việc. Tip Hay mong rằng thông tin từ bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc người bệnh viêm thanh quản nên ăn gì và kiêng ăn gì, nhằm hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Nguồn: Tamanhhospital.vn