Làng cổ Đường Lâm - 'Cổ trấn' bị lãng quên bên hông Hà Nội
Muốn đến du lịch đến một nơi yên bình nhằm tránh xa sự xô bồ, nhộn nhịp ở vùng trung tâm? Vậy thì hãy cùng đến với làng cổ Đường Lâm - “cổ trấn” bên hông Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước ban tặng danh hiệu Di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 2006. Nơi đây đến hiện tại vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn rất nhiều những tinh hoa văn hoá lâu đời đầy đặc sắc. Hãy cùng Bách Hoá XANH tìm hiểu về ngôi làng cổ này nhé!
1
Sơ lược về làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm thuộc xã Sơn Tây, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 44 km về phía Tây. Nơi này là nơi sinh của Phùng Hưng và Ngô Quyền nên còn gọi là đất hai vua.
Làng Đường Lâm được tạo nên bởi sự gắn kết của 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ và trong đó có 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Những ngôi làng này thống nhất phong tục, tập quán và tín ngưỡng tạo nên bản sắc riêng của nơi này.
2
Chơi gì ở làng cổ Đường Lâm?
Nhà cổ Ba Điền
Đầu tiên là ngôi nhà 200 năm tuổi Ba Điền. Khi đến đây ta sẽ được mời dùng thử nước vối và chè Lam, những món đặc sản của nơi này.
Ta ngồi trong ngôi nhà ba gian sở hữu kiến trúc Bắc Bộ xưa đầy hoài cổ, nhấm nháp nước vối cùng chè Lam và ngồi nghe cụ bà hơn 90, cháu của bà Điền kể lại những câu chuyện về ngôi nhà đã trải qua 4 thế hệ này.
Nhà cổ ông Hùng
Nhà cổ ông Hùng được xây dựng vào năm 1649, tức đã gần 400 năm. Đập ngay vào mắt chính là chiếc cổng được dựng bằng đá ong, bã chấu và bùn. Đi vào trong sẽ nhìn thấy ngôi nhà cổ 5 gian 2 dĩ.
Với 3 gian giữa là nơi thờ phụng, 2 gian còn lại là phòng ngủ. Hệ thống cửa chính được thiết kế nhằm có thể tháo lắp dùng thay chiếu khi cần phục vụ cỗ, tiệc,... Căn nhà mang một vẻ yên bình, cổ kính và dáng vẻ đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà cổ ông Thể
Nhà cổ ông Thể, nơi đã có hơn 14 đời sinh sống và nổi tiếng với nghề làm tương. Ngôi nhà cổ này được xây dựng theo một cách thức rất đặc biệt, các khớp nối được nối với nhau bằng mộng và hoàn toàn không dùng đinh sắt.
Khi đặt chân vào sân, nơi có những chiếc chum đựng tương được đặt san sát nhau, ta sẽ ngay lập tức cảm nhận được mùi thoang thoảng của tương gạo. Tham quan căn nhà ta còn nhìn thấy được những vật dụng như của các ngôi nhà nơi miền núi Bắc Bộ.
Đình làng Mông Phụ
Ngôi đình 380 năm tuổi này mang đậm phong cách kiến trúc Việt - Mường. Bên trong đình được treo nhiều hoành phi câu đối. Nơi đây là nơi thờ phụng Sơn Thánh Tản Viên, một trong Tứ Bất Tử, phong ngài là Thành hoàng làng.
Tại đây ta có thể xem những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời và đầy tinh vi của người thợ tài hoa, cụ Mục Hùng, người đã đích thân vẽ mẫu và chỉ dẫn nhóm thợ mộc xây dựng nên ngôi đình không giống với các ngôi đình nào khác ở bất kỳ nơi đâu.
Nhà thờ giáo họ Mông Phụ
Đi qua cung đường hẹp, nhiều ngã rẽ ta sẽ đến được mới nhà thờ giáo họ Mông Phụ. Nhà thờ có phần mới hơn so với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi tại làng Đường Lâm. Ngôi nhà thờ không được chạm khắc quá cầu kỳ nhưng nơi đây vẫn lưu giữ một đức tin lớn mạnh.
