Mang thai trứng là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu mang thai trứng
Mang thai trứng gây ảnh hưởng xấu đến bào thai và sức khỏe của người mẹ. Tìm hiểu mang thai trứng là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu mang thai trứng.
Mang thai trứng là một căn bệnh xảy ra ở phụ nữ, thường là bệnh lành tính. Mang thai trứng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy mang thai trứng là gì? Nguyên nhân và những dấu hiệu của mang thai trứng như thế nào? Cùng Tip Hay đi tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề này nhé!
1
Thai trứng là gì và nguyên nhân mắc bệnh
Thai trứng là tình trạng phát triển bất bình thường của lớp tế bào nuôi ở gai nhau. Tình trạng này xảy ra khi lớp tế bào nuôi ở gai nhau biến thành nhiều túi nhỏ chứa đầy nước, nối với nhau bằng những sợi nhỏ và lấn át bào thai.
Thai trứng được phân thành hai loại:
- Thai trứng toàn phần: Không có phôi thai, gai nhau phình to ra, tế bào nuôi tăng mạnh.
- Thai trứng bán phần: Phôi thai bất thường, phần lớn gai nhau biến thành túi nước.
Hiện tại, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra thai trứng, chỉ xác định được các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Phụ nữ mang thai sớm (dưới 20 tuổi) hoặc mang thai muộn (trên 40 tuổi).
- Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần.
- Phụ nữ có thể trạng yếu, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ.
- Phụ nữ có hệ miễn dịch kém.
Thai trứng là gì và nguyên nhân mắc bệnh
2
Dấu hiệu thai trứng
Dấu hiệu đặc trưng của người bị thai trứng là rong huyết. Rong huyết thường xảy ra vài ngày sau khi chậm kinh, kéo dài nhiều ngày. Ngoài ra, các triệu chứng buồn nôn, nghén nặng, cơ thể mệt mỏi, xanh xao,... cũng là những dấu hiệu phổ biến của người bị thai trứng.
Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, người bị thai trứng thường bị chẩn đoán nhầm thành bệnh dọa sảy. Dấu hiệu rõ nhất ở giai đoạn này là tăng huyết áp và đạm niệu (protein xuất hiện trong nước tiểu). Ở thời điểm này, khoảng 50% người mắc bệnh có tử cung phình ra nhanh hơn so với tuổi thai.
Vào giai đoạn giữa thai kỳ, bác sĩ sẽ không thể sờ thấy thai và không nghe được tim thai của người bệnh.
Hầu hết người bị thai trứng toàn phần sẽ bị thiếu máu, gặp các triệu chứng của cường giáp, tiền sản giật, tim đập nhanh, tay run,...
3
Phương pháp điều trị thai trứng
Phương pháp điều trị thai trứng
Để điều trị thai trứng, người bệnh cần được lấy khối trứng ra khỏi tử cung để ngăn ngừa các biến chứng. Phương pháp để điều trị thai trứng là nong nạo hay hút nạo thai trứng.
Đối với trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, thai trứng xâm lấn hoặc không còn nhu cầu sinh con thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung sau khi đã nạo hút thai trứng hoặc cắt bỏ tử cung toàn phần cả khối thai trứng.
4
Các câu hỏi liên quan đến mang thai trứng
Thai trứng có để lại biến chứng không?
Thai trứng là một căn bệnh lành tính, tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Mất máu
- Suy dinh dưỡng
- Băng huyết
- Thai trứng xâm lấn
- Ung thư tế bào nuôi
Theo dõi sau điều trị thai trứng như thế nào?
Sau khi nạo hút thai trứng, người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe thật chặt chẽ để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, sau khi hút thai trứng khoảng 2 tuần, người bệnh cần theo dõi Beta hCG (theo dõi chỉ số nồng độ hCG - chất hướng sinh dục màng đệm người). Ngoài ra, trong vòng 3 tháng đầu, người bệnh cũng nên đi thực hiện xét nghiệm định kỳ 2 tuần/lần rồi giãn cách thành 6 tháng/lần đến hết 12 tháng.
Lưu ý: Sau khi nạo hút thai trứng, người bệnh cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm.
Thời điểm nào có thể mang thai trở lại?
Sau 1 năm điều trị thai trứng, khi nồng độ beta hCG trở về mức bình thường thì phụ nữ có thể mang thai trở lại.
Sau khi mang thai trở lại, phụ nữ nên thực hiện siêu âm định kỳ trong vòng 3 tháng đầu để đảm bảo các vấn đề bất thường không xảy ra.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị thai trứng. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể bỏ túi được những kiến thức hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Vinmec tham vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng