Kinh nghiệm du lịch Hoa Lư Ninh Bình cho người lần đầu mới đi
Cố đô Hoa Lư Ninh Bình được biết đến với nhiều di tích, danh lam hấp dẫn. Cùng tìm hiểu kinh nghiệm du lịch Hoa Lư đầy đủ nhất trong bài viết sau.
Cố đô Hoa Lư là một huyện gần trung tâm Ninh Bình, đồng thời cách Ninh Bình khoảng 18km và cách Hà Nội khoảng 120km. Hôm nay, hãy cùng Tip Hay đọc ngay bài viết dưới đây để bỏ túi kinh nghiệm du lịch Hoa Lư Ninh Bình cho người lần đầu mới đi nhé!
Tham khảo: 11 địa điểm
du lịch Ninh Bình nổi tiếng mà bạn phải đến thử
1
Du lịch Hoa Lư thời điểm nào đẹp nhất?
Cố đô Hoa Lư Ninh Bình vốn là nơi tổ chức các lễ hội đặc sắc nhằm tưởng nhớ những vị vua có công dựng và cứu nước thời xa xưa. Chính vì thế, để có những trải nghiệm ý nghĩa nhất, bạn nên ghé thăm Hoa Lư vào mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 11 năm sau) thay vì vào các mùa mưa lớn, cụ thể là những thời điểm dưới đây:
-
Dịp đầu xuân: Sau Tết âm lịch, người dân cố đô Hoa Lư Ninh Bình sẽ tổ chức vô vàn các lễ hội truyền thống đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ, điển hình như lễ hội Báo Bản Nộn Khê, lễ hội Đền La,...
-
Tháng 5: Không chỉ là thời điểm có thời tiết khí hậu dễ chịu, cuối tháng 5 tại Ninh Bình còn là mùa lúa chín, giúp bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của cánh đồng lúa vào độ trĩu hạt, chín vàng khi kết hợp tham quan các địa điểm khác như Tam Cốc, Hang Múa,...
-
Tháng 3: Thời điểm diễn ra lễ hội Trường Yên, hay còn được gọi là lễ hội Cờ Lâu - một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất của cố đô Hoa Lư và diễn ra hằng năm từ ngày 8 - 10 vào tháng 3 âm lịch.
2
Di chuyển đến Hoa Lư như thế nào?
Từ Hà Nội đến Ninh Bình
Do khoảng cách từ Hà Nội đến Ninh Bình khá xa (khoảng 100km), bạn có thể lựa chọn một số phương tiện sau đây để giúp bản thân cảm thấy thoải mái nhất:
-
Xe máy: Khi di chuyển bằng phương tiện này, bạn chỉ cần đi từ Hà Nội và thẳng theo đường quốc lộ 1A với chi phí xăng khoảng 100.000 đồng, thời gian di chuyển tầm 3 tiếng.
-
Tàu hỏa: Tàu hỏa từ Hà Nội đến Ninh Bình gồm các tuyến TN1, SE3, SE5, SE7, SE9, SE19 với giá vé khoảng 90.000 đồng dành cho ghế cứng đến khoảng 230.000 đồng dành cho giường nằm.
-
Xe khách: Bạn có thể xuất phát từ Hà Nội và đi các bến xe như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình rồi dừng chân tại các bến Nho Quan, Kim Sơn Ninh Bình với giá vé khoảng 75.000 đồng/người.
-
Taxi đường dài hoặc Limousine: Dành cho những gia đình nhỏ hoặc nhóm bạn ít người, đặc biệt có thể đưa đón bạn tới những địa điểm tham quan cụ thể tại Ninh Bình với giá vé khoảng 150.000 - 350.000 đồng tùy hãng.
Từ Ninh Bình đến Hoa Lư
Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, bạn đi theo hướng đến bưu điện thành phố, rẽ trái rồi đi men theo đường Tràng An. Tiếp đó, bạn đi theo bảng chỉ dẫn thấy được ở khu du lịch Tràng An Ninh Bình để di chuyển đến cố đô Hoa Lư cách đó khoảng 200m.
3
Những điểm du lịch tại Hoa Lư
Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế và đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta sau thời Bắc thuộc, đồng thời cũng là người đã chọn Hoa Lư làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt ngày trước.
