Một số nguyên nhân gây nôn và buồn nôn ở trẻ em
Trẻ có dấu hiệu buồn nôn và nôn trớ khiến nhiều cha mẹ lo lắng về tình hình sức khỏe của con. Tìm hiểu một số nguyên nhân gây nôn và buồn nôn ở trẻ em.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tiến Ngọc - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết, nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản trào ra khỏi miệng bởi áp lực. Tình trạng này tuy không phải là bệnh lý nhưng cũng không nên chủ quan. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nôn và buồn nôn ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
1
Thế nào là nôn ở trẻ em?
Buồn nôn là cảm giác bất thường sắp xảy ra của cơ thể kèm theo một số thay đổi tự chủ bao gồm nhịp tim tăng lên, tiết nước bọt. Quá trình buồn nôn và nôn thường diễn ra theo trình tự, trừ một số trường hợp xảy ra riêng biệt (ví dụ như nôn có thể xảy ra mà không kèm theo triệu chứng buồn nôn do tăng áp lực nội sọ).
Nôn gây cảm giác khó chịu cho cơ thể và có thể gây mất nước do lượng dịch bị mất và khả năng bù nước thông qua đường uống hạn chế.
Ở trẻ có 2 dạng nôn bao gồm:
- Nôn ói cấp: Trường hợp bất thường, có biểu hiện từ vài giờ đến vài ngày và cần xử lý khẩn cấp. Bên cạnh đó khi tiếp cận ban đầu cần loại trừ các bệnh lý có thể đe dọa tính mạng như tắc ruột, tiểu đường nhiễm ceton, bệnh lý tuyến thượng thận, tăng áp lực nội sọ,...
- Nôn ói mãn tính: Trường hợp thường gặp và không cần xử lý khẩn cấp.
2
Các nguyên nhân gây nôn ở trẻ em
Tùy theo độ tuổi, nguyên nhân gây nôn và buồn nôn ở trẻ khác nhau. Cụ thể:
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh lý đường ruột do protein trong thức ăn (Food protein-induced enteropathy)
- Hôi chứng viêm đại tràng do protein trong thức ăn (Food protein-induced enterocolitis syndrome)
- Hẹp phì đại môn vị
- Suy thượng thận
- Tắc ruột, hẹp ruột
- Bệnh Hirschsprung
- Rối loạn chuyển hóa,..
Ở trẻ em:
- Viêm dạ dày ruột cấp tính
- Các bệnh nhiễm trùng (viêm họng do liên cầu),
- Liệt dạ dày
- Siêu vi (xảy ra nhiều giờ sau ăn)
- Lồng ruột
- Phản ứng phản vệ
- Bệnh lý thượng thận
- Tăng áp lực nội sọ
- Migrain
- Viêm thực quản Eosinophile,...
3
Các xét nghiệm đánh giá và phương pháp điều trị
Khi trẻ bị nôn ói, cần tiến hành các xét nghiệm để đánh giá và có phương pháp chữa trị phù hợp:
- Tiến hành xét nghiệm ở những bệnh nhân nôn ói nặng, kéo dài (trên 12 giờ ở trẻ sơ sinh, trên 24 giờ ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi và trên 48h nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi) hoặc nôn ói bất thường không nguyên do.
- Các xét nghiệm cần làm bao gồm: Công thức máu, điện giải đồ, siêu âm bụng tổng quát, xét nghiệm lipase, xét nghiệm nitơ urê máu (BUN), creatinine, amylase, đường huyết, men gan, tổng phân tích nước tiểu...
4
Nguyên tắc điều trị nôn ở trẻ em
Chú ý điều trị nôn ở trẻ em theo nguyên nhân:
- Mất cân bằng điện giải;
- Rối loạn chuyển hóa;
- Thừa và thiếu dinh dưỡng.
Thuốc chống nôn:
- Tác dụng tốt đối với trường hợp nôn nghiêm trọng, nôn liên tục hoặc nôn ói kéo dài;
- Không chỉ định trong trường hợp nôn ói không rõ nguyên nhân, bất thường giải phẫu, tình trạng chưa loại trừ bụng ngoại khoa,..
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân gây nôn và buồn nôn ở trẻ em. Nếu tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại bệnh viên để được chẩn đoán và chưa trị kịp thời.