Quán nước ven đường
Quanh làng cổ Đường Lâm, ta có thể dễ dàng bắt gặp những quán nước nhỏ. Khi ghé đến đây bạn sẽ được thưởng thức chè lam và nước vối. Bạn có thể mua chè lam hoặc bánh gai được người dân ở nơi đây làm ra mang về làm quà biếu, mang về chút không khí của làng cổ yên bình.
Café Làng
Quán sở hữu sự mộc mạc, xưa cũ, nơi chúng ta sẽ ngồi trên những chiếc ghế gỗ và nhấm nháp ly cà phê, cùng nhau kể chuyện ngày xưa về ngôi làng cổ. Thực đơn quán với giá cả bình dân, đồ uống mắc nhất chỉ tầm 25.000 đồng.
3
Đặc sản Đường Lâm có gì?
Khi đến Đường Lâm, hai món bạn không thể bỏ lỡ chính là chè lam và tương gạo. Hai đặc sản này sẽ được bày bán khắp mọi nơi trong làng.
Chè lam được người dân nơi đây làm ra hoàn toàn thủ công cùng công thức gia truyền, mỗi nhà trong làng đều có bí quyết riêng biệt nên không nơi nào hoàn toàn giống.
Chè lam khi thưởng thức sẽ cảm nhận được độ dẻo, mùi thơm nhè nhẹ cùng với các vị cay, ngọt, bùi hoà quyện vào nhau tạo nên hương vị rất đặc trưng, không thể bỏ lỡ.
Tương gạo hay còn gọi là tương nếp được những nhà làm tương nơi đây làm theo công thức gia truyền nhiều đời cùng nguyên liệu tươi ngon, được lựa chọn kỹ lưỡng để tạo nên mẻ tương gạo hấp dẫn cùng mùi hương đặc biệt.
4
Những lưu ý khi ghé thăm làng cổ Đường Lâm
Di chuyển
Bạn có thể đến với làng Đường Lâm với các tuyến xe bus sau:
-
Tuyến số 71 di chuyển từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây.
-
Tuyến số 70 di chuyển từ bến Kim Mã đến bến xe Sơn Tây.
-
Tuyến số 77 di chuyển từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây.
Ngoài ra bạn có thể đi xe máy hoặc taxi đến làng cổ Đường Lâm. Nhưng khi tham quan làng, nếu có thể hãy đi bộ hoặc thuê xe đạp làm phương tiện di chuyển để có thể cảm nhận sự cổ kính, cũng như dễ luồn lách vào các cung đường nhỏ hẹp ở làng.
Giá vé
Vé tham quan có giá khoảng 20.000 đồng/ người và nếu bạn chạy xe máy đến thì có thể gửi xe với giá khoảng 10.000 đồng/ chiếc.
Khi tham quan
Tại đây sẽ có người của ban quản lý đến hướng dẫn cũng như giới thiệu với các bạn về làng. Khi đến tham quan các nhà cổ thì hãy nhẹ nhàng, lịch sự chào hỏi gia đình đang sinh sống. Và nếu cần mua quà về thì bạn cũng có thể mua tại đây mà không cần phải đến chợ.
Nơi ở, ăn uống
Với các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi nếu bạn chưa đặt trước, thì hãy liên hệ đến địa điểm nghỉ ngơi trước khi tham quan nhé, vì khi được đặt trước thì người dân bắt đầu chuẩn bị bữa ăn, nơi ở.
Thời điểm tốt nhất đến tham quan
Để có thể trải nghiệm được hết những điểm đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, hãy đến vào mùa lễ hội. Lễ hội truyền thống của làng Mông Phụ sẽ diễn ra vào ngày 4 đến ngày 10 tháng Giêng, bạn có thể để trải nghiệm Lễ tế Thành Hoàng cùng nhiều trò chơi dân gian và còn nhiều lễ hội đặc sắc khác.
Bên cạnh đó, mùa lúa chín vào tháng 5 - 6 cũng là thời điểm tốt để tham quan. Khi đến đây bạn sẽ cảm nhận được không khí yên bình nơi làng quê, cùng đồng lúa chín cực kỳ nên thơ.
Trên đây là bài viết về làng cổ Đường Lâm mà Bách Hoá XANH muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã tìm hiểu được thêm một địa điểm mới để đến tham quan khi có dịp nhé!