Với lối kiến trúc cổ kính được tái hiện qua những bức tượng tinh xảo tạc bằng đá xanh, cùng khuôn viên rộng lớn có phía mặt tiền là dãy núi Mã Yên hùng vĩ và phía trên là lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, không gian cổ kính nơi đây chắc chắn sẽ là nơi lưu lại những trải nghiệm ý nghĩa, sống động nhất của bạn trong chuyến du lịch này.
Đền vua Lê Đại Hành
Dưới thời Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân, sau này được tôn là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc ta vì có công trạng lớn trong việc diệt quân Tống cứu nước. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đổi tên thành Lê Đại Hành, sáng lập triều đại Tiền Lê và trị vì Đại Cồ Việt trong 24 năm.
Đền vua Lê Đại Hành có mặt trước đối diện với quảng trường trung tâm Hoa Lư, phía sau là một hào nước với mục đích bảo vệ sự an toàn cho cố đô ngày trước. Tuy có quy mô nhỏ hơn so với đền vua Đinh Tiên Hoàng, thế nhưng ngôi đền này vẫn chiếm trọn tình cảm của du khách bởi bầu không khí thanh bình và vô cùng dễ chịu.
Hoa Lư tứ trấn
Hoa Lư tứ trấn là nơi để người dân thờ cúng các vị thần thành hoàng trấn giữ 3 vòng thành của cố đô, đồng thời là để tưởng nhớ những vị anh hùng có công dựng nước cứu nước. Cụ thể hơn các hướng của Hoa Lư tứ trấn thờ những thần sau đây:
-
Hướng đông: Thần Thiên Tôn, vị thần xưa kia được vua Đinh tế lễ khi dẹp loạn 12 sứ quân.
-
Hướng tây: Thần Cao Sơn, người bảo vệ cuộc sống và sự bình yên của dân những khi đất nước có giặc ngoại xâm.
-
Hướng nam: Thần Quý Minh, người được các nhà vua của nhiều triều đại ban sắc phong.
-
Hướng bắc: Thần Đức Thánh Nguyễn, người có công gây dựng và tu tạo nhiều di tích lịch sử tại cố đô này.
Các chùa ở Hoa Lư
Là một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, cố đô Hoa Lư còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của nước ta nhiều năm về trước. Trong đó, phải đến các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vàng, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính,...
Với khuôn viên rộng lớn, không gian trang nghiêm và lối kiến trúc tinh tế, cổ kính, các ngôi chùa nơi đây vừa sẽ giúp bạn có những bức ảnh sống ảo đẹp lung linh, đồng thời còn là nơi xua tan mọi bộn bề, phiền muộn của bạn thay vào đó là cảm giác đầy thanh bình, an yên..
4
Lễ hội truyền thống ở Hoa Lư
Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương
Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch hằng năm tại khu du lịch Tràng An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, là một lễ hội để thờ tụng thần Quý Minh - hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ theo tín ngưỡng dân gian.
Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội được tham gia lễ rước nước, tế lễ và lễ phóng sinh trên sông với hàng nghìn chiếc thuyền nhiều màu sắc, vượt qua hơn 5km, xuyên qua hơn 11 hang động trên sông Sào Khê rồi sau đó chia làm đôi: Một nửa sẽ cập bến, nửa còn lại thì tiếp tục hành trình hơn 3km để về đền Nội Lâm và cử hành nghi thức tế lễ.
Lễ hội Đền Thái Vi
Lễ hội Đền Thái Vi diễn ra trong khoảng từ ngày 14 - 17/3 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ các vị vua nhà Trần có công trạng lớn lao trong quá trình dựng và giữ nước. Điểm ấn tượng nhất của lễ hội có lẽ chính là lễ rước kiệu, với sự tham gia của hơn 30 đoàn người trong các xã ở Hoa Lư Ninh Bình.
Sau đó, không kém phần quan trọng chính là nghi thức tế lễ thiêng liêng được tổ chức trước đền Thái Vi, và cuối cùng là phần hội với các trò chơi dân gian hấp dẫn, đặc sắc mà bạn không thể bỏ lỡ như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, bơi thuyền,...
Lễ hội Trường Yên
Lễ hội Trường Yên được tổ chức từ mùng 10 - 13/3 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao trời biển của hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, những vị anh hùng dân tộc đã góp phần lớn lao trong việc sáng lập và phát triển đất nước Đại Cồ Việt ngày trước.
