Lệch khớp cắn là như thế nào? Nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn
Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về khái niệm sai lệch khớp cắn và một số nguyên nhân gây ra tình trạng này để biết cách khắc phục nhé.
Một trong những vấn đề về sức khỏe răng miệng phổ biến nhất hiện nay là sai lệch khớp cắn. Mặc dù không nguy hiểm nhưng tình trạng này cũng gây ra các ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ, chức năng ăn nhai và có thể dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng khác. Cùng Tip Hay tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé!
1
Lệch khớp cắn là gì?
Khớp cắn được định nghĩa là sự tương quan giữa hàm răng trên và hàm răng dưới, cụ thể là độ cân xứng và diện tích tiếp xúc với nhau của các răng cũng như xương hàm khi ở trạng thái nghỉ hoặc ăn nhai.
Lệch khớp cắn là tình trạng các răng hàm trên và hàm dưới không ăn khớp với nhau khi cắn chặt lại hoặc các răng mọc chen chúc, không đều nhau, làm giảm thẩm mỹ, chức năng ăn nhai và khả năng phát âm.
2
Các loại sai lệch khớp cắn
Khớp cắn sâu
Khớp cắn sâu là tình trạng sai lệch khớp cắn làm mất cân đối giữa hàm trên và hàm dưới, khiến hàm dưới thụt lùi vào và khuất sâu phía trong hàm trên. Khi nhìn nghiêng sẽ thấy răng hàm trên cắn trùm bao phủ khoảng 3/4 răng hàm dưới. Khớp cắn sâu ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, làm gương mặt mất đi sự hài hòa cũng như gây khó khăn khi ăn nhai.
Khớp cắn ngược (răng móm)
Khớp cắn ngược hay còn được gọi là răng móm khiến cho tương quan giữa hàm trên và hàm dưới có sự mất cân đối trầm trọng. Tình trạng này xảy ra khi cung hàm dưới phát triển quá mức, chìa ra trước và bao phủ hàm trên. Khi nhìn nghiêng, môi dưới nhô về phía trước nhiều hơn môi trên, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của gương mặt. Ngoài ra, khớp cắn ngược cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chức năng ăn nhai trong thời gian dài.
Khớp cắn hở
Khớp cắn hở là tình trạng răng hàm trên và dưới không chạm vào nhau, có thể xuất hiện ở nhóm răng phía trước hoặc nhóm răng sau trên cung hàm. Đặc biệt khi cắn hở ở nhóm răng cửa, có thể nhìn thấy lưỡi ngay khi khép miệng ở trạng thái nghỉ. Đây là một dạng sai khớp cắn nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn nhai và thẩm mỹ của khuôn mặt.
Khớp cắn chéo
Khớp cắn chéo thường không biểu hiện rõ bên ngoài mà chỉ lộ ra khi cười. Những người bị khớp cắn chéo sẽ có các răng trên cung hàm mọc lệch lạc chia thành nhiều nhóm khác nhau, răng có sự thò thụt mất trật tự, phá vỡ sự đối xứng của hai hàm và không rõ là bị hô hay bị móm.
3
Nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn
- Yếu tố di truyền chiếm đến 70% nguyên nhân gây nên tình trạng lệch khớp cắn và có thể di truyền cho cả thế hệ trong một gia đình.
- Nếu từ nhỏ có các thói quen xấu như đẩy lưỡi, mút tay, ngậm ti trong một thời dài sẽ dẫn đến tình trạng này.
- Việc chấn thương hay bị tai nạn làm gãy, lệch xương hàm cũng sẽ gây ra tình trạng lệch khớp cắn.
- Các thiết bị và quá trình phục hình hoặc niềng răng không phù hợp. Chăm sóc sức khỏe răng miệng sai cách.
- Nhiều trường hợp mất răng quá sớm sẽ khiến răng mọc chen chúc gây nên sai lệch toàn hàm và sai khớp cắn.
4
Dấu hiệu lệch khớp cắn
- Các răng mọc chênh lệch với nhau, khi cắn răng lại đường giữa của răng cửa hàm trên và hàm dưới không thẳng hàng mà nằm lệch nhau
- Khi ăn nhai hoặc nói chuyện dễ bị cắn trúng má trong hoặc lưỡi
- Việc cắn xé và nhai thức ăn khó khăn, thường bị mỏi hàm
- Gặp khó khăn khi phát âm, nói không rõ chữ
- Khó ngậm miệng và khép kín hai hàm, hay thở bằng miệng thay vì bằng mũi.
5
Những ảnh hưởng của lệch khớp cắn
Sai lệch khớp cắn sẽ gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực sau đây:
- Sai lệch khớp cắn khiến cho việc vệ sinh, chăm sóc răng miệng khá khó khăn, không làm sạch triệt để được vi khuẩn và thức ăn thừa bám trên răng. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu,…
- Người có khớp cắn sai lệch có thể khiến hoạt động ăn nhai bị suy giảm và khó khăn trong việc phát âm. Do lúc này, răng bị lệch khớp cắn không thể phân tán lực đều và mạnh như răng hàm bình thường. Vì thế, buộc phải sử dụng lực mạnh hơn để cắn, nhai thức ăn dẫn đến cơ hàm hoạt động quá mức gây ra tình trạng loạn khớp thái dương hàm.
- Những người có khớp cắn lệch thường có gương mặt không cân đối, khi cười dễ lộ ra khuyết điểm nên rất ngại giao tiếp với bên ngoài, cảm thấy tự ti về ngoại hình. Từ đó, gây ra những ảnh hưởng lớn từ đời sống tinh thần cho đến công việc.
6
Cách phòng ngừa và điều trị lệch khớp cắn
- Niềng răng: Đây là phương pháp dùng để điều trị lệch khớp cắn phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ dùng các khí cụ chỉnh nha chuyên dụng để dịch chuyển các sai lệch răng về đúng vị trí, khắc phục các vấn đề sai lệch khớp cắn.
- Phẫu thuật hàm: Phương pháp này được áp dụng điều trị với trường hợp sai lệch khớp cắn quá nặng, không thể niềng răng. Bác sĩ sẽ cắt bớt hoặc nối thêm xương tùy vào từng tình trạng .
Hy vọng qua bài viết trên, Tip Hay đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng sai lệch khớp cắn. Từ đó, bạn có thể chăm sóc răng miệng một cách tốt nhất.
Nguồn: vinmec.com