Người bị thoát vị đĩa đệm có nên tập gym không?
Nhiều người thường xuyên thắc mắc rằng thoát vị đĩa đệm có nên tập gym hay không? Vì đa số các động tác tập trong gym khá nặng nên hãy cùng Bách Hóa XANH tìm hiểu động tác nào thích hợp nhé!
Thoát vị đĩa đệm hoặc phồng đĩa đệm là sự nhô ra của một đĩa đệm ở cột sống giữa hai đốt sống khiến nó chèn ép dây thần kinh và gây đau đớn. Thoát vị đĩa đệm là vấn đề về lưng mãn tính phổ biến nhất. Và hiện nay, một số bài tập thể hình có thể gây trầm trọng hơn các vấn đề về tình trạng này. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu thông tin để biết được người bị thoát vị phù hợp với bài tập nào nhé!
1
Có nên tập gym cho người thoát vị đĩa đệm không?
Nếu bạn đang thắc mắc về câu hỏi này, thì câu trả lời sẽ là Có. Trong quá trình chữa trị các bệnh về đốt sống lưng, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm, các bác sĩ thường xuyên đưa ra lời khuyên là nên tham gia vật lý trị liệu (bao gồm các bài tập giúp phục hồi). Vậy nên, tập gym với những động tác phù hợp và có chọn lọc sẽ là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng, phục hồi lại đốt sống.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội: “Trong việc tập thể dục hiện nay, đa số chúng ta bỏ qua tập vùng lưng. Nhưng vùng lưng lại là vùng được chúng ta sử dụng nhiều nhất trong cơ quan vận động, vì vậy chúng ta cần phải tập luyện để hệ cơ của lưng khỏe lên”. Thói quen hàng ngày trong việc thực hiện các bài tập sẽ giúp tăng sự linh hoạt đối với các khớp, thúc đẩy cơ thể đưa dưỡng chất đến nuôi vùng cột sống bị tổn thương.
Tuy nhiên, không phải tất cả các động tác thường xuyên thực hiện ở gym đều có thể áp dụng với người có bệnh lý. Bởi vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lên được một lộ trình luyện tập và chế độ ăn phù hợp với cơ thể của bạn.
2
Các bài tập gym cho người thoát vị đĩa đệm
Bài tập kéo và đẩy
Đây là bài tập giúp cho người bệnh kiểm soát được sự di chuyển của cột sống. Các bước thực hiện như sau:
- Đầu tiên, cố định hai sợi dây có tính co dãn vào khoảng vừa tầm
- Dùng 2 tay nắm lấy hai đầu sợi dây, sau đó đứng thẳng người sao cho chân song song bằng vai, kết hợp gồng cứng cơ bụng
- Kéo sợi dây về phía mình, giữ chắc trong 5 giây rồi nới lỏng, thực hiện liên tục trong 40 lần
Bài tập Dead Bug
Bài tập này kéo dài trong vòng 2 phút với động tác cực kì đơn giản, sau đây là cách thực hiện:
- Tư thế nằm ngửa, duỗi chân, hai tay ép sát vào sườn
- Đưa hai chân đồng thời sao cho toàn bộ lên cao vuông 90 độ với mặt sàn, tương tự đối với hai tay
- Chéo bên, chân phải và tay trái từ từ hạ xuống mặt sàn, sau đó đổi bên
- Tư thế này được giữ trong khoảng 30 giây cho mỗi bên, tập 4-6 lần và luôn nhớ rằng thả lỏng phần cổ và lưng trong suốt buổi tập.
Bài tập Bird Dog
Bài tập này cũng chỉ nên thực hiện trong khoảng 2 phút thôi bạn nhé.
- Tư thế nằm sấp, sau đó nhẹ nhàng nâng người lên, chống tay vuông góc 90 độ với mặt sàn và không gồng khuỷu tay.
- Sau đó tiến hành giữ tư thế, tiến hành duỗi một tay về phía trước, một chân về phía sau. Bạn giữ tư thế này trong vòng 30 giây, và đổi bên.
- Nên phối hợp hít thở nhịp nhàng để cơ lồng ngực phát triển và hỗ trợ dáng trong suốt quá trình tập.
Bài tập Hip Hinge
Bài tập này sẽ giúp bạn giữ lưng luôn thẳng và ổn định được xương cột sống.
- Đặt một cây gậy dọc theo phần sống lưng, giữ tư thế người thẳng, hai chân rộng bằng vai
- Hạ từ từ phần người xuống, hơi chùng gối, dồn lực về phía trước, đấy mông về phía sau.
- Lặp đi lặp lại quá trình này trong 40 lần, giữ phần mông, lưng và đầu chạm sát cây gậy.
3
Những lưu ý trong lúc tập gym với người thoát vị đĩa đệm
Bạn cần thực hiện tất cả các bài tập một cách chậm rãi và có kiểm soát, đặc biệt là khi uốn cong hoặc nâng người. Các bài tập không nên làm tăng những tổn thương.
Nếu động tác khiến bạn cảm thấy đau, bạn nên ngừng lại và thông báo với bác sĩ để điều chỉnh động tác. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nên thường xuyên tập luyện chọn lọc những môn thể thao bao gồm:
- Tập Yoga
- Bơi lội
- Đi dạo
- Đi xe đạp
Khi đi tập gym, hãy chọn cho mình một huấn luyện viên thể hình có kiến thức chuyên môn để giúp đỡ cho quá trình luyện tập. Bạn nên hạn chế các bài tập nâng tạ vì phần cơ lưng có thể hoạt động quá sức.
Squats (động tác đứng lên ngồi xuống giúp tăng cơ phần mông và đùi) cũng không được khuyến khích bởi đa phần người tập dễ làm sai động tác và dồn lực xoay lên cột sống thắt lưng.
Đối với những người yêu thích bộ môn Yoga cũng cần lưu ý một số điều sau. Đầu tiên, hãy đảm bảo huấn luyện viên của bạn biết về tình trạng cột sống, tránh tình trạng tập chung một kiểu bài tập với người bình thường. Thứ hai, bạn không nên thực hiện các động tác kéo dãn cột sống quá mức, uốn cong hoặc vặn người bởi nó gây nên áp lực chèn ép lên cột sống.
Phác đồ tập luyện phù hợp từ chuyên gia thể hình hoặc bác sĩ của bạn sẽ là điều kiện đầu tiên trong quá trình luyện tập phục hồi. Trước khi bắt đầu bất cứ một loại hình rèn luyện nào, bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia để được thiết kế chương trình phù hợp. Bởi tùy thuộc vào chẩn đoán và mức độ của bệnh, mỗi người sẽ có một cách tập luyện hoàn toàn khác nhau.
Vậy là Bách hoá XANH đã giải đáp cho bạn những thắc mắc về chủ đề này. Lưu ý rằng mỗi bài tập sẽ đều cần sự cân nhắc dựa trên yêu cầu cũng như chỉ định của bác sĩ. Hãy cùng nhau luyện tập để có một cột sống khỏe, bạn nhé!
Nguồn: Medical News Today, medlatec.vn, hellobacsi.com