Lễ hội Trường Yên gồm 2 phần: Phần lễ là phần rước nước, diễn ra ở bến Trường Yên bên sông Hoàng Long và được tổ chức cách trang nghiêm ngay trước đền thờ vua Đinh và vua Lê. Sau đó, phần Hội sẽ diễn trò Cờ lau tập trận, đồng thời tổ chức những cuộc thi truyền thống đặc sắc như viết chữ nho, cờ tướng, người đẹp văn hóa Hoa Lư,...
5
Ăn gì khi du lịch Hoa Lư?
Cơm cháy Hoa Lư
Cơm cháy Hoa Lư tuy không hẳn là món ăn cổ truyền của Ninh Bình, nhưng lại được sáng tạo bởi một người con của cố đô và lưu giữ cho đến tận hôm nay. Tuy có hình thức mộc mạc, giản dị, món cơm cháy đặc biệt này lại được phát triển và trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Hoa Lư với hương vị giòn rụm, đậm đà khó quên.
Thịt dê núi Ninh Bình
Là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Ninh Bình, thịt dê ở đây mang độ săn chắc rất đặc trưng, mùi thơm và có ít mỡ nên được nhiều du khách yêu thích. Bên cạnh đó, những loại rau ăn kèm thường có ở Ninh Bình như cà gai leo, bầu trích, xoan dù,... cũng là yếu tố làm nên nét đậm đà đặc trưng của món ăn độc đáo này.
Ốc núi Ninh Bình
Ốc núi Ninh Bình là một loại ốc vô cùng hiếm, thường thấy ở các dãy núi đá vôi như Hoa Lư và sống bên trong các hang đá, đồng thời cần thức dậy lúc sáng sớm vào thời điểm mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8, khi chúng bò ra để kiếm ăn, sinh sản thì mới bắt được.
Thịt của loài ốc này có độ giòn ngọt và thơm mùi thuốc bắc rất đặc trưng, đồng thời có thể được dùng để chế biến thành những món ăn ngon lành, hấp dẫn như nướng, hấp gừng, luộc sả, xào me hay trộn gỏi,...
6
Lịch trình du lịch Hoa Lư trong 1 ngày
Nếu bạn đang có ý định du lịch Hoa Lư trong 1 ngày thì bạn có thể tham khảo lịch trình du lịch theo hướng Hà Nội - Tràng An - Bái Đính - Hoa Lư như dưới đây:
-
7h00 - 8h30: Khởi hành từ Hà Nội, nếu đi đường cao tốc thì bạn chỉ cần mất một tiếng hơn là có thể tới Ninh Bình. Từ đây, bạn tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An.
-
9h00 - 13h00: Bạn có thể khám phá khu du lịch Tràng An bằng thuyền và tham quan các địa điểm tại đây theo sở thích riêng. Sau 2 - 3 tiếng, bạn đi đến khu di tích cố đô Hoa Lư, tham quan đền thờ Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, sau đó ăn trưa, nghỉ ngơi ở một nhà hàng nào đó.
-
16h00 trở đi: Cuối cùng, bạn tham quan chùa Bái Đính, một trong những quần thể chùa nổi tiếng nhất ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Sau khi tham quan xong, bạn có thể di chuyển trở về Hà Nội.
7
Lưu ý khi du lịch Hoa Lư
Để giúp chuyến du lịch đến Hoa Lư Ninh Bình thêm phần thú vị và trọn vẹn, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
-
Cố đô Hoa Lư là một khu di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh nổi tiếng, vì thế bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, đồng thời phải giữ trật tự, tôn nghiêm, không được xả rác bừa bãi khi tham quan địa điểm du lịch này.
-
Nếu là du lịch tự túc, bạn nên xem trước bản đồ để thuận tiện cho việc di chuyển trong chuyến hành trình của mình.
-
Vì đa phần bạn sẽ tham quan khu cố đô ở ngoài trời, do đó bạn nên mang theo nón, kem chống nắng, nước lọc và một số vật dụng cần thiết khác giúp hạn chế sự bất tiện vì thời tiết nắng nóng, khó chịu.
-
Nếu du lịch theo đoàn, bạn cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên và ban quản lý di tích cố đô, đồng thời nên trò chuyện với các cụ trong ban quản lý trực tiếp để hiểu sâu hơn về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của khu di tích.
Trên đây là đầy đủ cẩm nang kinh nghiệm du lịch Hoa Lư Ninh Bình cho người lần đầu mới đi! Hy vọng với bài viết này của Tip Hay, bạn sẽ có những giây phút trải nghiệm tuyệt vời và thú vị nhất tại địa điểm du lịch nổi tiếng này nhé!