Làm gì để tránh thất lạc khi dẫn con đi chơi?
Hè về, những chuyến du lịch, dã ngoại, vui chơi ngoài trời của gia đình cũng bắt đầu. Trẻ con tinh nghịch, đôi khi không tránh khỏi nguy cơ "lạc khỏi tầm mắt" bố mẹ khi vui chơi?
Nguyên tắc quan trọng nhất luôn là để mắt tới lũ trẻ của bạn. Nhưng nếu không đảm bảo tối đa được nó, bạn sẽ cần chuẩn bị sẵn những “công cụ” hỗ trợ, đồng thời cho bé sẵn những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân và xử lý tình huống trong trường hợp không may đi lạc.
1
Đừng để trẻ rời khỏi tầm mắt!
Ba mẹ thường chỉ chú trọng vấn đề này với các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vì tin rằng các trẻ lớn luôn ý thức được việc nên ở gần bố mẹ, hoặc đã biết cách tự bảo vệ an toàn cho mình, cũng như tìm được vị trí trở về bên bố mẹ khi cần.
Nhưng không! Sự tinh nghịch và vô tư có thể dẫn trẻ đi rất xa. Một khi đã bị lạc, sự hoang mang, hoảng sợ sẽ khiến trẻ không thể tìm đường quay trở lại và rơi vào những nguy cơ nguy hiểm.
Vì vậy, đừng để trẻ rời khỏi tầm mắt dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi, nhất là với các trẻ nhỏ. Đồng thời, nên hướng dẫn trẻ cách tự phòng tránh nguy cơ bị lạc và cách ứng xử khi bản thân bị lạc, để ít nhiều phòng tránh rủi ro và gia tăng sự an toàn cho trẻ khi gặp sự cố.
2
Cách tránh thất lạc con khi ra ngoài
Sử dụng "dây đi dạo" thân thiện cho bé
Một sợi dây mềm, có tính đàn hồi dùng để "kết nối" cổ tay bạn và cổ tay con bạn sẽ giới hạn khoảng cách của bạn với bé, giúp bé luôn trong tầm tay, tầm kiểm soát của bạn.
Nó sẽ thật hữu ích khi bé cùng cha mẹ tới 1 khu vực lạ, di chuyển nơi đông người hoặc kém an toàn.
Sử dụng thiết bị định vị GPS hoặc Bluetooth
Nếu trẻ có sử dụng smartphone, hãy cài đặt và bật định vị GPS để trong trường hợp cần thiết bạn có thể xác định được vị trí của trẻ.
Ngoài ra, hiện nay còn có các loại đồng hồ thông minh có định vị GPS cho trẻ, ba mẹ có thể trang bị khi cho con đi du lịch, vui chơi nơi đông người... để dễ dàng xác định được vị trí của con khi chúng lạc khỏi tầm mắt.
3
Điều nên làm để con an toàn khi bị thất lạc
Dạy con ghi nhớ những thông tin quan trọng
Như số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân đáng tin cậy trong gia đình, tên bố mẹ, địa chỉ nhà để trẻ có thể nhờ cậy sự giúp đỡ, liên hệ trong trường hợp bị lạc.
Dạy bé không nên khóc lóc, la hét hoảng sợ trong trường hợp lạc khỏi bố mẹ, có thể khiến kẻ xấu chú ý. Không chạy lung tung mà nên ở 1 phạm vi cố định để chờ người đến đón.
Nên hướng dẫn bé nhận biết những người lạ đáng tin cậy như bảo vệ, công an, nhân viên an ninh tòa nhà... dựa vào đồng phục thông dụng để bé có thể nhờ cậy sự giúp đỡ khi bị lạc.
Để lại thông tin liên hệ trên người hoặc balo của bé
Ba mẹ nên chuẩn bị 1 chiếc "vòng đeo tay ID" với đầy đủ các thông tin như: Tên con, địa chỉ nhà, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp viết trên chất liệu không thấm nước, không phai màu và đủ mềm mại để không gây đau khi đeo tay bé. Hoặc để lại 1 mảnh giấy với thông tin tương tự trong túi quần, balo của bé.
Có thể sử dụng namecard của ba mẹ và hướng dẫn bé đưa chúng cho người đáng tin cậy khi bị lạc.
Chuẩn bị cho bé 1 khoản tiền
Với các bé lớn trên 5 tuổi, bé đã có khả năng nhận thức, ba mẹ có thể cho bé sẵn 1 địa chỉ, hoặc 1 địa điểm hẹn trước trong trường hợp bị lạc.
Đồng thời, chuẩn bị cho bé 1 khoản tiền, không cần nhiều, chỉ cần đủ để bé gọi taxi để về điểm hẹn với bố mẹ.
Thất lạc là điều không mong muốn, nhưng là tai nạn khó lường khi đi cùng trẻ nhỏ. Một chút sự chuẩn bị để phòng tránh, và cả thông tin giúp trẻ xử lý trong trường hợp đi lạc là hết sức cần thiết, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho trẻ.
Xem thêm nhiều thông tin thú vị tại Mẹo vặt cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
>>> Tết thiếu nhi dẫn trẻ đến những địa điểm này đảm bảo trẻ mê tít không muốn về
>>> Hệ lụy của việc thiếu không gian và thời gian vui chơi ở trẻ