Mẹ 8x chia sẻ 4 cách đơn giản để trò chuyện cùng con trẻ
Bạn đã biết cách trò chuyện cùng con trẻ để bé phát triển tốt hơn? Cùng tìm hiểu 4 cách cực đơn giản dưới đây để trò chuyện chuyện cùng con nhé!
Trẻ con như một trang giấy trắng, chúng sẽ là những gì người lớn “vẽ” lên. Chính vì vậy, phương pháp giáo dục cũng như cách trò chuyện của cha mẹ với con trẻ là điều vô cùng quan trọng. Những cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn trò chuyện với bé hiệu quả hơn.
1
Quan tâm nhiều hơn đến con trẻ, đặc biệt ở giai đoạn 0 - 10 tuổi
Cách cha mẹ trò chuyện, chia sẻ với con cái trong giai đoạn này là rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Bạn cần chú ý trong giao tiếp không chỉ với trẻ mà còn với mọi người xung quanh vì trẻ sẽ nhìn đó và học tập theo.
Cần thiết giữ được sự cân bằng trong giao tiếp với trẻ, bạn không nên quá nghiêm khắc khiến trẻ sợ hãi và thu mình, nhưng cũng không nên quá chiều chuộng vì trẻ sẽ dễ ỷ lại và sinh hư. Bạn cũng cần dạy trẻ giữ bình tĩnh và biết cách lắng nghe trong giao tiếp.
2
Tôn trọng cảm xúc của con
Nếu bạn muốn con cái cởi mở và chia sẻ với mình nhiều hơn, hãy luôn tin tưởng và công nhận cảm xúc, suy nghĩ của bé. Khi cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, con sẽ mở lòng và chia sẻ với bạn nhiều hơn. Chẳng hạn, khi đón con đi học về, thay vì hỏi “Con được mấy điểm?”, bạn hãy hỏi con “Hôm nay đi học có vui không?”.
Đây chính là câu hỏi thể hiện bạn là người quan tâm đến cảm xúc của con. Như vậy, con sẽ trò chuyện với bạn nhiều hơn, qua đó, bạn cũng sẽ hiểu hơn về bé! Khi con bị điểm kém hoặc gặp thất bại nào đó, bạn không nên vội vàng phủ nhận năng lực của con mà hãy động viên con tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn. Đó sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá giúp con lạc quan và tự tin hơn.
3
Giải thích đơn giản, dễ hiểu
Khi muốn con lắng nghe mình hoặc muốn trẻ làm theo việc gì đó, thay vì ra lệnh, bạn hãy thử giải thích ngắn gọn lý do vì sao bạn muốn con làm như vậy. Ví dụ, bạn và con đi vào một trung tâm thương mại và đang đi thang cuốn. Trẻ hiếu động nên không ngừng chạy nhảy và làm ồn.
Bạn có thể giải thích: “Chạy nhảy trên thang cuốn rất nguy hiểm nên con hãy đứng yên và không làm ồn nhé!”. Như vậy, con sẽ hiểu rằng, việc chạy nhảy trên thang cuốn là điều không nên làm. Nếu chỉ luôn ra lệnh, bắt buộc con phải làm, bé sẽ dễ sinh ra cảm giác ức chế và muốn chống đối.
Như vậy, việc dạy dỗ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trẻ con có rất nhiều thắc mắc, chúng tò mò về mọi thứ xung quanh mình. Và đặc biệt, không phải lúc nào suy nghĩ của chúng cũng giống người lớn.
Vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn giải thích một cách dễ hiểu với con. Không nên phủ nhận: “Con thì biết cái gì mà hỏi?”. Như vậy sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo và phát triển tư duy của con.
4
Kịp thời khen thưởng và động viên con, không chê bai con trước mặt nhiều người
Nếu con đạt được một thành công nào đó, dù là nhỏ thôi, bạn cũng đừng quên động viên và cổ vũ con. Sự động viên, khích lệ có sức mạnh to lớn thúc đẩy con phát triển tốt hơn và bước tiếp trên con đường sắp tới. Sự khích lệ đó có thể là lời nói yêu thương, cũng có thể là những món quà nhỏ nhỏ dành tặng con.
Ngược lại, khi con gặp thất bại hoặc làm sai một việc gì, việc mắng mỏ đôi khi lại phản tác dụng. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không nên nói những lời khó nghe với con trước mặt mọi người xung quanh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của trẻ. Dần dần, trẻ sẽ thu mình và không muốn chia sẻ với cha mẹ.
Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi về cảm xúc của con “Con cảm thấy thế nào?”, “Con hãy nghỉ ngơi một chút, mẹ luôn ở bên con”. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn giúp con mạnh mẽ hơn.
Trên đây là 4 cách đơn giản để trò chuyện cùng con trẻ mà bạn có thể học hỏi và áp dụng. Điều quan trọng là bạn cần giữ được sự thấu cảm và tin tưởng đối với con cái. Chúc bạn luôn là những bậc cha mẹ thông thái!