Người bệnh tiểu đường có ăn dưa hấu được không? Lưu ý khi ăn dưa hấu
Dưa hấu là trái cây giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn loại trái cây này hay không? Cần lưu ý những gì khi ăn?
Bệnh nhân đái tháo đường cần kiêng cữ rất nhiều trong tiêu thụ thực phẩm và thường được khuyến khích sử dụng trái cây nhằm cân bằng các chất và ổn định đường huyết, nhưng không phải ăn bao nhiêu cũng được. Vậy thì đối với dưa hấu, người bệnh tiểu đường có thể ăn không? Ăn thế nào cho đúng? Cùng tìm hiểu nhé!
1
Giá trị dinh dưỡng của dưa hấu
Ngoài là loại trái cây giúp giải khát tuyệt vời vào ngày hè, dưa hấu còn chứa một loạt các dưỡng chất thiết yếu như lycopene, vitamin A, vitamin C,... Vì thế, dưa hấu sẽ mang đến khả năng chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng sức khỏe mắt và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương,...
Hạt dưa hấu là nguồn cung cấp acid béo omega-3 mà không ai ngờ đến. Bên cạnh đó, dưa hấu cũng bổ sung đồng, vitamin B5 với hàm lượng khoảng 7% nhu cầu hằng ngày của cơ thể, 5% biotin, 4% vitamin B1 và vitamin B6.
2
Người bệnh tiểu đường có ăn dưa hấu được không?
Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, Th.BS Doãn Thị Tường Vi, khi tính với hàm lượng 100gr, dưa hấu có chỉ số đường huyết GI cao, khoảng 72-80/100, tuy nhiên dưa hấu lại có GL (hàm lượng đường huyết hấp thu vào cơ thể) khoảng 2,3g là ở mức thấp.
Bên cạnh đó, kali, magie và các khoáng chất có trong dưa hấu cũng giúp insulin hoạt động tốt hơn, giảm lượng đường trong máu, chất béo và protein giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Vì thế, bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể tiêu thụ dưa hấu với hàm lượng cho phép, khoảng 200g trong một ngày.
3
Cách ăn dưa hấu tốt cho người bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh đái tháo đường có thể thêm dưa hấu vào các bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ ở dạng nguyên chất hoặc xay sinh tố, ăn cùng các loại hạt, thực phẩm có chất béo lành mạnh và protein. Nhưng với điều kiện là không thêm đường và không kết hợp với các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Bên cạnh đó cũng không tiêu thụ dưa hấu ở dạng nước ép. Vì theo Tổ chức Bệnh đái tháo đường Defeat, lượng đường của nước ép hoa quả cao hơn so với hoa quả ở dạng nguyên bản. Đồng thời, vì chất xơ là chất giúp giảm hấp thụ đường vào ruột sẽ ít hơn khi ở dạng nước ép hoa quả.
4
Những lưu ý khi người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu
Nên ăn dưa hấu sau bữa ăn chính khoảng 2 giờ
Thông thường, thức ăn nạp vào cơ thể sẽ được tiêu thụ hoàn toàn sau 3 tiếng, vì thế sau khoảng thời gian này cần bổ sung thêm thức ăn nhằm tránh bị hạ đường huyết. Bên cạnh đó, tránh ăn ngay sau bữa ăn vì sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Vì thế, hoa quả nói chung và dưa hấu nói riêng nên được ăn sau bữa ăn khoảng 2 tiếng, những lần ăn cần cách nhau ít nhất 6 giờ và chỉ nên ăn từ 2-3 lần mỗi ngày.
Cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn
Việc chia dưa hấu thành nhiều miếng vừa ăn sẽ tiện lợi hơn trong việc bảo quản. Ngoài ra, cũng sẽ giúp kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ, ổn định lượng đường trong máu.
Ăn phần thịt trắng
Có thể ít người biết nhưng phần thịt trắng của dưa hấu là phần chứa rất nhiều chất xơ. Phần này sẽ góp phần ổn định lượng đường trong máu, hạn chế đường hấp thu vào đường ruột.
Không ăn dưa hấu đông lạnh
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn dưa hấu tươi ở liều lượng cho phép (tầm 200g mỗi ngày). Không nên ăn dưa hấu đông lạnh vì dễ gây khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy,...
Mong rằng thông qua bài viết giải đáp về người mắc bệnh tiểu đường có ăn dưa hấu được không, Bách Hóa XANH đã mang đến cho bạn những thông tin thật hữu ích. Chúc bạn luôn có sức khỏe dồi dào và cuộc sống hạnh phúc.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống