Mẹ bầu hay khát nước vì sao? Cách giảm cơn khát nước khi mang thai
Tại sao mẹ bầu thường xuyên cảm thấy khát nước trong suốt giai đoạn thai kỳ? Cùng Tip Hay tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!
Ở hầu hết các mẹ bầu, tình trạng cảm thấy khát nước liên tục dù luôn bổ sung nước đầy đủ là vô cùng phổ biến. Đây đơn giản là hiện tượng tự nhiên do cơ thể người mang thai xuất hiện các thay đổi lớn về mặt sinh lý, sinh hóa. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bầu cảm thấy khát nước quá mức cần được theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, tránh dẫn đến những ảnh hưởng không đáng có đến sức khỏe mẹ và bé.
1
Vì sao mẹ bầu hay khát nước?
Theo các nghiên cứu y khoa, tình trạng khát nước liên tục có khả năng xuất phát từ 6 nguyên nhân dưới đây:
Uống ít nước
Đối với các mẹ bầu, lượng nước được khuyến nghị tiêu thụ mỗi ngày khoảng 6 - 8 ly để đảm bảo những nhu cầu cần thiết bên trong cơ thể. Cụ thể, khi bé phát triển túi ối cũng sẽ to dần theo, cung cấp đủ nước là cách giúp cơ thể loại bỏ những chất thải dư thừa của mẹ và bé một cách hiệu quả cũng như đảm bảo lượng nước ối luôn ở mức ổn định.
Tăng thể tích máu
Quá trình mang thai sẽ khiến cơ thể người phụ nữ xuất hiện nhiều thay đổi, đặc biệt có thể kể đến tình trạng tăng thể tích máu. Cơ thể mẹ bầu có khả năng tăng đến 40% thể tích máu so với trước khi mang thai. Đây là lượng máu bổ sung quan trọng đối với thai nhi khi giữ vai trò cung cấp dinh dưỡng cũng như oxy giúp bé phát triển. Việc tăng thể tích máu sẽ đòi hỏi mẹ phải cung cấp đủ lượng nước tương đương nên sẽ thường gây ra tình trạng khát nước ở mẹ bầu.
Sử dụng thực phẩm, thức uống gây khát
Việc ăn những món ăn đậm vị, khô khan hoặc uống những loại thực phẩm có chứa caffeine cũng dễ khiến mẹ bầu cảm thấy khát nước liên tục. Vậy nên, mẹ bầu cần xem xét kỹ lưỡng thực phẩm, thức uống trước khi sử dụng và hạn chế những sản phẩm dễ gây khát quá mức.
Huyết áp thấp
Trong vòng 24 tuần đầu của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thường xuyên gặp phải trình trạng tụt huyết áp góp phần khiến cơn khát của mẹ bầu gia tăng. Nguyên nhân chính gây ra việc này chính là tim cần hoạt động năng suất hơn thông thường giúp bơm máu đi nuôi cơ thể. Các triệu chứng phổ biến khi tụt huyết áp bao gồm: Mệt mỏi, mờ mắt, da lạnh và tái nhợt, buồn nôn, nôn, choáng váng hoặc tệ hơn là ngất xỉu.
Áp lực thai nhi lên bàng quang
Thông thường nếu hiện tượng khát nước diễn ra thường xuyên hơn ở giai đoạn cuối thai kỳ rất có thể xuất phát từ nguyên nhân bàng quang chịu áp lực bởi thai nhi. Hiện tượng này xảy ra dễ khiến mẹ bầu cảm thấy buồn tiểu liên tục đồng thời nhanh khát nước hơn.
Tiểu đường thai kỳ
Hiện tượng khát nước thường xuyên có đi kèm các triệu chứng như mệt mỏi, mất sức, đi tiểu liên tục,.. có khả năng là dấu hiệu của chứng tiểu đường thai kỳ. Để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đáng chú ý mẹ hãy đến ngay trung tâm y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
2
Triệu chứng cho thấy mẹ bầu khát nước quá mức
Cảm giác khát nước quá mức một cách liên tục thường đi kèm với các triệu chứng sau đây:
- Miệng khô rát, có thể xuất hiện khô cổ họng
- Bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá chân sưng to
- Cơ thể mệt mỏi, mắt lừ đừ, choáng váng, chóng mặt
- Thường xuyên mắc tiểu trong thời gian ngắn
3
Mẹo giảm cơn khát nước liên tục khi mang thai
Để đối phó với hiện tượng thường xuyên cảm thấy khát nước, mẹ bầu có thể tham khảo một số mẹo dưới đây:
- Thực hiện chia vạch cho chai đựng để đảm bảo tiêu thụ đủ lượng nước cần thiết và phát hiện sớm nếu xảy ra tình trạng khát nước quá mức.
- Đảm bảo uống đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày (6 - 8 ly), có thể đặt hẹn giờ để uống nếu mẹ sợ quên.
- Thử ngậm đá bào hoặc kem que để giải tỏa cơn khát. Tuy nhiên, không nên sử dụng đá bào hoặc kem que quá thường xuyên tránh ảnh hưởng sức khỏe.
- Giảm lượng muối có trong thực đơn mỗi ngày, lựa chọn những loại thực phẩm có vị thanh nhạt.
- Không sử dụng thức uống có chứa caffeine, nước ngọt, bia, rượu,..
- Thường xuyên bổ sung dinh dưỡng từ trái cây nhất là những loại quả mọng như quýt, bưởi, cam,..; bổ sung rau củ vào thực đơn hằng ngày để giúp cải thiện lượng nước cũng như lượng vitamin, khoáng chất thiết yếu được nạp vào cơ thể.
- Uống thêm sữa, nước ép không đường, nước canh,.. thay vì chỉ uống nước lọc.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc về tình trạng khát nước liên tục của mẹ bầu trong giai đoạn thai kỳ. Đừng quên theo dõi Tip Hay để cập nhật thông tin hữu ích cho cuộc sống mỗi ngày nhé!
Nguồn bài viết: Chuyên trang Sức khỏe HelloBacsi.